Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý IV/2020 diễn ra ngày 15/1, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết TP đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau, quả, thủy hải sản tương ứng khoảng 39.400 tỷ đồng cho dịp Tết Tân Sửu 2021, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm ngoái.
Thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu thực hiện chương trình bình ổn thị trường, gồm 33.075 tấn lương thực, 6.615 tấn thịt lợn, 18.114 tấn thực phẩm chế biến… Nguồn hàng hóa dự kiến kết nối với các tỉnh về Hà Nội để bảo đảm nguồn cung dự kiến đạt 50.000 tấn, trị giá 600 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 1.000 tỷ đồng với lượng hàng hóa nội địa chiếm 80%; Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với giá trị trên 50 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP cũng chủ động mở thêm kho hàng để dự trữ phục vụ Tết.
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, còn có nguồn hàng dự trữ do các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, chuẩn bị hàng hóa với mức trung bình tăng 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa trước dịp Tết Nguyên đán để chủ động có phương án đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Bảo đảm ổn định thị trường mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu và thịt lợn. Cụ thể, nhấn mạnh Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.