Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hà Nội cần đào thải cán bộ không đủ năng lực'

Cựu Chủ tịch Hà Nội cho hay, thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức nên lãnh đạo khóa mới cần biết lắng nghe để quy tụ người tài và đào thải người không đủ năng lực.

Sáng 1/11, bên lề Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu trao đổi với Zing.vn về công tác cán bộ nhiệm kỳ mới.

Nguyên phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu. Ảnh: Công Khanh.
Nguyên phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu. Ảnh: Công Khanh.

- Theo ông trong nhiệm kỳ 2015-2020, lãnh đạo Hà Nội phải đối mặt với những vấn đề cấp bách nào?

- Những vấn đề cấp bách của Hà Nội đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, thiết tha của nhân dân như, được sinh sống trong hòa bình, mọi giá trị pháp luật, văn hóa được tôn trọng. 

Có hai vấn đề cấp bách mà Hà Nội cần giải quyết là xây dựng kế hoạch khả thi về phát triển kinh tế và quản lý trật tự đô thị. 

Về kinh tế, lãnh đạo mới của thủ đô phải tập trung các chương trình mục tiêu để tạo đột phá trong kinh tế, khai thác thế mạnh, tiềm năng của các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp. 

Riêng quy hoạch vẫn còn nhiều tồn tại và phải thành thật thừa nhận, quy hoạch thủ đô còn nhiều chắp vá. Nguyên nhân là từ năm 1955 tới nay, Hà Nội từng năm lần, bảy lượt tách ra nhập vào. Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội cần nhìn xa, trông rộng để kiến tạo nên một Hà Nội hiện đại, đồng bộ, tránh manh mún.

- Để giải quyết được những thách thức này, lãnh đạo Hà Nội cần có phẩm chất nào?

- Là người từng 31 năm công tác tại Hà Nội, từ vị trí giám đốc sở, phó chủ tịch, chủ tịch, phó bí thư thành ủy rồi tham gia Chính phủ, tôi thấy lãnh đạo Hà Nội phải biết lắng nghe và có tấm lòng rộng mở để quy tụ được người tốt, người tài.

Hà Nội là thủ đô nên vừa phải giải quyết mối quan hệ với Trung ương vừa phải giải quyết với địa phương. 

Với Trung ương, Hà Nội vừa là cấp dưới, vừa là nơi hậu thuẫn cho các bộ ngành, phải đi đầu trong các quyết sách của cả nước. Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội phải thực sự cầu thị để cùng Trung ương đưa ra những lời giải, đáp số tốt cho việc phát triển thủ đô.

Lãnh đạo Hà Nội phải biết lắng nghe các tầng lớp nhân dân vì đây là nơi tập hợp tinh hoa của cả nước. Sống trên thủ đô có rất nhiều người tài, chứ không chỉ những người ăn lương của Hà Nội. Đó là các nhà ngoại giao, khoa học, văn nghê sĩ, trí thức... 

Họ không ăn lương của Hà Nội, không phải cấp dưới của lãnh đạo Hà Nội nhưng vẫn sẵn sàng đóng góp tâm huyết, chất xám cho thủ đô. Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội phải biết thực tâm lắng nghe, chắt lọc chất xám quý báu của đội ngũ này để góp phần xây dựng thủ đô.

- Nhiều địa phương kết thúc đại hội với dàn lãnh đạo đảng bộ trẻ tuổi, ông kỳ vọng gì ở nhân tố trẻ tuổi của thủ đô?

- Tôi thấy Thành ủy Hà Nội làm công tác nhân sự bài bản, đúng quy trình và phát huy dân chủ. Tôi tin rằng Hà Nội sẽ tìm được dàn lãnh đạo thực hiện tốt những phương hướng và nhiệm vụ mà đại hội đề ra.

Lịch sử cho thấy, đã có nhiều thành công, bài học khi giao nhiệm vụ cho người trẻ và họ đã hoàn thành tốt trọng trách được giao. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn cán bộ chúng ta phải tìm ra được người có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực để đảm trách các vị trí quan trọng. Đó là các vị trí liên hệ mật thiết tới sinh mệnh của hàng triệu người dân. 

Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần có phương thức đào thải những người không đủ năng lực. 

‘Lãnh đạo Hà Nội phải có tầm, có thực tiễn’

“Người dân thủ đô đang đòi hỏi rất nghiêm túc đối với vị trí lãnh đạo thành phố", nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt trả lời Zing.vn sáng nay.

Công Khanh thực hiện

Bạn có thể quan tâm