- Đã 37 năm sau cái chết của cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, anh nhớ gì về khoảnh khắc sinh tử của cuộc đời mình?
- Tôi nhớ tầm 22h đêm hôm đó (26/11/1978) cả gia đình lên xe hơi rời rạp Gia Định (gần chợ Bà Chiểu, TP HCM hiện nay) trở về nhà. Khi vừa bước lên xe tôi đã nghe cha mẹ và chú Các (vệ sĩ đi theo bảo vệ gia đình) nói về chuyện có người theo dõi. Khi xe chạy tới ngã sáu Phù Đổng, mọi người nói lại với nhau rằng chiếc xe bám đuôi đã rẽ theo hướng khác. Tôi còn nhớ lúc đó mình đã nói: "Về tới nhà mình chạy vào đóng cửa lại là nó hết vào được".
Khi xe về tới nhà, chú Các vừa mở cổng thì có một chiếc Honda 67 áp sát cửa xe hơi. Họ làm gì chú Các tôi không được thấy vì lúc đó tôi ngồi trên xe. Tôi bị một người trên xe 67 lôi ra, rồi mẹ tôi giật tôi lại. Hai người giằng qua giằng lại khiến tôi đau đớn.
Lúc đó bố tôi nói “Có gì thì vào nhà nói chuyện”. Vậy là chúng bắn luôn bố tôi. Khi đó mẹ đã giấu tôi ra sau lưng và nói 'Thôi bố chết rồi mẹ con mình chết theo", vậy là họ quay ra bắn mẹ tôi luôn. Sau lúc đó tôi không biết gì nữa. Một lúc sau tôi tỉnh dậy, tôi cố gắng bò về phía cửa nhà mà không bò nổi. Lúc đó tôi cảm giác có thứ gì đó rất nặng đè lên cơ thể mình. Sau này, khi nào tôi mệt hay lo lắng tôi hay bị cảm giác đó quay trở lại. Tôi nghe bố mẹ tôi thở rất nặng rồi mọi người mới từ trong nhà chạy ra bế tôi vào.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga và Hà Linh khi còn nhỏ. |
- Cuộc sống của anh thay đổi ra sao sau khi trở thành trẻ mồ côi?
- Khi còn sống, tối nào bố mẹ cũng pha sẵn cho tôi bình sữa và để ở đầu giường. Tới ba giờ sáng, tôi dậy là với tay lên đầu giường lấy sữa bú. Khi đó, tôi năm tuổi nhưng còn bú sữa bình. Nhưng ngay trong đêm bố mẹ mất, gia đình đưa tôi về bên bà ngoại, mọi người hỏi mọi lần bố mẹ pha sữa cho tôi thế nào để họ làm nhưng tôi không chịu. Cũng từ hôm đó tôi bỏ thói quen bú bình luôn.
Khi bố mẹ tôi mất, họ hàng bên nội không còn ai ở Việt Nam. Vì vậy gia đình bên ngoại dành hết tình yêu và sự chăm sóc cho tôi. Tuy nhiên, các cậu các dì rồi cũng có gia đình, có cuộc sống riêng. Chỉ có bà ngoại chăm tôi từng chút một như khi còn sống mẹ tôi vẫn làm. 10 năm sau cái chết của cha mẹ, bà ngoại tôi cũng ra đi. 15 tuổi tôi đã sống tự lập bằng tiền đi tấu hài cùng anh Hữu Châu và tiền lợi tức từ việc cho thuê ngôi nhà của bố mẹ.
Tôi nhớ nhiều kỷ niệm vui khi mình trở thành "tài sản chung" của cả nhà. Đơn giản như chuyện xin đi chơi. Những người khác chỉ cần xin bố mẹ nhưng tôi phải xin phép cả "hệ thống". Nhiều khi bà ngoại thương đồng ý cho đi nhưng các cậu lại không cho. Lúc đó tôi rất bức xúc, thậm chí còn nghĩ sao đời mình oan nghiệt thế. Sau này lớn lên tôi mới hiểu mọi người làm thế đều vì thương và lo lắng cho tôi.
Nghệ sĩ Hà Linh ở tuổi ngoài 40. |
- Việc chứng kiến bi kịch của người thân từ khi còn rất nhỏ ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của anh sau này?
- Bây giờ mỗi khi đọc báo, thấy có những vụ án tương tự tôi lại bị ám ảnh. Khi con gái lớn của tôi lên năm, đúng bằng tuổi tôi khi chứng kiến cảnh cha mẹ bị bắn chết, tôi rất lo lắng cho bé. Tuy nhiên cuộc sống có nhiều thứ khác phải nghĩ, thời gian rồi cũng giúp xoa dịu nỗi đau và vơi đi ám ảnh.
Tuy nhiên, có một thời gian tôi không khóc được trừ khi bị đòn đau. Cả nhà nói tôi vô cảm khi trong đám tang bố anh Hữu Châu, tức là cậu ruột tôi, mặt tôi vẫn tỉnh bơ. Cả khi anh trai anh Châu mất tôi cũng không khóc. Đến cả bà ngoại là người lo và thương cho tôi nhất, khi bà mất, tôi cũng không thể khóc. Bởi lúc đó tôi nghĩ ai trên đời rồi cũng phải đối diện với cái chết. Bố mẹ tôi đã mất rồi, chẳng còn nỗi đau nào lớn hơn thế để tôi phải rung động.
Nhưng đến khi anh Hữu Lộc mất thì tôi lại khóc dữ dội. Có lẽ lúc đó tôi đã trải qua nhiều mất mát, đã đủ trưởng thành để trải nghiệm thế nào là cảm giác mất đi một người thân. Khi còn sống tôi chơi thân với anh Hữu Lộc nhiều hơn so với anh Hữu Châu. Bởi tôi và anh Lộc bằng tuổi, từ chơi chung đến đi diễn đều sát cánh bên nhau. Cũng từ sau đám tang anh Lộc, tôi thôi mơ thấy bố mẹ mà mơ thấy anh ấy nhiều hơn.
Cho nên sau này đối với tôi chẳng có chuyện gì bất ngờ. Tôi luôn chuẩn bị cho mình tâm thế đón nhận chuyện buồn, chuyện đau đớn nhất. Tôi luôn nghĩ tới chuyện buồn trước, nếu có vui thì hạnh phúc được nhân lên, nếu buồn thì không bất ngờ, không bị sốc. Nói chung, chính bản thân tôi nhiều khi còn không thấy hào hứng với cuộc sống của mình ngoài những giây phút đứng trên sân khấu.
- Anh gặp thuận lợi và khó khăn gì khi lựa chọn theo nghiệp sân khấu của gia đình?
- Tôi gặp áp lực rất lớn khi là con một nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều người thắc mắc vì sao tôi không được nổi tiếng như anh Hữu Lộc và Hữu Châu. Thứ nhất, tôi chưa đủ tài như các anh ấy. Thứ hai, tôi luôn giữ cho mình một giới hạn an toàn để không làm ảnh hưởng đến truyền thống gia đình. Khi diễn hài tôi không dám làm quá kiểu như giả gái, đóng vai đồng cô bóng cậu hoặc "ném đá", bắt chước một ai đó để được nổi tiếng.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa ưng ý vai nào trong nghiệp diễn của mình. Người nghệ sĩ không có vai để đời thì sao có thể bật lên được. Trong khi tôi thích những vai góc cạnh, nội tâm thì người ta không dám giao vì sợ tôi làm hỏng vai. Quan niệm về diễn viên hài đóng bi rất khó thay đổi trong tư duy các đạo diễn.Tôi không thấy buồn vì mình chưa nổi tiếng, với tôi, điều quan trọng là làm gì cũng phải nghĩ đến truyền thống gia đình.
- Anh nghĩ sự nghiệp của mình sẽ ra sao nếu mẹ anh, nghệ sĩ cải lương Thanh Nga còn sống?
- Nếu mẹ tôi còn sống chắc chắn tôi sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các vai diễn. Có thể người ta chỉ hâm mộ mẹ tôi còn tôi thì người ta không quan tâm là ai. Có những người tận dụng triệt để mối quan hệ nhưng tôi không thích. Tôi không khi nào xưng là con của mẹ tôi, nếu người ta biết tôi cũng chỉ dạ rồi lảng sang chuyện khác. Có thể tôi thuận lợi từ bước đầu tiên nhờ tên tuổi của mẹ nhưng khi vào việc anh có làm được hay không mới quan trọng.
Ngày xưa trong nhóm Tam Tấu trẻ, chúng tôi lên sân khấu diễn cười rần rần nhưng nếu ngay từ đầu đã giới thiệu tôi là con nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, anh Hữu Lộc là em anh Hữu Châu thì chắc chẳng ai cười mà họ để ý chuyện khác. Tôi không bao giờ muốn lợi dụng tên tuổi của mẹ mình để đổi lấy vai diễn.
Hà Linh (áo đen) trên trường quay một bộ phim. |
- Nghệ sĩ hài hiện nay phủ sóng khắp các chương trình truyền hình. Anh có vui mừng vì điều này?
- Tôi thích những vai góc cạnh, cá tính chứ không phải vai hài. Niềm hứng khởi của tôi không phải diễn hài mà là được diễn trên sân khấu. Sân khấu mới là đất diễn của diễn viên chứ không phải phim ảnh. Trên sân khấu, người nghệ sĩ có thể chủ động đến 60 % với vai diễn, 40% còn lại của đạo diễn. Còn trên phim ảnh, diễn viên bị hạn chế tối đa khả năng của mình. Hài từng làm mưa làm gió từ những năm 1998 khi các liên hoan sân khấu hài nở rộ toàn quốc.
Từ năm 2003 đến 2009, hài lên ngôi trên các sân khấu Gala cười sau đó lại chìm xuống khoảng năm 2010. Từ 2013 trở lại đây, hài lại lên nhờ các chương trình gameshow, tuy nhiên tôi nghĩ năm 2015 này hài đang ở đỉnh, chỉ qua năm sau là thoái trào. Nếu hài thoái trào, tôi vẫn sống khỏe bằng kịch và các chương trình truyền hình khác.
- Cám ơn nghệ sĩ Hà Linh.