Trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron trên khắp châu Âu, chính phủ Hà Lan đã ban hành lệnh giãn cách xã hội mới hôm 19/12, trong đó yêu cầu các cửa hàng bán vật dụng không thiết yếu và các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa sau 17h.
Tuy nhiên, người Hà Lan không dừng việc mua sắm và ăn mừng lễ Giáng sinh, họ di chuyển sang các nước nơi các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar vẫn được phép hoạt động.
Các cửa hàng bán lẻ tại Amsterdam đóng cửa theo lệnh phong tỏa của chính phủ Hà Lan ngày 21/12. Ảnh: Bloomberg. |
Ở những thành phố nằm ngoài lệnh phong tỏa của chính quyền Hà Lan, các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, nhưng đồng thời mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng cũng dâng cao.
Chứng kiến lượng người di chuyển qua biên giới gia tăng sau khi lệnh phong tỏa được ban hành, Thủ tướng Mark Rutte đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến người dân Hà Lan, yêu cầu họ "dừng việc mua sắm ở Cologne (thành phố ở Đức), hay đi ăn bên ngoài ở Antwerp (thành phố ở Bỉ)".
Thế nhưng, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai lời kêu gọi này. Ở Antwerp, thành phố nằm cách biên giới Hà Lan chưa đến 15km, truyền thông địa phương ghi nhận được nhiều hoạt động náo nhiệt diễn ra ở ga tàu và các khu mua sắm.
Tại Đức, du khách đến bang North Rhine-Westphalia cũng tăng cao, khiến cho các đảng đối lập đã thúc ép chính quyền địa phương hành động nhằm chặn đà gia tăng của lượng người đổ đến các thành phố như Cologne và Dusseldorf.
Sự lo ngại về sức khỏe cộng đồng là rất chính đáng. Số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở Hà Lan trong 7 ngày qua cho thấy nước này có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với Bỉ và Đức. Hà Lan cũng bị hai nước láng giềng bỏ xa trong việc tiêm mũi vaccine nhắc lại.
Dù cho các nghiên cứu bước đầu nhận định biến chủng Omicron ít khả năng gây bệnh nặng hơn so với Delta, tốc độ lây lan nhanh của nó vẫn là một mối nguy lớn, có khả năng làm tăng số ca tử vong và gây quá tải cho hệ thống y tế.
Ở một khía cạnh khác, việc người Hà lan đổ xô đến các thành phố của Bỉ và Đức có thể làm gia tăng số ca nhiễm ở những nơi này, khiến chính quyền địa phương phải phải ban hành các biện pháp hạn chế để đối phó với dịch bệnh.