Trong thông cáo ngày 25/5, nội các Hà Lan nói rằng bước tiếp theo có thể là đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để nhận sự phán quyết. Amsterdam cũng nói rằng Australia chia sẻ quan điểm này với họ về vai trò của Nga.
"Chúng tôi kêu gọi Nga nhận trách nhiệm và hoàn toàn hợp tác trong tiến trình tìm kiếm sự thật, đạt được công lý cho các nạn nhân của chuyến bay MH17", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Stef Block nói.
"Hà Lan và Australia yêu cầu Nga ngay hôm nay tham gia vào cuộc đối thoại để đi đến một giải pháp công bằng cho sự đau khổ lớn lao và những thiệt hại mà vụ rơi MH17 đã gây ra".
Chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine, khu vực do lực lượng nổi dậy thân Nga kiểm soát, vào tháng 7/2014. Toàn bộ 298 người trên chuyến bay, khi đó đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã thiệt mạng. Trong số người thiệt mạng có 28 người Australia.
Vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine vào năm 2014 đã làm chết tất cả 298 người trên máy bay. Ảnh: AFP. |
Ngày 24/5, các điều tra viên quốc tế trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines lần đầu khẳng định tên lửa BUK được dùng để bắn rơi chiếc phi cơ được vận chuyển từ một lữ đoàn của quân đội Nga.
Nhóm Điều tra Liên hợp (JIT) đã đi đến kết luận rằng tên lửa BUK-TELAR bắn rơi MH17 đến từ Lữ đoàn Tên lửa chống máy bay 53, đóng tại vùng Kursk thuộc Nga. Lữ đoàn 53 là một phần của lực lượng vũ trang Nga.
Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan. Hôm 24/5, Moscow tuyên bố chưa hề có bệ phóng tên lửa của Nga từng được chuyển vào lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Reuters nói rằng các công tố viên đã đưa ra nhiều hình ảnh làm bằng chứng nhưng không nêu rõ lực lượng nào đã bắn tên lửa làm rơi MH17.
Ngoại trưởng Hà Lan nói rằng những công bố mới nhất "chỉ thẳng vào sự liên quan của Nga". Ông Blok nói rằng quy trình buộc Nga chịu trách nhiệm cho thảm kịch MH17 theo luật pháp quốc tế sẽ là một quy trình khác biệt và song song với cuộc điều tra đang diễn ra để truy cứu trách nhiệm hình sự.