Chuyên gia
Nguyễn Hữu Vượng là một trong những nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu thị trường hiện nay. Anh là giám đốc âm nhạc của live show Human (Tùng Dương), Hộp thư số một (Hương Tràm) và đặc biệt là loạt đêm nhạc của Hà Anh Tuấn từ năm 2017 đến nay với Fragile, Romance, Gấu, Truyện ngắn và mới nhất là Veston, diễn ra vào tháng 4 vừa qua tại Đà Lạt, quy mô 10.000 khán giả.
Zing có cuộc trao đổi với Nguyễn Hữu Vượng về vai trò giám đốc âm nhạc trong những live show anh đã làm và lý giải về sự thành công của Hà Anh Tuấn.
"Không phải cứ dị là làm linh tinh quái đản"
- Anh là giám đốc âm nhạc cho các live show của Hà Anh Tuấn lẫn Tùng Dương, mà hai ca sĩ này lại quá khác nhau?
- Tôi quy từng người vào phong cách âm nhạc cho từng live show của họ. Và tôi làm mọi thứ để bật lên đúng màu sắc của họ trong mỗi thể loại âm nhạc. Ngoài ra tôi cũng phải nói chuyện với các ca sĩ rất nhiều, trước khi làm show, lắng nghe ca sĩ chia sẻ mong muốn. Từ đó, tôi đưa ra những xử lý âm nhạc cho phù hợp nhất.
Live show Human của Tùng Dương do Nguyễn Hữu Vượng làm giám đốc âm nhạc. Ảnh: Tùng Đoàn. |
- Bật màu ca sĩ và không cần thấy màu riêng của giám đốc âm nhạc là bí quyết?
- Tôi quan niệm làm live show cho một ca sĩ nào đó phải làm bật được màu của ca sĩ đó, không phải màu của mình. Nếu muốn bật màu sắc âm nhạc của mình, tôi phải làm concert của tôi.
Ví như với Tùng Dương trong live show Human là rock thì tôi đẩy mạnh hơn về biên chế band nhạc, các bản phối đậm chất rock, mạnh mẽ và quyết liệt hơn để phù hợp với tính chất nhạc rock, trong khi với Hà Anh Tuấn tôi lại khai thác nhiều hơn vào câu cú, hòa thanh, cách chơi của band, dàn dây, các bản phối cũng cần lắng hơn, tình hơn.
Quan trọng hơn cả, concert của ca sĩ nào đó, phải bật lên được cá tính âm nhạc của họ, tôi ưu tiên việc đó lên hàng đầu.
- Vậy đâu mới là thế mạnh của anh?
- Tôi thích jazz, funk. Jazz rất kén người nghe và kén cả ca sĩ, hiện tại Việt Nam chưa có nhiều, tương lai thì cũng chưa biết.
- Giữa Hà Anh Tuấn, Hương Tràm và Tùng Dương, ai là ca khó?
- Với Hà Anh Tuấn, cái khó có lẽ là live show Fragile (2017), là đêm nhạc đầu tiên chúng tôi hợp tác. Đó là lần đầu tôi làm một show ở cương vị giám đốc âm nhạc, lại là show lớn nên có nhiều áp lực về thời gian, bài vở, nói thật, rất lo lắng. Sau này, mọi live show của Hà Anh Tuấn, tôi đã có thêm kinh nghiệm khiến mọi thứ nhẹ nhàng và đơn giản hơn.
Hương Tràm là người dám thử nghiệm. Khi làm live show Hộp thư số một của Hương Tràm, cô ấy nói: “Anh cứ làm hết mọi thứ, thể loại nào em cũng chơi được”. Hương Tràm là ca sĩ tôi đánh giá rất cao về cả giọng hát lẫn độ chịu chơi, không ngại thử thách trong âm nhạc.
Tùng Dương là một ca khó. Nói đến Tùng Dương thì đa số người nghe nói đến sự khó nghe, mang tính chuyên môn cao đối với thị hiếu khán giả, dù trong sâu thẳm vẫn rất cần khán giả. Nên khi làm việc với Tùng Dương, tôi phải tính toán để vừa bật được màu của Tùng Dương, vừa gần với khán giả.
Làm việc với mỗi người lại có cách làm việc khác nhau, rất khó để so sánh nhưng tôi nghĩ để chọn ca nào khó nhất, tôi nghĩ là Tùng Dương.
- Tại sao Tùng Dương khó nhất?
- Nằm ở cách làm việc. Cá tính Tùng Dương rất mạnh và tôi cũng mạnh. Khi làm album Human, chúng tôi cũng vài lần xảy ra bất đồng, đã có lần tôi nói với anh ấy là tôi không làm nữa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, các sản phẩm âm nhạc cần được bàn tính kỹ lưỡng nên điều đó cũng dễ hiểu. Tôi nghĩ tôi đã hãm cho Tùng Dương bớt điên hơn ở Human.
Tùng Dương là người thích những thứ hơi dị, âm nhạc dị. Tôi tôn trọng điều đó, nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn cả, mình dị đến mấy mình cũng phải hiểu mình đang làm gì, không phải cứ dị là làm linh tinh quái đản. Dị phải là dị một cách chủ động.
- Nghĩa là phải kiểm soát được sự quái dị, như “Lão Ngoan đồng” Chu Bá Thông, chơi võ như con nít nhưng hóa ra là cao thủ?
- Đúng vậy, đỉnh cao của quái dị và đẳng cấp vẫn phải là biết mình đang làm gì, chứ không phải tỏ ra điên để thể hiện đẳng cấp. Như Herbie Hancock chơi jazz, nghe đôi khi giống như đứa trẻ không biết chơi đàn, nhưng thực tế lại là tầm rất cao, chỉ ông ấy mới hiểu. Đỉnh cao của quái dị trong âm nhạc phải như vậy.
Như Herbie Hancock chơi jazz, nghe đôi khi giống như đứa trẻ không biết chơi đàn, nhưng thực tế lại là tầm rất cao, chỉ ông ấy mới hiểu.
- Nhưng thăng hoa, đỉnh cao chẳng phải đi liền với ngẫu hứng. Nếu cái gì cũng bị kiểm soát, biết mình đang làm gì thì còn đâu tính nghệ sĩ?
- Cái tôi đang nói đến không phải là sự ngẫu hứng, kể cả là ngẫu hứng thì cũng phải trong khuôn khổ, không phải ngẫu hứng nghĩa là thích làm gì thì làm. Như cốc nước hôm nay buồn đổ nước lọc, mai vui đổ nước cam, hôm nay bạn hơi quá đà, bạn pha nước cam với mắm tôm, nhưng nó vẫn là hình cái cốc, vẫn phải trong khuôn khổ.
Phải trong cái khung, nếu không cứ nói tôi đang hát thăng hoa nhưng chính mình cũng không hiểu mình đang làm gì, tôi không đánh giá cao điều đó.
- Với trường hợp Tùng Dương, rõ ràng đó vẫn là màu mà thị trường đang không có?
- Tôi không phủ nhận điều đó. Tùng Dương rất cá tính, từ ăn mặc đầu tóc, gu nghe nhạc cũng vậy. Bản thân Tùng Dương có sự quái dị từ trong máu. Tùng Dương đã rất thành công và là người có tài, có giọng hát khác biệt với các ca sĩ khác từ cách xử lý, nội lực, cách truyền tải cảm xúc.
"Giọng của Hà Anh Tuấn không xuất sắc, cũng không tệ"
- Quay trở lại với trường hợp Hà Anh Tuấn, theo anh tại sao Hà Anh Tuấn thành công và bán được vé?
- Hà Anh Tuấn thành công là sự tổng hợp của mọi thứ. Giọng hát của Hà Anh Tuấn có thể không xuất sắc, nhiều ca sĩ có thể hát tốt hơn thế. Nhưng Hà Anh Tuấn cũng không phải người hát tệ, đó là giọng hát cảm xúc, có cái “e” riêng, chỉ là giọng hát ấy không quá xuất sắc đến mức không ai hát được.
Hà Anh Tuấn thành công vì đã xây dựng được cho mình một phong cách quý ông, lịch lãm, văn minh, cùng với cách làm show, cách kể chuyện… Tất cả làm nên sức hút Hà Anh Tuấn.
Đằng sau Hà Anh Tuấn là đội ngũ giỏi, nhiều ý tưởng, làm sân khấu độc đáo. Nếu Romance là rừng cây, sân khấu nằm trong một rừng hoa, Gấu là tổ chim, mỗi người nghệ sĩ là một con chim và Hà Anh Tuấn là con chim đầu đàn, Truyện ngắn lại là giá sách và live show Veston là đầu đĩa than.
Hà Anh Tuấn là người đầu có sỏi và ê-kíp của anh ấy cũng vậy, tôi luôn rất ấn tượng với các cách bài trí sân khấu trong mỗi concert của Hà Anh Tuấn dù trách nhiệm của tôi là âm nhạc.
Theo Nguyễn Hữu Vượng, thành công của Hà Anh Tuấn có đóng góp lớn của một ê-kíp "đầu có sỏi". Ảnh: Đại Ngô. |
- Live show "Veston" vừa rồi của Hà Anh Tuấn có vài ca khúc jazz nhưng hát chưa ra chất. Là dân nhạc jazz, anh có hài lòng với cách hát jazz của Hà Anh Tuấn?
- Tôi nghĩ ở Việt Nam đang rất hiếm một ca sĩ hát jazz đúng hơi, đúng chất, cũng có một vài người nhưng tôi chỉ thích về màu giọng. Màu giọng như thanh âm của nhạc cụ, màu giọng tốt thì chỉ cần hát đơn giản là đã ra chất. Muốn hát được jazz phải nghe jazz nhiều và hiểu nó thì mới hát đúng hơi được.
Jazz kén cả nhạc công, kén cả ca sĩ và kén cả người nghe. Giọng của Hà Anh Tuấn rất hợp với ballad và Hà Anh Tuấn vẫn có cách hát jazz của anh ấy.
- Theo anh, Hà Anh Tuấn có thể hấp dẫn, tiếp tục trở thành "ăn khách" ở loại hình concert đến khi nào?
- Điều ấy cần nhìn vào những concept tiếp theo, tôi nghĩ Hà Anh Tuấn có một lượng khán giả riêng. Điều đó thực sự quan trọng đối với một ca sĩ muốn đi đường dài. Tôi nghĩ các concert của Hà Anh Tuấn đang dần trở thành một thói quen, chứ không phải chỉ là concert đơn thuần.