Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vốn liếng của Hà Anh Tuấn trước 10.000 khán giả

Hà Anh Tuấn kéo được 10.000 khán giả đến với đêm nhạc vừa diễn ra tại Đà Lạt. Anh bày biện rất nhiều thứ để chiều lòng các thực khách của mình dù âm nhạc lại không phải món chính.

Review

Chieu cua Ha Anh Tuan anh 1

Cuối tuần vừa qua, hai đêm nhạc của Hà Anh Tuấn với tên gọi The Veston đã diễn ra tại khuôn viên trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Mỗi đêm có 5.000 khán giả, tổng là một vạn người, thuộc vào nhóm concert bán vé quy mô nhất của thị trường nhạc Việt dù nơi tổ chức không phải là TP.HCM hay Hà Nội.

Hà Anh Tuấn từ năm 2017 đến nay đã trở thành một trường hợp rất đặc biệt, chương trình nào cũng cháy vé và cháy trong thời gian rất ngắn. Nam ca sĩ đã áp dụng một công thức rất hiệu quả, tạo ra một hệ sinh thái riêng để thu hút khán giả. Hệ sinh thái ấy có rất nhiều thứ, và nghịch lý hoặc điều kỳ lạ là âm nhạc lại không phải vốn liếng chính, thuyết phục nhất mà Hà Anh Tuấn và ê-kíp đã bỏ ra.

Duyên và khéo như Hà Anh Tuấn

Hà Anh Tuấn trong những live show của mình không bao giờ cần MC chuyên nghiệp. Bởi vì, chính nam ca sĩ luôn đóng vai trò của người dẫn chương trình, nói đâu ra đấy, tự nhiên và thể hiện được sự thân tình với những người ngồi dưới.

Trong The Veston đêm thứ hai, Hà Anh Tuấn nói với khán giả rằng chẳng qua mọi người ngồi xa nên nhìn không rõ, chứ nếu gần sẽ thấy “Tuấn đã già hơn rất nhiều”. Nhiều khán giả ngay lập tức đồng thanh đáp lại: “Không, rất đẹp trai”.

Hà Anh Tuấn có nhiều tương tác với khán giả tương tự vậy. Trêu khán giả, hát cùng khán giả, chọc họ cười và thậm chí dặn họ chuẩn bị tâm thế để khóc, để buồn vì những bản nhạc sầu. "Bài sau đây rất buồn nhưng hay", anh nói.

Nam ca sĩ cũng để tâm đến từng đối tượng trong đêm nhạc: Ai đi nghe nhạc một mình, ai đi nghe hai mình, ai đến từ Hà Nội, ai từ TP.HCM qua, ai vừa thất tình, ai chờ “nhịp thở đôi”... đều được nhắc đến cả.

Chieu cua Ha Anh Tuan anh 2

Hà Anh Tuấn và Khang của Chillies hát chung. Ảnh: Đại Ngô.

Đó là một người dẫn chuyện rất thông minh, làm chủ kịch bản, làm chủ cả những phản ứng của khán giả. Tất nhiên là làm hai đêm nhạc liên tiếp cho một concert, chắc chắn kịch bản nói chuyện khó tránh nhiều điểm chung. Nhưng Hà Anh Tuấn cũng làm chủ luôn điều này. Nam ca sĩ biết là có không ít khán giả mua vé cả hai đêm để xem nên trách đùa: “Chúng ta đã có quy tắc là không mua vé hai đêm, vậy mà vẫn có người đi cả hai đêm, ca sĩ còn biết nói gì”. Khán giả bật cười.

Qua những đêm nhạc, điều dễ thấy là đôi khi Hà Anh Tuấn lặp lại trong cách pha trò nhưng khán giả vẫn cảm thấy thích thú. Người ngồi dưới có thể thoải mái hét lên, người trên sân khấu cũng không ngại kéo họ lại gần với mình, bằng những lời chia sẻ vừa duyên, vừa khéo và không bị lố. Những chia sẻ tạo ra sự đồng cảm là điều không phải ca sĩ nào cũng làm được.

“Chiếc áo vest rộng” và những điều chưa ổn

So với các concept từng được tổ chức của Hà Anh Tuấn, The Veston có concept mơ hồ nhất về âm nhạc. Nam ca sĩ và ê-kíp đã tự đặt ra một chủ đề khó. Là lý do khi đêm nhạc khép lại tinh thần của Veston và lời giải cho sự lịch lãm vẫn chưa được trọn vẹn.

The Veston đặt nhiều bài hát khác nhau cạnh nhau trong khoảng gần 3 tiếng. Mở đầu với Có chàng trai viết lên cây – một sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh từng được Hà Anh Tuấn hát trong show Truyện ngắn. Tiếp đến là Thành phố buồn, Mưa rừng và loạt bài bài nhạc tình buồn như Tôi vẫn đợi em nơi hẹn cũ, Đàn bà, Trái tim em cũng biết đau, Còn nguyên vết thương sâu, Đồi thông hai mộ, Tuyết rơi mùa hè.

Đa phần là các sáng tác cũ, có thể lần đầu được Hà Anh Tuấn thể hiện hoặc đã được anh cover trước đó. Tinh thần pop là chủ đạo nhưng đêm nhạc cũng có một vài bài được phối theo phong cách jazz như Thành phố buồn, Thuở ấy có em và một bài có chất dân ca như Tùy hứng lý qua cầu.

Rất đáng ghi nhận là Hà Anh Tuấn đã làm mới đêm nhạc của mình khi có sử dụng chất liệu jazz. Song, anh hát jazz chưa phù hợp, không đủ phiêu linh, nhấn nhá như jazz cần có. Trong khi, với nhạc pop, ca sĩ vẫn làm chủ, anh vẫn ăn điểm với lối hát cảm xúc.

Hà Anh Tuấn chưa bao giờ là giọng ca xuất sắc, đêm nhạc của anh gần như đêm nào cũng mắc những lỗi về chênh, phô. Đôi khi anh còn hát chênh những chỗ không đáng có. Nhưng nhiều khán giả vẫn thể tất hoặc không lấy làm bận tâm vì thương hiệu của Hà Anh Tuấn đến nay vẫn là cách anh thể hiện hơn là một giọng hát bản năng đẹp sẵn.

Nhưng điều đáng tiếc ở Veston là cách chọn bài lộn xộn, không thể tạo thành một câu chuyện nhất quán và tinh thần âm nhạc xuyên suốt, không ít trong số đó không hợp với giọng ca sĩ. Chất lượng giọng hát live của Hà Anh Tuấn ở Veston cũng không bằng Fragile hay Romance trước đó.

The Veston có hai khách mời, bao gồm danh ca Tuấn Ngọc và nhóm Chillies. Việc chọn hai khách mời quá khác nhau về mặt thế hệ là một ý tưởng thú vị nhưng cách chọn bài và sắp xếp lại không đủ ấn tượng.

Danh ca Tuấn Ngọc trong đêm nhạc bị đặt vào hai bài hát lần đầu ông thể hiện là Xin lỗiTôi vẫn đợi em nơi hẹn cũ đều là sáng tác của Hồ Tiến Đạt. Với sự xuất hiện của danh ca Tuấn Ngọc, rõ ràng ông chỉ cần hát những bài cũ trong gia sản của mình đã đủ hợp lý. Khi đặt trong những thử thách mới đôi khi lại quá mạo hiểm và mang đến kết quả chưa thực ưng ý.

Trong khi đó, Chillies là một trong những nhóm indie được yêu thích nhất hiện nay. Chillies không cần đến dàn nhạc của Nguyễn Hữu Vượng, cộng với việc nhóm quá khác màu với Hà Anh Tuấn, màn trình diễn dẫu dễ thương lại có phần lệch tông so với tổng thể chương trình.

Về cuối đêm nhạc, Hà Anh Tuấn hát Một đêm say (Thịnh Suy), Em bỏ hút thuốc (Tiên Cookie), Ghen (Khắc Hưng) với cách chơi sôi động của dàn nhạc. Tất cả đều mang tinh thần cover nhưng với bản mashup này Hà Anh Tuấn trẻ trung và mới mẻ hơn.

Chương trình khép lại với Phố mùa đông và một đoạn của Tháng mấy em nhớ anh. Tháng mấy em nhớ anh là một sáng tác của Nguyễn Minh Cường dành riêng cho giọng hát của Hà Anh Tuấn, trước đó, trong đêm nhạc, nam ca sĩ và khán giả cũng đã cùng hòa giọng trong ca khúc này.

Chieu cua Ha Anh Tuan anh 3

Không gian và thiết kế sân khấu ấn tượng. Ảnh: Đại Ngô

Sân khấu đẹp mắt và những thứ ngoài âm nhạc

Dù có không ít hạn chế, đêm nhạc của Hà Anh Tuấn có nhiều điểm đáng khen. Nguyễn Hữu Vượng trong vai trò giám đốc âm nhạc cho thấy bước đầu những nỗ lực để làm mới Hà Anh Tuấn. Một dàn nhạc dưới bàn tay của anh cũng vẫn chơi tốt như mọi khi. Nguyễn Hữu Vượng là một người hiểu được nhu cầu nghe của khán giả ở một đêm hát live và cũng là người hiểu Hà Anh Tuấn.

Nhưng hiểu nhất là Cao Trung Hiếu. Một giọng hát không phải trời cho như Hà Anh Tuấn, Cao Trung Hiếu trong vai trò tổng đạo diễn đã bù lại bằng nhiều thứ ngoài âm nhạc.

Sân khấu thực sự bắt mắt. Không gian trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đủ gợi sắc vẻ cổ điển lộng lẫy, đủ lãng mạn và thực sự là điểm tựa cho sáng tạo không gian sân khấu.

Hình ảnh đầu đĩa than với biểu tượng hoa loa kèn trong thiết kế sân khấu cũng để lại nhiều ấn tượng thị giác. Cao Trung Hiếu và ê-kíp đã tạo ra một sân khấu chuyển động khi ca sĩ có thể đứng vào bên trong, vòng tròn xoay đều như chính hình dung về một đĩa than đang chạy.

Những đêm nhạc trước đó của Hà Anh Tuấn như Gấu, Truyện ngắn cũng chứa đựng nhiều sáng tạo về sân khấu. Nếu Gấu là tổ chim, Truyện ngắn lại là cuốn sách. Mãn nhĩ có thể không nhưng mãn nhãn là điều phải công nhận ở những live show của Hà Anh Tuấn.

Karik va Only C: Ai cuu ai? hinh anh

Karik và Only C: Ai cứu ai?

0

Phần rap của Karik giúp “Có lẽ anh chưa từng” của Only C sinh động hơn. Song, không thể phủ nhận Only C sau gần 2 năm vắng bóng đã có nhiều thay đổi tốt hơn.

20 nam ngay Trinh mat hinh anh

20 năm ngày Trịnh mất

0

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn sống trong đời sống đương đại. Không ít gương mặt trẻ quan tâm đến gia tài của Trịnh và thực hiện các dự án làm mới.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm