Hãng bán lẻ thời trang H&M (Thuỵ Điển) và C&A (Hà Lan) cùng với nhà sản xuất đồ gia dụng nổi tiếng của Mỹ 3M mới đây bị cáo buộc sử dụng tù nhân tại Trung Quốc để đóng gói sản phẩm trong một bài báo của tờ Financial Times.
Trong bài báo trên, một điều tra viên người Anh tên là Peter Humphrey – người bị tù giam tại Trung Quốc – nói rằng ông đã chứng kiến các bạn tù của mình đóng gói sản phẩm mang tên thương hiệu của các công ty này.
3M, H&M và C&A bị tố sử dụng lao động tù nhân tại Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Ông Humphrey bị bắt tại Trung Quốc vào năm 2013, khi công ty tư vấn rủi ro của ông thu thập trái phép dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc trong quá trình làm việc cho các khách hàng doanh nghiệp. Ông một mực phủ nhận các cáo buộc nhưng cuối cùng bị kết án 2 năm tù giam vào năm 2014.
"Những người cùng trại giam với tôi đã đóng gói bao bì sản phẩm và tôi nhận ra vài thương hiệu nổi tiếng 3M, C&A, H&M", ông Humphrey cho biết trong bài báo trên Financial Times.
Ông Humphrey cũng nói các công ty trên có thể cũng không biết rằng sản phẩm của họ được đóng gói bởi tù nhân. "Các tù nhân Trung Quốc được trả khoảng 120 nhân dân tệ (19 USD) mỗi tháng cho thành quả lao động của mình", ông Humphrey cho biết thêm.
Đây là con số rất nhỏ so với mức lương trung bình của ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.
Phản ứng trước thông tin này, 3M - được biết đến với các sản phẩm nổi tiếng như băng dính chịu lực Scotch Tape hay giấy ghi chú Post it, nói rằng công ty này “không liên quan hay có hoạt động sản xuất trong điều kiện bóc lột lao động, và chúng tôi không biết có bất cứ nhà cung cấp nào của 3M tại Trung Quốc sử dụng tù nhân”.
"Chúng tôi đang thực hiện nghiêm túc các cam kết và đang tiến hành điều tra thông tin của ông Humphrey”, công ty có trụ sở tại Minnesota, Mỹ cho biết trong một thông cáo.
H&M cũng cho rằng các cáo buộc của ông Humphrey là sai sự thật và nói đang nghiêm túc xem xét chúng.
"Chúng tôi đang tìm hiểu các thông tin chi tiết hơn cùng với đội ngũ tại Trung Quốc của mình, để tiến hành một cuộc điều tra”, hãng thời trang Thuỵ Điển cho biết đồng thời nói thêm, rằng việc sử dụng lao động là tù nhân “vi phạm nghiêm trọng các quy định mà các nhà cung cấp của chúng tôi phải tuân thủ”.
Trong khi đó, C&A khẳng định không biết việc chuỗi cung ứng của mình tại Trung Quốc có sử dụng lao động tù nhân hay không, nhưng sẽ “cố gắng lấy thêm thông tin về vụ việc để tiến hành một cuộc điều tra chính thức”.
Công ty Hà Lan cũng cho biết có các quy trình để xác định liệu việc thực hiện các hợp đồng phụ có sử dụng lao động ép buộc hay không.
Trong bài báo trên Financial Times, ông Humphrey không nêu rõ các tù nhân tại trại giam của ông có bị ép thực hiện việc đóng gói cho các nhãn hiệu trên hay không.
Bộ Tư pháp Trung Quốc không đưa ra phản hồi các câu hỏi liên quan tới vấn đề lao động tù nhân. Trong khi đó, nhà tù Thượng Hải, nơi ông Humphrey bị giam giữ, từ chối đưa ra bình luận.
Vài năm gần đây, chính phủ Mỹ đã vào cuộc nhằm chống lại tình trạng ép buộc tù nhân lao động tại Trung Quốc và một số nước khác. Theo một báo cáo vào năm ngoái của Uỷ ban đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung – tổ chức được thành lập bởi Quốc hội Mỹ, để giám sát mối quan hệ giữa hai quốc gia, cho biết Trung Quốc vẫn đang sử dụng mạng lưới tù nhân và ép buộc họ tham gia sản xuất hàng hoá xuất khẩu.