Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gửi bé Bống ở Xứ sở Niềm Vui: 'Đừng để trái tim ngủ yên'

Cuốn sách nhỏ của tác giả Ngô Thị Phú Bình phù hợp với nhiều đối tượng độc giả cũng như cách tiếp cận khác nhau.

Đừng để trái tim ngủ yên là tên một bài viết trong cuốn Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui. Tôi hình dung cuốn sách này trong tay bạn đọc: một cuốn sách có thể đọc thầm của tuổi ô-mai, có thể chụm đầu đọc cho nhau nghe, hay có thể cha mẹ đọc cho con trước giờ đi ngủ.

Những mẩu nhỏ thì thào của: Lắng nghe, Rộng lòng, Người sưởi chăn, Chú heo nhựa hồng, Bong bóng bình yên, Cây dây leo, Mặt trời hình chữ nhật, Một nụ hôn, Bên kia đường chân trời, Đóa hồng có gai, Xứ sở niềm vui,… những từ ấy khi đứng gần, chạm vào nhau dễ tạo thành một vùng âm hưởng trìu mến, chia sẻ.

Gui be Bong o xu so niem vui anh 1
Tập sách Gửi bé Bống ở xứ sở iềm vui.

Như một gạch nối của bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ, cuốn Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui của Ngô Thị Phú Bình đủ sức vóc để đứng riêng, bản sắc, lan tỏa. Nuôi dưỡng sự trìu mến thân thiết khi trò chuyện với các em, tác giả đã dẫn đưa các em vào xứ sở đẹp nhất của tuổi học đường - xứ sở của niềm vui.

Cuộc sống vốn hiện diện chân thật nhưng đầy bí ẩn, không làm người đi trước dẫn đường, Ngô Thị Phú Bình dò dẫm, tìm lối cùng các em. Câu chuyện về cuộc sống mở ra, để nhận thấy “trái tim nhiều ngăn”, ô cửa mỗi ngôi nhà là “mặt trời hình vuông” đến “một nhân loại biết nâng niu”. Những mẩu chuyện đẹp nhất trong cuốn sách khi ngợi ca lòng hiếu nghĩa - một con đường xanh để trở về tuổi ấu thơ cùng sự đùm bọc yêu thương của cha mẹ. Tổ ấm là nơi nhóm lửa của niềm vui (Điều con người cần nhất, Lắng nghe, Người sưởi chăn, Yêu một người già, Mặt trời hình chữ nhật, Bóng đá không yêu bố, Tôi có một người mẹ trên thành phố…). Tổ ấm là nơi mở cánh cửa đầu tiên, cho tuổi trẻ tìm định lối nhỏ ra đường lớn.

Giọng văn thủ thỉ tinh tế là con đường chọn ngắn nhất để Ngô Thị Phú Bình đến với bạn đọc, cùng gợi mở trò chuyện. Tác giả là người có khả năng cấu trúc những mẩu chuyện nhỏ theo cách riêng. Khi tình tiết soi sáng chủ đề (Điều con người cần nhất, Rộng lòng, Cảm ơn đất chở, trời che…) Khi là những lát cắt gợi mở (Bản chất của nữ tính, Bạn đâu phải một quân Domino, Luôn có đủ dũng cảm cho một nụ cười, Tin vào trái tim mình…) Khi là người kể chuyện (Cách nhau hai giờ bay, Mặt trời hình chữ nhật, Khi mỗi người là một chú heo nhựa hồng…). Có câu chuyện thật như ai cũng mới vừa thấy, có những thương cảm muốn òa khóc, lại có những gửi gắm như hẹn hò với ngày mai , “Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui” là một chùm những phong thư tâm tình chuyên chở “ước mơ về xứ sở niềm vui”.

Trong Những đóa hồng còn có gai tôi nhớ một chia sẻ: Hãy yêu học trò bằng một tình yêu của một người làm vườn, bao dung và minh mẫn, thú vị trước nét cá tính ngộ nghĩnh, chăm sóc để chúng vươn thành những tính cách lành mạnh, xanh tươi.

Ở góc độ người viết, tác giả Ngô Thị Phú Bình đã làm công việc của người làm vườn tận tụy và trìu mến. Không phải là những bài học đạo đức, cuốn sách sau trước đem đến cho bạn trẻ, bạn đọc niềm vui, một niềm vui được sống cần con người, vì con người. Những niềm vui bé nhỏ, tựa hạt cát, nhưng có thể khúc xạ ánh sáng mặt trời và hào quang nhiều sắc màu.


Thành Sơn

Bạn có thể quan tâm