Bình luận
Đó là một hành trình dài thực sự, xen lẫn cả hoài nghi mà người đời dành cho ông, thứ hoài nghi mang tên: Không Barca, không Messi, Pep không thể trở thành nhà chinh phục.
Những chiến thắng của đẳng cấp
4-1 trước PSG ở cả lượt đi lẫn lượt về là tỷ số thể hiện sự chênh lệch thực sự, nếu chúng ta nhìn vào bóng đá như những con tính. Bóng đá số liệu và thống kê nó vốn kỳ quái như thế, với những con số khiến người ta tin ở đâu đó có sự vượt trội.
Nhưng những con số thực tế nhiều khi vô nghĩa đến ngớ ngẩn. Ví dụ như ở Premier League vòng 34 chẳng hạn. Những nhà thống kê đã tính cho Aubameyang một pha kiến tạo trong khi thực tế anh ta chẳng có ý đồ chuyền bóng cho Elneny.
Bởi vậy, bóng đá phải là cảm thụ trực tiếp những gì diễn ra trên sân. Và với cảm thụ trực tiếp ấy, chúng ta thấy rõ Man City không hề vượt trội PSG. Chỉ có Pep Guardiola vượt trội Pochettino mà thôi. Chiến thắng ở hai lượt trận của Pep là chiến thắng của đẳng cấp, của một nhà vua trước một kẻ luôn muốn làm vua nhưng chưa thể tìm ra con đường.
Điều chỉnh của Pep ở hiệp 2 lượt đi là một bài học thước đo, bài học hình mẫu, bài học kinh nghiệm cho những ai theo nghề huấn luyện. Chưa bao giờ Man City bị đối thủ đá cho hoảng loạn như trong hiệp 1 ở Parc des Princes. Chỉ xem hiệp 1 ấy, bất kỳ ai cũng nghĩ một kết cục tan nát cho Man City.
Nhưng rốt cuộc là gì? Ừ thì khen kẻ chiến thắng bao giờ chẳng dễ nhưng chúng ta cứ phải khen đi đã. Pep biến hình Man City sau 15 phút “pep talk” (nói chuyện giữa hiệp). Kể từ hiệp 2 ở Parc des Princes cho tới hết trận lượt về, Man City trở thành một con quái vật.
Hiệp 1 lượt đi, Cancelo được Pep sử dụng và anh ta thường xuyên có xu hướng cắt vào khu hành lang trong ở 1/3 sân đối phương. Điều đó khiến Phil Foden trở thành một kẻ vô hại thực sự khi chỉ bám biên mà đá. Không có Foden, các phối hợp hành lang trong của Man City không tồn tại bởi chính cầu thủ người Anh này mới là cầu nối xuất sắc giữa những cái tên ngôi sao là De Bruyne - Gundogan - Mahrez. Man City tan nát do chính họ không đủ áp lực lên hàng thủ PSG.
Hiệp 2 lượt đi, Zynchenko vào thay Cancelo và nhiệm vụ của anh rất cụ thể. Thứ nhất, chồng biên, bám biên tạo nút chiến thuật ở hành lang trái và nhường đường vào hành lang trong cho Foden ở 1/3 sân PSG. Thứ hai, ở phần sân nhà, Zynchenko bó vào hỗ trợ tiền vệ trung tâm để đón lõng mọi đường bóng 2. Điều chỉnh này khiến PSG không chơi bóng nổi. Cứ bóng 2 bật ra là của Man City. Kết cục là PSG không chỉ thua trên sân nhà mà còn nổi điên một cách ngu ngốc. Sự ức chế của họ thậm chí kéo dài đến cả trận lượt về.
Man City lần đầu tiên vào chung kết Champions League. Ảnh: Getty. |
Pochettino không bao giờ ở tầm của Pep để có thể ra được các quyết định như vậy. Thậm chí, đọc quyết định của Pep là điều Pochettino không làm được. Mọi thứ HLV người Argentina có thể làm chỉ là trông cậy vào sự đột biến từ bộ 3 tấn công tài năng của mình.
Nhưng trong thời khắc mà cả bộ 3 ấy chỉ mình Di Maria chơi tốt, họ trở nên vô dụng hoàn toàn. Đặc biệt, khi họ được giao phó sứ mệnh thay đổi cục diện nhiều hơn là đóng góp vào lối chơi chung, họ không tạo được áp lực áp sát đủ tốt để hãm lại các đường dàn xếp từ sân nhà của Man City.
Chiến thắng của Pep trước Pochettino không chỉ mang lại ý nghĩa lịch sử cho Man City là lần đầu tiên vào chung kết Champions League sau hơn 1 thập niên đầu tư tàn bạo mà còn thêm một ý nghĩa khác nữa. Không vô địch Champions League đồng nghĩa với việc Mbappe có thể sẽ rời PSG mùa hè này. Man City đang muốn có Mbappe hơn bao giờ hết. Có thể nói, Man City của Pep đã đá để bóp chết hy vọng cũ rích của Mbappe với PSG và mở ra hy vọng khác cho anh ta: Về Man City làm việc với HLV bậc thầy của bậc thầy.
Một ngai vàng tốn kém
Khi Pep lên đỉnh châu Âu với Barca với cú ăn 6 kinh điển ở năm 2009, ông đã mở ra một thời kỳ mà đi đến đâu người ta cũng nhắc tới Barca như một đỉnh cao để chinh phục và học hỏi. Nhưng khi ông nghỉ việc ở Barca sau 2 chức vô địch Champions League, đó cũng là một thời kỳ mới bắt đầu, thời kỳ của hoài nghi: Không Barca, không Messi, Pep sẽ làm được gì?
Ở Bayern, bất chấp những nỗ lực thay đổi đội bóng ấy trở thành một tập thể chơi mềm mại và đẹp đẽ hơn, Pep vẫn không đáp ứng được thoả nguyện và kỳ vọng từ người hâm mộ. Không vô địch Champions League, điều đó đồng nghĩa với thất bại của Pep Guardiola. Tất cả CLB đã đón ông hoặc đang thèm khát có ông đều nghĩ đến ông với KPI ấy: Chức vô địch Champions League.
Sự trớ trêu của số phận sau 10 năm Pep đăng quang Champions League lần gần nhất càng được đẩy lên đỉnh điểm khi ông ra đi khỏi Bayern vài năm, thì họ có chiếc cúp mà họ mong đợi. Rồi suốt quãng thời gian Pep yên lặng ở đấu trường này, những nhân vật mới đã nổi lên. Đó là Zinedine Zidane với 3 chức vô địch liên tiếp cùng Real.
Pep không còn là nhà chinh phục thành công hiếm hoi ở đấu trường Champions League đương đại nữa. Ngôi vương trong làng huấn luyện bắt đầu được kỳ vọng vào những cái tên khác. Và sự hoài nghi cho ông càng dày thêm. Nó lên đến đỉnh điểm khi Messi vướng vụ ồn ào với Barca mùa hè 2020. Ở thời điểm ấy, đã có người cho rằng Pep chờ Messi đến Man City để hoàn thành tâm nguyện Champions League không khác gì kẻ ngụp lặn trong biển cả được kéo lên chiếc xuồng cứu sinh.
Rất may cho ông là Messi đã không đến Man City. Nếu Messi tới, chưa chắc người ta đã ghi nhận công sức, tài năng của ông nếu đội vào chung kết. Và nếu Messi đến, chưa chắc gì Man City đã đi tới chặng đường này ở đấu trường khắc nghiệt bậc nhất châu Âu.
Pep Guardiola đang tiến gần việc tạo ra lịch sử cho Man City. Ảnh: Getty. |
Pep đã trở lại với chung kết Champions League, và đó là sự trở lại của nhà vua. Chỉ còn 1 trận nữa thôi, ông sẽ lần thứ 3 đăng quang và cũng khẳng định được rằng mình có thể trở thành nhà vô địch giải đấu mà không cần Barca. Giới chủ Man City chắc chắn quá hả hê sau chiến thắng ở hai lượt bán kết “siêu kinh điển dầu mỏ”. Nhưng đúng như cái biệt danh của 2 trận đấu ấy, nếu Man City vô địch Champions League mùa này, nó sẽ là một chức vô địch đắt đỏ.
Quay trở lại với điều chỉnh của Pep ở lượt đi, chúng ta nhận ra rất rõ Man City hơn đối thủ điều gì. PSG yếu nhất ở hai vị trí hậu vệ biên. Trong khi ấy, Pep có những gì trong tay? Kyle Walker, Zinchenko, Cancelo, Mendy, toàn những cái tên chất lượng cao và tốn kém. Đó là còn chưa kể đến Laporte, một trung vệ nhưng hoàn toàn có khả năng chơi hậu vệ trái.
Sẽ ra sao nếu Pep “hẻo” hậu vệ như Klopp của Liverpool mùa này? Chưa ai nói được điều gì cả nhưng chắc chắn, điều chỉnh ở hiệp 2 lượt đi bán kết Champions League sẽ khó có thể mang lại kết quả như ý. 164 triệu bảng là số tiền Man City bỏ ra cho 4 hậu vệ biên ấy. Đầu tư đó mà không mang lại Champions League, e rằng nếu để thất vọng thêm quá lâu, giới chủ CLB sẽ sẵn sàng sa thải Pep.
Đó là còn chưa kể tới vị trí trung vệ. Khi Kompany dính chấn thương, Pep được mua Laporte ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông. Rồi John Stone, rồi Dias, rồi Garcia, rồi Ake..., cứ hễ Man City khủng hoảng lực lượng ở hàng thủ là Pep được mua người. 208 triệu bảng Anh là số tiền mà Man City bỏ ra cho các trung vệ Johnstone, Dias, Laporte, Ake. Mua người như lũng đoạn, Man City khiến đối thủ kinh hãi thật sự. Nhiều khi, có những người còn đặt ra câu hỏi “Ake ở đó để làm gì?” vì họ quên mất thực tế, anh ta đến chỉ để lấp chỗ trống trong thời gian ngắn khi Man City khủng hoảng hàng thủ mà thôi.
Man City đã chơi một canh bạc tất tay để đặt cửa cho việc Pep trở lại ngôi vương ở Champions League. Và nếu cộng số tiền sơ sơ nói trên của hàng thủ, chúng ta có con số khoảng 370 triệu bảng Anh. Số tiền ấy đủ để mua một đội hình ngon lành, và nó xấp xỉ 1/4 số tiền mà người ta đang rao bán Arsenal.
Di sản của Pep ở Man City sẽ là gì? Đó mới là câu hỏi thực sự lớn được đặt ra lúc này. Nếu ông vô địch Champions League, trong di sản để lại có thể ghi thêm tên chiếc cúp ấy. Còn lối chơi ư? Nếu Pep ra đi, ông sẽ mang nó theo mình.
Có lẽ, di sản tốt nhất mà ông sẽ để lại chỉ là việc phát triển Phil Foden trở thành một biểu tượng đúng nghĩa và phù hợp. Phil Foden mới chính là thứ Man City cần: Người Anh, đi lên từ học viện, chơi sáng tạo, kỹ thuật tốt, nhãn quan chiến thuật tốt. Và để tạo ra một di sản như Foden, Pep cũng mất quá nhiều thời gian cho một “biểu tượng giả ngụy” có tên Raheem Sterling.
Nhưng nói gì thì nói, vẫn còn một trận chung kết nữa. Ở đó là cạm bẫy. Ở đó là nghìn trùng khó khăn. Sứ mệnh trở lại của vị vua cũng phải vượt qua nó mới có thể tựu thành.
Còn trước mắt, chúng ta cứ chúc mừng Pep và Man City cái đã. Dù sao, đây cũng là lần đầu họ cùng nhau vào chung kết.