Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Tạ Quang Bửu và những cuốn sách gây kinh ngạc vì kiến thức rộng lớn

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bằng những kiến thức vật lý, sinh học, triết học, GS Tạ Quang Bửu đã viết cuốn sách hấp dẫn giải thích về sự sống.

GS Toán học Nguyễn Đình Trí, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong cuốn GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) kể rằng, vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thấy hai cuốn sách SốngHạt nhân, nguyên tử, vũ trụ tuyến của ông Bửu viết, ông đã tranh thủ đọc, nhưng không hiểu bao nhiêu, đặc biệt là cuốn sau, song cũng cảm nhận được rằng tác giả hai cuốn sách ấy là một người thông minh, hóm hỉnh, có kiến thức rộng và sâu.

Ta Quang Buu,  Chomsky,  Bo truong Quoc phong Viet Nam anh 1
GS Tạ Quang Bửu là người luôn nỗ lực tự học và có kiến thức sâu rộng về rất nhiều lĩnh vực khoa học.

Cũng trong tập sách nói trên, GS Lê Thạc Cán, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, vào thời điểm năm 1948 đang là học sinh trường trung học chuyên Huỳnh Thúc Kháng tản cư tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, kể lại cảm tưởng khi đọc sách Sống: “Cuốn sách mỏng, chỉ khoảng vài chục trang in trên giấy màu vàng nâu sản xuất tại các xưởng thủ công trong rừng Việt Bắc đã có sức cuốn hút lạ lùng với chúng tôi, những học sinh trường trung học chuyên khoa. Dưới ánh đèn dầu ban đêm thanh vắng, trong những ngôi nhà tranh, vách nứa bên bờ sông Ngàn Sâu, cuốn sách Sống đã đem đến cho trí óc non trẻ của chúng tôi những khái niệm huyền diệu của lý thuyết tương đối và mật mã di truyền”.

“Chúng tôi yêu quý những thông tin và kiến thức hiện đại mà tập sách đã mang lại cho chúng tôi trong hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh, cách ly hầu như hoàn toàn với khoa học và kỹ thuật của thế giới. Chúng tôi biết ơn và vô cùng ngưỡng mộ tác giả - ông Tạ Quang Bửu - mà chúng tôi biết là nhà khoa học uyên bác, lúc ấy đang giữ những trọng trách về quốc phòng do Hồ Chủ tịch giao phó”, GS Cán viết.

Nhà báo Hàm Châu viết chi tiết hơn về cuốn sách độc đáo này: Ngày 6/3/1948, giữa rừng xanh Việt Bắc đã phát hành cuốn sách của GS Tạ Quang Bửu mang tên Sống. Tên sách thật ngắn song gợi lên bao suy nghĩ sâu xa. Hơn nửa thế kỷ sau, ngồi đọc lại cuốn sách mỏng in trên giấy dó đó, tôi ngạc nhiên nhận thấy, ngay từ dạo ấy, trên nhà sàn nơi bản vắng chiến khu, nhà thông thái của chúng ta đã có thể vận dụng những phát minh mới nhất trong vật lý lượng tử để giải thích sự sống, trình bày cấu trúc phân tử của gen, sự di truyền và biến dị, tính trội và tính lặn, các nhân tố gây đột biến như tia Rontgen, tia vũ trụ… Những ý tưởng của Plank, Dirac, Heisenberg, Schroedinger… về thế giới vi mô cũng đã được GS trình bày không đến nỗi quá sơ lược.

“Phần cuối cuốn sách khá đậm màu triết học”, nhà báo Hàm Châu nhận xét. GS viết: “Con vi trùng cũng sống, cây hoa, con lợn cũng sống. Nhưng cây hoa có biết rằng cây hoa đang sống không? Sống là một vấn đề. Tôi là một vấn đề khác. Tôi là một phần nhỏ bé của vũ trụ. Vậy thì tôi không… chết! Bởi vì vũ trụ không chết”.

Tác giả cuốn sách cũng trả lời: “Điều cốt yếu không phải: Sống là gì? Điều cốt yếu nhất là: Làm gì trong lúc sống?”.

Còn trong cuốn Hạt nhân, nguyên tử, vũ trụ tuyến, GS Tạ Quang Bửu dí dỏm mở đầu như sau: “Đối với các độc giả không khoa học, không triết học và có lẽ là những người bạn tôi yêu nhất, xin xem quyển này như là một quyển Phong thần 1947 để tiêu khiển giữa hai trận đột kích giết giặc”.

Do có uy tín khoa học cao, có quan hệ rộng rãi và cởi mở, ông Bửu đã mời được nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới như L.Schwartz, A. Grothendieck, M. Martineau, P. Cartier, B. Malgrange, A. Chenciner, F. Phạm, Noam Chomsky, L. Michel… sang giảng bài, làm seminar ở nước ta.

Ông Nguyễn Mạnh Hào, nguyên giảng viên báo chí trường Tuyên giáo TW kể lại câu chuyện, năm 1972, Noam Chomsky, nhà Toán học và Ngôn ngữ học Hoa Kỳ đã sang thăm Việt Nam. Lần đầu tiên ông Chomsky nói chuyện về toán - ngôn ngữ, hơn 10 người phiên dịch không dịch được. Cuối cùng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu trực tiếp dịch. “Phải giỏi toán cao cấp hiện đại, tiếng Anh, ngôn ngữ học, tiếng Việt và hiểu sâu về tin học, mới dịch được. Khi trở về nước, ông Chomsky đã viết trên New York Times về chuyến đi Việt Nam và nhận xét: ‘Tôi đã đi nhiều nước, chưa ở đâu tôi gặp một bộ trưởng thông thái đến như vậy’”.

GS Tạ Quang Bửu sinh năm 1910, quê tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, Nam Đàn, Nghệ An. Sau khi học trường Quốc học Huế, ông nhận học bổng sang du học tại các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp), Oxford (Anh) từ năm 1930 đến năm 1934. Ông không chỉ học chương trình cử nhân khoa học mà còn học toán, vật lý lượng tử, cơ học, điện và nhiều thứ tiếng khác nhau.

Về nước, ông dạy các môn Toán, Lý, Hóa và cả tiếng Anh tại trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế, rồi được mời làm việc tại nhà máy điện Huế. Sau này, ông tham gia chính quyền cách mạng, từng giữ các chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

GS Tạ Quang Bửu đã tham gia hội nghị Đà Lạt, hội nghị Fontainebleau năm 1946 và năm 1954, ông là người thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký hiệp định Genève.

Sau ngày hòa bình lập lại, ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục và khoa học, không chỉ đứng đầu quản lý Đại học Bách khoa, ông còn giữ chức Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976).

Ông qua đời ngày 21/8/1986, thọ 76 tuổi.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm