Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Oded Galor nói về những khía cạnh phát triển kinh tế Việt

Trong buổi trò chuyện với các nhà nghiên cứu Việt Nam, GS Oded Galor - tác giả sách “Hành trình nhân loại” - đã chỉ ra những khía cạnh Việt Nam có thể tập trung phát triển.

GS Kinh tế Oded Galor. Ảnh: PlanetadeLibros.

Tối 14/10, cuộc đối thoại giữa GS Oded Galor - tác giả sách Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng - và TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TS Đào Nguyễn Thắng - Viện nghiên cứu Xã hội và Kinh tế, Đại học Osaka, Nhật Bản được phát trên nền tảng mạng xã hội.

Với tư cách là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển, vị giáo sư đã bàn luận và diễn giải quan điểm của mình về các vấn đề đặt ra trong Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng, đồng thời nói thêm về chặng đường phát triển của Việt Nam.

Tình trạng chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia

“Xuyên suốt quá trình tồn tại của nhân loại, chúng ta sống trong sự đình trệ như trong lý thuyết của Malthus; trong thời gian đó, sự phát triển hợp tự nhiên là gia tăng số lượng chứ không phải sự thịnh vượng”, GS Oded Galor nhận định.

Nhưng rồi, tiến trình phát triển bắt đầu tăng tốc, đòi hỏi việc phát triển công nghệ cần đi đôi với nhu cầu phát triển vốn nhân lực. Từ đó, sự dịch chuyển nhân khẩu học và những bước tiến vào thời kỳ phát triển ổn định dần được hình thành.

Nhưng khi những bước tiến này xảy ra, nó không bắt đầu vào cùng một khoảng thời gian trên khắp thế giới. Một số xã hội đạt được bước tiến này sớm hơn những xã hội khác và từ sau những bước tiến đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng trung bình 14 lần - một bước tiến vượt bậc trong nền kinh tế của toàn thế giới.

Ông lấy ví dụ về khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ là những nơi đã đạt được bước tiến khoảng thế kỷ XVIII-XIX, trong khu khu vực Hạ Sahara ở châu Phi thì có bước tiến vào khoảng cuối thế kỷ XX.

Tại một số quốc gia phát triển hiện nay, thu nhập bình quân đầu người có thể cao gấp 15-20 lần, thậm chí 100 lần so với quốc gia kém phát triển hơn.

“Sự bất bình đẳng kinh tế đang xảy ra ở cấp độ toàn cầu trong vòng 200 năm qua”, GS Galor nói. Ông cho rằng một phần của sự bất bình đẳng toàn cầu ngày nay chủ yếu do sự chênh lệch về thời gian chuyển đổi kinh tế của mỗi quốc gia. Thời gian chuyển đổi kinh tế này liên quan đến những rào cản mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình tích lũy và trong quá trình tiến bộ công nghệ của họ.

Ở một số xã hội, trong suốt quá trình lịch sử, các thể chế và đặc điểm văn hóa đã phát triển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, ở một số xã hội khác thì không. Ông cho rằng những đặc điểm về văn hóa, địa lý và sự đa dạng của yếu tố con người, những thứ được hình thành từ lâu trong quá khứ quyết định thời điểm chuyển đổi của mỗi quốc gia.

phat trien kinh te anh 1

Sách Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng. Ảnh: Omega+.

Bốn khía cạnh Việt Nam có thể tập trung để phát triển

Khi nhận được câu hỏi của tiến sĩ kinh tế học Vũ Thành Tự Anh về các cách mà Việt Nam có thể phát triển, GS Oded Galor đã trả lời rằng có 4 yếu tố Việt Nam nên tập trung cải thiện: giáo dục, tỷ lệ sinh, bình đẳng giới và đa dạng xã hội.

Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục, sự đầu tư này nên hướng đến một nền giáo dục linh hoạt, một nền giáo dục cho phép người lao động linh hoạt chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, không nhấn mạnh vào đào tạo nghề cứng nhắc mà phải đào tạo nguồn nhân lực nói chung.

phat trien kinh te anh 2

Buổi trò chuyện được phát tối 14/10.

Điều này sẽ nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực trong môi trường công nghệ thay đổi nhanh chóng này. Nhờ đó, người lao động có thể dễ thích nghi hơn để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau và trở nên kiên cường trước một môi trường đầy biến động.

Điểm thứ hai liên quan đến việc duy trì tỷ lệ sinh thấp. “Tôi nhận ra thời gian qua tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm một cách đáng kinh ngạc”, GS Oded Galor nói. Tuy nhiên, ông cho rằng một số tiến bộ đạt được về công nghệ vẫn đang bị kìm hãm lại bởi sự gia tăng dân số. Đây lại là một yếu tố quan trọng khác trong quá trình phát triển.

Yếu tố thứ ba cũng là một yếu tố quan trọng không kém, đó là thúc đẩy bình đẳng giới. Bình đẳng giới có hai khía cạnh quan trọng. Đầu tiên là cho phép phụ nữ tham gia lực lượng lao động sẽ nâng cao năng suất một cách tự nhiên và nâng cao tính đa dạng của các ý tưởng đột phá trong lực lượng lao động. Ngoài ra điều này cũng giúp giảm thiểu cơ hội có con, giúp giảm thiểu tỷ lệ sinh nở xuống sâu hơn nữa.

Cuối cùng, ông cho rằng với một xã hội có tính đồng đều cao như Việt Nam, điều quan trọng là thiết kế một chương trình giáo dục thúc đẩy sự đa dạng trong xã hội. Khi không có sự đa dạng và linh hoạt văn hóa, các xã hội sẽ không thể phát triển thịnh vượng trong thời kỳ kinh tế hiện nay. Môi trường đang thay đổi đòi hỏi sự thích nghi ở cả cấp độ cá nhân đến toàn xã hội. Chỉ khi một xã hội cung cấp cho các cá nhân quyền tự do để thách thức hiện trạng, thách thức những lẽ thường, xã hội đó mới có thể thịnh vượng về lâu về dài.

Cách gia đình hiện đại thoát khỏi bẫy đói nghèo

Trong "Hành trình nhân loại", GS Oded Galor đưa ra 3 ví dụ để cho thấy cách con người đã thoát khỏi bẫy đói nghèo như thế nào.

Điều giúp loài người hưởng mức sống vượt trội hơn sinh vật khác

Sách “Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng" của Oded Galor tìm cách giải đáp bí ẩn của sự phát triển và hệ quả của bất bình đẳng.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm