Quyết tâm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giảm lạm phát trong nước bằng cách tăng lãi suất đang gây ra nỗi đau sâu sắc ở các quốc gia khác. Điều đó đã đẩy giá hàng hóa lên cao và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu, theo New York Times.
Giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế của Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ảnh: Harvard Kenedy School. |
Động thái tăng lãi suất đang làm tăng giá trị của đồng USD - tiền tệ sử dụng cho phần lớn giao dịch và thương mại trên thế giới - gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế ở cả các quốc gia giàu và nghèo.
Tuy nhiên, theo giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế của Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, việc đồng USD tăng giá không gây ra tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, “hầu hết ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, và điều này có thể ổn định lạm phát toàn cầu dưới 4-5% vào năm 2023 hoặc 2024”, ông nói với Zing.
Cơn bão ngắn hạn
- Việt Nam đang đứng trước áp lực lạm phát lớn. Theo ông, việc USD tăng giá có làm cho tình hình lạm phát trầm trọng hơn hay không?
- VNĐ đã mất giá khoảng 9-10% so với USD trong năm nay. Điều đó có nghĩa chi phí nhập khẩu sẽ có xu hướng tăng với tỷ lệ tương đương, nếu hàng nhập khẩu được tính bằng USD và không có hành vi ép giá (margin squeeze).
Việt Nam đã kiểm soát được nợ chính phủ. VNĐ mất giá ít hơn hầu hết loại tiền tệ của các quốc gia khác, giúp giảm áp lực lạm phát. Nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào nửa cuối năm 2023. Vì vậy, đây có lẽ chỉ là “cơn bão” trong thời gian ngắn, không phải sự thay đổi lâu dài.
Xuất khẩu của Việt Nam đang tăng lên, và Việt Nam cũng có thặng dư thương mại, vì vậy tỷ giá hối đoái của VNĐ so với USD thực sự có thể tăng trong năm 2023.
Tôi cũng dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu hoặc suy thoái nghiêm trọng có thể xảy ra, và điều này sẽ làm giảm giá (nhiều hàng hóa và dịch vụ - PV), từ đó giảm lạm phát. Hầu hết ngân hàng trung ương cũng đang thắt chặt (chính sách tiền tệ), và điều này có thể giúp ổn định lạm phát toàn cầu dưới 4-5% vào năm 2023 hoặc 2024.
Đồng USD tăng giá có thể không trực tiếp ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
- Đồng USD tăng giá gần đây có ý nghĩa gì đối với thị trường thế giới? Những khu vực nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
- Đồng USD mạnh lên là do Fed tăng lãi suất nhanh chóng để kiểm soát lạm phát. Fed đã nới lỏng chính sách quá lâu và đang (thay đổi) để thích ứng.
Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm những người đã vay USD nhưng không kiếm được USD. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận hoặc phá sản.
Nhóm thứ hai là những người nhập khẩu hàng hóa được định giá bằng USD (và không xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, được định giá bằng USD), nhưng đồng nội tệ của họ bị giảm giá. Họ sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát. Rõ ràng điều này gây tổn hại cho những người nghèo và các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực hay nhiên liệu.
Nhóm thứ ba là bất kỳ ai hoặc bất kỳ công ty nào cần vay mới hoặc có một khoản vay với lãi suất không cố định, ngay cả bằng các loại tiền tệ khác. Khoản vay của họ sẽ gia tăng vì hầu hết ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất.
Điều đáng nói là lãi suất trái phiếu chính phủ (Mỹ) đang ở mức “cao”, với khoảng 4%, tương đương một nửa tỷ lệ lạm phát. Nếu mua trái phiếu kỳ hạn một năm với lãi suất 4% nhưng giá cả tăng cao hơn 8% trong một năm, người mua vẫn đang lỗ.
- Theo ông, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì khi đồng USD Mỹ chạm mức cao nhất 20 năm? Tác động tiêu cực có nhiều hơn tích cực?
- Nếu các công ty nhập khẩu đầu vào bằng USD và xuất khẩu bằng USD, họ sẽ không trực tiếp chịu ảnh hưởng lớn. Đối với Việt Nam, tác động chính không phải về thương mại, mà là với những người đi vay bằng USD, nhưng kiếm được bằng nội tệ.
Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm những người đã vay USD nhưng không kiếm được USD. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận hoặc phá sản.
Giáo sư David Dapice
Hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khoảng 75%). Họ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, sau đó xuất khẩu sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam.
Có một số công đoạn tạo ra giá trị gia tăng trong nước, nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI đưa từ “công ty mẹ” vào Việt Nam - tương đối ít (nguyên liệu đầu vào) đến từ các doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại không sử dụng USD cũng có thể chịu tác động gián tiếp, nếu các nước khác cũng tăng lãi suất và kiềm chế nền kinh tế của họ.
Mối lo dài hạn
- Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022. Theo ông, việc USD tăng giá có là một tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hay không?
- Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022, xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này phù hợp với tăng trưởng thương mại gần đây và phù hợp với quan điểm cho rằng đồng USD tăng không trực tiếp gây ra tác động lớn, vì đồng USD vốn đã cao hơn so với hầu hết loại tiền tệ khác. Dòng vốn FDI dành cho xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng đáng kể, từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 336 tỷ USD năm 2021.
Các công ty vay nợ bằng đồng USD nhưng không thu lợi nhuận bằng đồng tiền này sẽ chịu tác động chính khi USD tăng giá. Ảnh: Reuters. |
- Có ý kiến cho rằng về lâu dài, các công ty Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng khi “sức khỏe” của các nhà nhập khẩu ở các nước khác yếu đi. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Có hai biến quan trọng: Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu và tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam so với thế giới. Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu có thể giảm hoặc không tăng. Nhưng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng lên. Nếu xem yếu tố thứ hai quan trọng hơn yếu tố thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.
Hầu hết ngân hàng trung ương đang thắt chặt (chính sách tiền tệ), và điều này có thể giúp ổn định lạm phát toàn cầu dưới 4-5% vào năm 2023 hoặc 2024.
Giáo sư David Dapice
Tuy nhiên, trong thập kỷ này, (khả năng đạt giới hạn về nhân lực) có thể xảy ra vì tốc độ gia tăng lực lượng lao động đang chậm lại. Do đó, hạn chế trong dài hạn thực chất nằm ở phía cung hơn phía cầu.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường ký hợp đồng thanh toán với các đối tác ở các nước như Nhật Bản, châu Âu,... bằng đồng USD. Vậy các doanh nghiệp xuất khẩu đó bị ảnh hưởng như thế nào bởi việc đồng USD tăng giá?
- Hãy lấy thị trường Nhật Bản làm ví dụ. Vào tháng 1, một USD tương đương khoảng 115 yen. Gần đây, con số đó lên tới 145 yen - tức đồng yen mất giá tới 26% so với đồng USD.
Giả sử một chiếc điện thoại trị giá 500 USD được nhập từ Việt Nam vào Nhật Bản, giá bán của nó sẽ tăng hơn 25%. Trong khi đó, tiền lương ở Nhật Bản chỉ tăng 1-2%/năm. Rõ ràng, việc tăng giá này sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản, ngoại trừ nhiên liệu và thực phẩm - những mặt hàng có nhu cầu ít co giãn hơn đối với sự thay đổi giá cả.
Nhìn chung, các công ty cho đến nay có thể tăng giá (hàng hóa hoặc dịch vụ) do chi phí tăng. Điều này cuối cùng sẽ khiến nhu cầu, lợi nhuận và sản lượng giảm, kéo theo chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, một lần nữa, nếu đạt được tỷ trọng xuất khẩu cao hơn, Việt Nam sẽ làm tốt hơn hầu hết quốc gia khác. Song chắc chắn tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
- Nhập khẩu cũng là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc đồng USD tăng giá có tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ?
- Hầu hết hàng nhập khẩu của Việt Nam đều phục vụ xuất khẩu. Nếu chi phí và doanh thu đều được tính bằng đồng USD, điều đó sẽ không trực tiếp ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù sẽ có tác động gián tiếp đến nhu cầu từ các đối tác thương mại.
Và ở Việt Nam, các công ty vay nợ bằng đồng USD nhưng không thu lợi nhuận bằng đồng tiền này - chẳng hạn lĩnh vực bất động sản - sẽ chịu tác động chính.