Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

USD tăng giá mạnh gợi lại nỗi lo năm 1997 ở châu Á

Đồng nội tệ nhiều quốc gia châu Á đang mất giá kỷ lục so với USD, làm dấy lên nỗi lo cuộc khủng hoảng tài chính như năm 1997 quay trở lại.

usd tang gia anh 1

Tigun Wibisana và Sandra Kok là chủ sở hữu nhãn hiệu cà phê SiTigun ở Penang, Malaysia. Sau 14 năm kinh doanh, cặp đôi giờ đứng trước lựa chọn khó khăn, đó là làm cách nào tăng giá bán để bù đắp chi phí leo thang mà không mất khách hàng vào tay đối thủ, theo New York Times.

Trong bối cảnh USD liên tục tăng giá thời gian qua, đồng ringgit Malaysia đã rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Giá hạt cà phê mà cặp đôi nhập về tăng theo đà lên của USD, trong khi lạm phát làm bơ và bột mỳ cũng đắt đỏ hơn. Năm nay, lợi nhuận của cửa hàng cà phê đã giảm 25%.

"Chúng tôi có lẽ phải tăng giá bán để tiếp tục cầm cự, nhưng tôi chưa dám làm thế ngay lúc này", ông Wibisana nói.

Nỗ lực giải cứu đồng nội tệ

SiTigun là một trong vô số doanh nghiệp ở châu Á đang chật vật bởi đồng bạc xanh tăng giá kỷ lục trong năm nay.

USD vốn là đồng tiền được sử dụng để mua bán hàng hóa trên khắp thế giới. Việc giá trị đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn càng khiến cuộc khủng hoảng giá năng lượng và thực phẩm trở nên tồi tệ.

Trên khắp châu Á, giá trị đồng nội tệ nhiều quốc gia rơi xuống mức thấp kỷ lục, điều chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp cũng như giới hoạch định chính sách không khỏi lo ngại kịch bản khủng hoảng lặp lại như gần 30 năm trước.

usd tang gia anh 2

Nhiều doanh nghiệp ở châu Á bắt đầu kiệt sức vì đồng nội tệ mất giá. Ảnh: New York Times.

Để giảm thiểu rủi ro thảm họa 1997, giới chức các nước châu Á đang tìm mọi cách giữ ổn định đồng nội tệ.

Hôm 20/10, giá trị đồng yen của Nhật Bản so với USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm, theo AFP. Nguyên nhân là sự kết hợp giữa động thái nới lỏng tiền tệ của Nhật và sự tăng lãi suất mạnh của Mỹ.

Cùng ngày 20/10, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 14 năm, theo Bloomberg.

Bởi Fed liên tục tăng lãi suất cơ bản, đà tăng giá của USD chưa có dấu hiệu chậm lại. Tỷ giá giữa USD và các đồng tiền lớn trên thế giới đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại châu Á, việc các đồng nội tệ đua nhau mất giá làm sống lại cơn ác mộng tài chính toàn khu vực 25 năm trước, khi các nền kinh tế đang tăng tốc thần kỳ đột ngột rơi vào khủng hoảng chỉ sau một đêm.

Lo ngại khủng hoảng trở lại

Sự hỗn loạn trong cơn bão tài chính năm 1997 bắt đầu từ Thái Lan, khi ngân hàng trung ương nước này cạn USD - thứ được Bangkok dùng để duy trì sự ổn định của đồng bath cũng như bảo đảm các khoản vay.

Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan sang Hàn Quốc, Indonesia và các nước khác khi phải vật lộn bảo vệ giá trị đồng tiền đang lao dốc của mình.

Đến cuối năm 1997, IMF đã dàn xếp khoản vay 100 tỷ USD hỗ trợ Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc để giúp hệ thống tài chính các nước này không đổ vỡ.

Cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế các nước trong khu vực lao dốc mạnh trong năm tiếp theo, tồi tệ nhất là Indonesia với mức tăng trưởng -13,7% năm 1998. Chính phủ các nước vật lộn đối phó tình trạng doanh nghiệp phá sản đi kèm bất ổn chính trị.

usd tang gia anh 3

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại Jakarta, Indonesia ngày 29/5/1998. Ảnh: Getty.

"Cả khu vực sẽ không bao giờ quên. Họ quyết tâm không để cuộc khủng hoảng ấy xảy ra một lần nữa, chấp nhận cải tổ trong cay đắng", Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô AMRO, bình luận.

Phần lớn các chuyên gia tin rằng ít có khả năng khủng hoảng tương tự năm 1997 sẽ lặp lại, ít nhất chưa phải ngay lúc này. Các nền kinh tế châu Á cơ bản đã vững chắc hơn. Đồng thời, bài học đau đớn trong quá khứ đã buộc các nước xây dựng hệ thống tài chính khó bị sụp đổ.

Các quốc gia châu Á đã cải tổ đáng kể, giúp hệ thống kinh tế ít bị tổn thương hơn khi USD tăng giá so với cuối thập niên 1990. Ví dụ điển hình là các nước không có quá nhiều khoản nợ bằng đồng bạc xanh.

Quy mô thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại 10 nước ASEAN, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bằng khoảng 123% giá trị GDP, so với mức 74% của năm 2000.

Ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á trước đây giữ ổn định tỷ giá so với đồng bạc xanh, giờ đã thả nổi tỷ giá theo thị trường. Dù khiến tỷ giá hối đoái biến động mạnh hơn, chính sách này giúp giảm bớt những sức ép có thể dẫn tới sụp đổ hệ thống tài chính.

Chật vật vì USD tăng mạnh

Đa phần các nước châu Á thu về nhiều ngoại tệ hơn so với chi tiêu hàng năm, cho phép họ có dư địa ngoại tệ để ứng phó với các tình huống khấn cấp như ngăn chặn đồng nội tệ mất giá.

"Tình hình của châu Á hiện nay tốt hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới", Sayuri Shirai, giáo sư kinh tế Đại học Keio của Nhật Bản, nhận định.

Dù vậy, đồng USD mạnh đang thử thách sức chống chịu của khu vực, khiến nhiều ngân hàng trung ương phải vất vả bảo vệ đồng nội tệ, chủ yếu bằng cách tung ra USD dự trữ để mua vào đồng nội tệ của chính họ.

Từ đầu năm đến nay, Ấn Độ và Thái Lan đã phải sử dụng hơn 10% dự trữ ngoại hối, tương đương lần lượt 75 tỷ và 27 tỷ USD, để can thiệp vào thị trường tiền tệ, Nomura Holdings ước tính.

Giới doanh nghiệp thì vật lộn trước sự mất giá của đồng tiền khiến chuỗi cung ứng rối loạn, đồng thời làm hao hụt lợi nhuận thu về.

usd tang gia anh 4

Xưởng làm hoa của Classic Japan ở Tokyo. Ảnh: New York Times.

Suh Jin, Giám đốc điều hành doanh nghiệp nội thất Mirage Furniture ở ngoại ô Seoul, cho biết công ty thường nhập số hàng nội thất trị giá 15-20 triệu USD mỗi năm. Năm nay, Mirage Furniture đã phải giảm 10% hàng nhập khẩu bởi giá trị đồng won so với USD rơi xuống mức thấp kỷ lục 13 năm.

Ông Suh nói doanh nghiệp của mình có khả năng phải cắt giảm nhân công nếu giá USD cũng như lạm phát tiếp tục ở mức cao.

Đồng bạc xanh mạnh đang tác động tiêu cực tới cả các doanh nghiệp vốn hiếm khi sử dụng USD.

Công ty nhập khẩu hoa Classic Japan thường sử dụng đồng yen để thu mua hoa từ các nước Đông Nam Á. Nay, các thương nhân xuất khẩu hoa bắt đầu chuyển sang khách hàng khác sẵn sàng thanh toán bằng USD, khiến Classic Japan gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung một số loại hoa hiếm như lan.

Hiển nhiên, vẫn có những doanh nghiệp hưởng lợi nhờ đồng USD mạnh, đó là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Nhật Bản, các công ty thương mại quốc tế và chế tạo hàng xuất khẩu, với thị trường nước ngoài rộng khắp, chứng kiến doanh thu và lợi nhuận bùng nổ nhờ USD tăng giá.

Với doanh nghiệp cà phê SiTigun ở Malaysia, tác động từ sự suy yếu của đồng nội tệ sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng sau, khi hạt cà phê thu hoạch trong mùa vụ vừa rồi đến tay họ.

"Đại dịch đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp, giờ lại đến lạm phát. Chúng tôi không rõ làm thế nào để tiếp tục cầm cự", bà Kok nói.

Bất chấp sức ép từ Mỹ, OPEC+ nhất trí giảm sản lượng dầu

Khối OPEC+ nhất trí cắt giảm hơn nữa sản lượng khai thác dầu sau khi giá dầu thô từ 120 USD giảm xuống khoảng 90 USD chỉ trong 3 tháng.

Ba Lan đề nghị Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw đã đề nghị Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân để đối phó mối đe dọa an ninh từ Nga.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm