Từ ngày 1/1, Grab tiến hành kê khai, thu hộ thuế và việc thu thuế, phí được trừ trực tiếp từ ví tài khoản của tài xế GrabBike, với giá trị cuốc xe ở mức 23,6%. Mức này bao gồm 20% là phí sử dụng ứng dụng và 4,5% mức thu hộ trên 80% doanh thu đối tác nhận được (tương đương 3,6%).
Lý do được Grab đưa ra khi thay đổi chính sách là do trong năm 2016, 2017, hãng này đã dùng ngân sách để nộp hộ đối tác (tài xế). Vì vậy, để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, công ty ra thông báo mức thuế thu hộ đối với đối tác của mình.
Tài xế đình công sau 10 ngày chịu mức chiết khấu mới
Sau 10 ngày áp dụng chính sách chiết khấu mới, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc và kêu gọi đình công phản đối. Trong ngày hôm nay (10/1), hàng trăm tài xế cho biết đã tắt ứng dụng.
Nhiều tài xế Grab yêu cầu tắt ứng dụng để phản đối mức chiết khấu mới. Ảnh: Việt Hùng. |
Tại TP.HCM, rất nhiều tài xế đã đình công. Giới tài xế thể hiện sự bức xúc vì Grab mới nâng mức chiết khấu từ 15% lên 20% vào tháng 8/2017, nay lại tăng tổng tỷ lệ chiết khấu lên đến 23,6%. Trong khi tài xế ngày càng phải cạnh tranh gay gắt, không còn kiếm được doanh thu khá từ chạy GrabBike như trước đây.
“Tôi phải trả bao nhiêu khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền 3G, tiền điện thoại... Nếu tăng lên đến 23,6% thì chúng tôi không thể chịu được nữa. Chạy đâu còn để ra được bao nhiêu tiền”, một tài xế chia sẻ bức xúc trên diễn đàn.
Tại Hà Nội, ngay từ sáng sớm, các tài xế cũng tắt ứng dụng để phản đối. Tuy nhiên, do không có nhiều hưởng ứng và lời kêu gọi chỉ đến từ cộng đồng các nhóm trên mạng xã hội nên tính lan tỏa không cao.
Đến trưa, tài xế tiếp tục kêu gọi gay gắt hơn và đặt ra mốc thời gian bắt đầu tắt ứng dụng, ngừng chạy xe từ 16h chiều. Thậm chí, nhiều tài xế còn đăng những lời lẽ chửi bới, to tiếng với những đồng nghiệp không tắt ứng dụng, không hưởng ứng việc đình công.
Gay gắt hơn, nhóm một số tài xế yêu cầu áp dụng “biện pháp mạnh” đã từng áp dụng trước kia để “gây sức ép” đến những người không hưởng ứng hành động đình công.
Một số tài xế khoe ảnh tắt ứng dụng theo tập thể. |
Theo đó, nếu tài xế nào không đình công sẽ bị những người khác book các cuốc ảo để “dằn mặt”. Nhóm các tài xế tắt ứng dụng cũng sẽ book các cuốc ảo để hành khách khó có thể tìm được xe, mục đích làm mất hình ảnh của Grab.
Đến chiều, trên các trang mạng xã hội liên tiếp bắt gặp hình ảnh tài xế chia sẻ việc tắt ứng dụng. Ngoài ra, còn cả hình ảnh các nhóm tài xế tụ tập lại với nhau để “nói chuyện” thay vì làm việc.
Grab nói gì?
Chiều 10/1, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress, cho biết từ ngày 1/1, Grab Việt Nam thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu tài xế, với tổng cộng 23,6%. Mức này cao hơn mức áp dụng trước đó, là 20%.
Trong đó, tài xế bị trừ nghĩa vụ thuế là 4,5% (bao gồm 3% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu nhận được - tương đương 3,6%. Đáng nói, các khoản phí hỗ trợ dành cho tài xế căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, sẽ khấu trừ 1%.
Các khoản phí hỗ trợ khác không mang tính chất doanh thu, tài xế bị khấu trừ thuế TNCN 10%.
Hiện tại, UberMoto đang áp dụng mức chiết khấu cao nhất, với 25%. Đứng thứ 2 là GrabBike vừa tăng lên mức 23,6% từ 1/1. Mai LinhBike mới gia nhập thị trường và tuyên bố mức chiết khấu là 15% (2 tháng đầu tiên 0%).
Hãng giao hàng Lalamove của Đài Loan vào Việt Nam quý III/2017 cũng đang cam kết mức chiết khấu với tài xế là 18%.
Vào giữa tháng 8/2017, Grab nâng mức chiết khấu GrabBike từ 15% lên 20%. Ngay sau đó, hàng loạt tài xế tại Hà Nội và TP.HCM kêu gọi đình công. Cách thức được đưa ra là tắt ứng dụng, book cuốc ảo. Những tài xế nào không tham gia đình công bị tẩy chay. Grab khi đó không thay đổi chính sách chiết khấu và cương quyết xử lý một số tài xế book cuốc ảo bằng hình thức khóa tài khoản vĩnh viễn. Sự việc chìm lắng, đa phần tài xế vẫn tiếp tục công việc.