Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Grab, Go-Viet, Be… tung thưởng giành giật tài xế nhưng không dễ ăn

Số lượng tài xế tại TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán giảm khiến các hãng xe công nghệ đua nhau giành giật nhưng nhiều đối tác cho biết chương trình “không dễ ăn”.

Đứng trước một trung tâm thương mại lớn trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM), tối 2/2 (28 Tết) để chờ khách đặt xe, anh Ngọc Hùng - một tài xế GrabBike, cho biết năm nay sẽ không về quê ăn Tết mà ở lại thành phố kiếm thêm.

“Tôi vào TP.HCM hai năm trước và đăng ký chạy xe ôm công nghệ từ đó. Năm rồi, chi phí tàu xe về quê đắt quá nên năm nay quyết định ở lại chạy để kiếm thêm. Các hãng đang có các chương trình ưu đãi và thưởng thêm cho tài xế dịp Tết nên tranh thủ, hy vọng thu nhập tăng lên”, anh Hùng nói.

Ma trận khuyến mãi giành giật tài xế

Theo anh Hùng và các tài xế xe ôm công nghệ, chương trình khuyến mãi dành cho tài xế của các hãng đã bắt đầu rục rịch từ 23 Âm lịch và càng cận Tết, mức ưu đãi sẽ càng cao.

Cụ thể, chương trình phụ phí Tết của Grab dành cho các tài xế xe 2 bánh được chia làm 2 giai đoạn. Từ ngày 23-27 Tết, dịch vụ GrabBike sẽ có mức phụ phí 5.000 đồng cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết, mỗi lần chở khách, giao hàng hoặc thức ăn, tài xế sẽ được hỗ trợ thêm 10.000 đồng mỗi chuyến.

Grab,  Go-Viet,  Be… dua nhau gianh tai xe va khach hang dip Tet anh 1
Các hãng gọi xe công nghệ tung ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút tài xế trong Tết Nguyên đán. Ảnh: Phúc Minh.

Ngoài ra, “ông lớn” từng được đánh giá độc quyền về thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam khi Uber rút đi hồi tháng 4 cũng hỗ trợ thêm cho những tài xế đạt đủ các mốc thưởng mà hãng quy định.

Theo đó, với mỗi cuốc xe hoàn thành, tài xế sẽ nhận được 20-25 điểm, tùy khung giờ. Nếu đạt 700 điểm sẽ được thưởng 280.000 đồng/ngày. Ngoài ra, với các mốc 200-360-520 điểm, tài xế sẽ được nhận thêm tương ứng 30.000-90.000-180.000 đồng.

Riêng các đối tác chạy GrabCar của hãng này được đảm bảo doanh thu từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết lên đến tối đa 60.000 đồng/cuốc, tuy nhiên, chỉ áp dụng cho 3 ngày đầu năm. Các ngày còn lại, hãng hỗ trợ đảm bảo 40.000 đồng.

Đối thủ mới đến từ Indonesia nhận được sự hậu thuẫn từ Go-Jek, được đánh giá đang “kèn cựa” với Grab là Go-Viet cũng không nằm ngoài cuộc chơi ưu đãi tài xế trước Tết.

Cụ thể, trong thời gian từ 28 tháng Chạp đến mùng 6, hãng sẽ đảm bảo mỗi đơn hàng tối thiểu là 25.000 đồng cho dịch vụ đưa rước khách. Riêng giao nhận thức ăn được ưu tiên hơn, từ 30 Tết đến mùng 4 Tết là 40.000 đồng/cuốc, những ngày cao điểm còn lại là 35.000 đồng.

Ngoài ra, chương trình thưởng của Go-Viet tương ứng các mốc 10, 18 và 28 điểm là 30.000 đồng, 90.000 đồng và 180.000 đồng, thấp hơn mức tối đa của Grab 100.000 đồng.

Không thua kém các người anh, ứng dụng Be của Tập đoàn Be Group mới ra mắt hồi cuối tháng 12 năm ngoái cũng tung chương trình thưởng trong dịp Tết này để giữ chân tài xế.

Cụ thể, từ 30 Tết đến mùng 7 Tết, hãng tăng giá 30% trên mỗi cuốc xe. Đồng thời, thưởng 20% giá tiền cuốc xe và cộng thêm 25.000 đồng đối với dịch vụ đặt xe 4 bánh, và 15.000 đồng với tài xế xe ôm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra mắt, ứng dụng có màu vàng đặc trưng này nâng giá cước để hỗ trợ tài xế.

Đại diện Be cho biết sau khi tổng cộng thưởng, số tiền mỗi cuốc xe đối tác nhận được có thể tăng gấp 2 lần ngày thường.

Ưu đãi nhiều nhưng không dễ ăn

Trên điện thoại di động của anh Hùng, có đến 4 ứng dụng dành cho tài xế của các hãng gọi xe công nghệ lớn đang “giành giật” thị phần tại TP.HCM, gồm Grab, Go-Viet, Vato và Be mới ra mắt. Theo anh, đang vào cao điểm Tết, các hãng tranh nhau khuyến mãi chủ yếu để thu hút đối tác.

“Hiện nhiều tài xế chạy cùng lúc cho các hãng, nếu ứng dụng nào báo tiền nhiều hơn thì họ sẽ chạy cho hãng đó. Ngoài ra, Tết đến, nhiều bạn trẻ đang là sinh viên chạy xe ôm kiếm thêm cũng về quê nên đâu còn nhiều người. Hãng nào không thưởng hoặc thưởng ít hơn sẽ chịu thiệt thôi bởi tài xế sẽ bỏ qua chạy ứng dụng khác”, anh Hùng nói.

Grab,  Go-Viet,  Be… dua nhau gianh tai xe va khach hang dip Tet anh 2
Theo các tài xế, dù có nhiều ưu đãi và thưởng trong Tết nhưng nhu cầu của khách hàng không cao bằng ngày thường. Ảnh: Phúc Minh.

Đứng cạnh tài xế này là anh Lý Chín, một đối tác của Go-Viet, cũng đang chờ khách. Anh Chín cho biết bắt đầu từ 20 tháng Chạp, anh bắt đầu rước khách xa hơn. Nguyên nhân là lượng tài xế mỏng đi do người về quê, do người bận việc gia đình những ngày cận Tết.

Theo anh, mỗi chuyến đi tài xế có thể nhận được tiền gần gấp đôi ngày thường chỉ là cách mà hãng hỗ trợ… cho vui và vốn “không dễ ăn”.

“Những ngày Tết chạy rất khó bởi nhu cầu của người dân thành phố không cao. Bình thường, khách hàng của tôi là dân văn phòng, nay họ về quê hết rồi thì mất một lượng lớn. Ngoài ra, tài xế lẻ tẻ mà dàn trải nên hầu hết toàn cuốc xa từ 3-4 km. Tính ra chi phí và thời gian cũng nằm trong khoảng thưởng thêm này”, anh Chín cho biết.

Theo khảo sát của Zing.vn với nhiều tài xế của các ứng dụng gọi xe công nghệ, đa số những người không về quê để tiết kiệm chi phí mới quyết định tích cực đón khách, giao nhận đồ ăn trong những ngày Tết nhằm kiếm thêm thu nhập.

Trong khi đó, những tài xế ở ngay tại TP.HCM đa phần đều “phớt lờ” các chương trình khuyến mãi này để dành nhiều thời gian cho gia đình dịp Tết.

Xe ôm kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ chở thuê hoa kiểng Tết

Với mỗi lượt chở thuê mai, đào, vạn thọ từ chợ hoa về tận nhà khách, tài xế được trả từ 150.000-500.000 đồng. Mỗi ngày, họ có thể thu được khoảng vài triệu đồng.





Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm