- Australia buộc Google, Facebook chia sẻ doanh thu nếu dẫn nguồn/ sử dụng thông tin từ báo chí nước này.
- Google dọa rút dịch vụ tìm kiếm tại Australia, dù đồng ý trả tiền cho các hãng tin ở Pháp trước đó.
- Facebook tuyến bố chặn người dùng Australia chia sẻ link các bài báo nếu nước này thông qua dự luật.
Hôm 22/1, Google đe dọa sẽ rút dịch vụ truy vấn thông tin (Google Search) khỏi Australia nếu chính phủ nước này buộc công ty trả tiền cho các hãng tin tức.
Trong phiên điều trần của Thượng viện Australia, Facebook cũng có động thái tương tự. Mạng xã hội lớn nhất thế giới tái khẳng định lời đe dọa của mình, tuyên bố chặn người dùng và chặn chia sẻ link dẫn đến các trang báo nếu chính phủ nước này thông qua dự luật buộc Google, Facebook chia sẻ doanh thu với báo chí.
Lời đe dọa có tính chất “tống tiền” này, theo lời một thượng nghị sĩ, cho thấy Facebook và Google sẵn sàng che giấu hoặc xóa các nguồn thông tin đáng tin cậy cho hàng triệu người.
Động thái này như “đổ thêm dầu vào lửa”, đặc biệt trong thời điểm các nền tảng truyền thông xã hội liên tục bị chỉ trích vì để tin giả lan truyền trên toàn thế giới.
Google tự mâu thuẫn chính mình
Các công ty lập luận rằng họ là cầu nối giúp ngành truyền thông phát triển thông qua lưu lượng truy cập. Tuy nhiên, dự luật sẽ tạo ra “mức độ rủi ro tài chính và hoạt động không thể quản lý” đến công ty.
Trong một động thái, Google, công ty kiểm soát 95% dịch vụ truy vấn tại Australia, đã đẩy kết quả tìm kiếm của các trang tin tức lớn của nước này xuống dưới.
Google đã phải tham gia phiên điều trần của Thượng viện Australia. Ảnh: AP. |
Đáng nói, vài giờ trước khi Google tuyên bố rút lui khỏi Australia, công ty này đã đồng ý trả tiền cho các hãng tin, báo chí tại Pháp. New York Times cho rằng sự nhân nhượng này có khả năng mang lại nhiều lợi ích hơn cho Google tại châu Âu.
Trận chiến tại Australia sẽ trả lời cho câu hỏi ai là người quyết định các khoản thanh toán, điều gì khiến các công ty công nghệ phải trả phí cũng như khi nào họ phải công bố những thay đổi trong thuật toán của mình.
Sự thách thức của chính phủ Australia đối với những gã khổng lồ lĩnh vực truyền thông trực tuyến là bước đi tiên phong nhằm bảo vệ hệ sinh thái tin tức truyền thống, vốn đang bị các công ty công nghệ trị giá nghìn tỷ USD đe dọa xóa sổ.
Đối với Google hay Facebook, sự phản kháng của họ đang trở thành tâm điểm của thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực này vốn để hạn chế quy định và thoát khỏi vòng vây hãm của nhiều chính phủ trên thế giới.
Theo đề xuất của Australia, nếu các nền tảng như Google không đồng ý trả tiền cho nội dung báo chí, một cơ quan phán quyết độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp.
Tại Pháp, chính phủ nước này cho phép Google đàm phán riêng với các nhà xuất bản qua nhiều tiêu chí khác nhau. Nếu tranh chấp, vụ việc rất có thể sẽ được đưa ra tòa án và công ty này dễ dàng sa lầy trong đó, trì hoãn việc thanh toán.
Dự luật của giới chức Australia sẽ hợp lý hóa quy trình cũng như củng cố vị trí của truyền thông truyền thống.
“Mục đích của bộ quy tắc là giải quyết tình trạng thương lượng không đồng đều giữa các doanh nghiệp truyền thông báo chí của Australia với các nền tảng trực tuyến lớn, vốn là những người có sức mạnh thị trường rõ ràng”, Rod Slims, Chủ tịch cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng của Australia, giải thích.
Các công ty công nghệ cho biết động thái của chính phủ Australia sẽ tạo động lực giúp các nhà xuất bản tin tức đẩy giá trị ấn phẩm báo chí. Những nền tảng này cũng chỉ ra một báo cáo của chính phủ ước tính 75% cuộc đàm phán này sẽ kết thúc thông qua phán quyết của trọng tài.
Các nhà phê bình cho rằng Google và Facebook chỉ đơn giản đang cố gắng duy trì vị thế “cửa trên” của mình đối với giới truyền thông.
“Việc hiện thực hóa bộ luật sẽ tước đi nhiều quyền lực của nền tảng công nghệ. Cán cân quyền lực sẽ được chuyển qua bên thứ 3 (pháp luật) và họ không hề lường trước điều đó”, Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm Trách nhiệm Công nghệ tại Viện Australia, một nhóm nghiên cứu độc lập, cho biết.
Lý do không xác đáng
Cuộc chiến tập trung vào bản chất của kết quả tìm kiếm, cũng như câu hỏi liệu các công ty công nghệ có nên trả tiền cho mỗi bài báo mà người Australia xem trên nền tảng của họ (Google, Facebook...) hay không.
Tuy nhiên, trong một bản đệ trình trước cuộc điều tra của Thượng viện Australia, Tim Berners-Lee – người phát minh ra World Wide Web – cho rằng việc thu phí đường dẫn liên kết tới tin tức sẽ phá hỏng nguyên tắc hoạt động của nền tảng.
Số phận của Google hay Facebook tại Australia vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: Financial Times. |
Bà Melanie Silva, lãnh đạo của Google Australia và New Zealand có lập luận tương tự.
“Khi bạn tính giá vào việc liên kết đến một số thông tin nhất định, bạn sẽ phá vỡ cách hoạt động của các công cụ tìm kiếm. Đây sẽ không còn là một trang web mở và miễn phí nữa”, bà Silva cho biết.
Tuy nhiên, Google và Facebook không chỉ chia sẻ đường dẫn liên kết. Những nền tảng này đóng khung ấn phẩm dưới dạng xem trước, có tiêu đề, tóm tắt và ảnh. Sau đó sắp xếp và phân phối nội dung trong khi đưa vào quảng cáo.
Theo Tama Leaver, Giáo sư nghiên cứu về Internet tại Đại học Curtin ở Perth, cách chia sẻ đường dẫn của những nền tảng này làm giảm tỉ lệ người xem, gây ảnh hưởng đến các bên xuất bản và tăng lợi nhuận cho các công ty công nghệ.
Google và Facebook không chỉ chia sẻ đường dẫn liên kết. Những nền tảng này đóng khung ấn phẩm dưới dạng xem trước, có tiêu đề, tóm tắt và ảnh. Sau đó sắp xếp và phân phối nội dung trong khi đưa vào quảng cáo.
“Đoạn mã chèn mới sẽ không yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho việc liên kết nội dung tin tức. Chúng tôi đang thảo luận phương án thanh toán trả trước thay vì tính phí mỗi lần nhấp chuột”, ông Sims, kiến trúc sư chính của đoạn mã, nói với Thượng viện Australia.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Rex Patrick cáo buộc Google giả vờ lo ngại đến vấn đề kỹ thuật. Trên thực tế, theo ông, tất cả đều là “ưu tiên thương mại” – tiền.
Google Australia đã thu khoảng 3,3 tỷ USD từ các nhà quảng cáo nước này vào năm 2019. Công ty đồng thời thanh toán khoản 77 triệu USD tiền thuế, với khoản lợi nhuận được tiết lộ khoảng 637 triệu USD.
“Tôi nghĩ rằng Google và Facebook đang thực sự lo lắng các quốc gia khác sẽ theo chân chính phủ Australia. Điều này sẽ gây ra tổn thất nặng nề tới doanh thu của công ty trên toàn cầu”, Johan Lidberg, Giáo sư truyền thông tại Đại học Monash ở Melbourne, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Lidberg, việc đe dọa các nhà lập pháp sẽ không phải là một nước đi có lợi.