Google là dịch vụ tìm kiếm chiếm thị phần lớn nhất ở rất nhiều thị trường. Tại châu Âu, Google chiếm tới 92% lượng tìm kiếm, trong khi đối thủ lớn nhất là Bing chỉ có thị phần khoảng 3%.
Do đó, rất nhiều người dùng tin tưởng vào những kết quả tìm kiếm từ Google cho đủ mục đích, từ mua sắm sản phẩm, dịch vụ cho tới tìm địa điểm ăn uống.
Tuy nhiên, theo Telegraph, nhiều người dùng tại Anh đang dần nhận ra rằng kết quả tìm kiếm từ Google chưa chắc đã mang lại giá trị tốt nhất. Thay vào đó, chúng tràn ngập những kết quả có được nhờ bỏ tiền quảng cáo, nhưng vẫn hiển thị dưới dạng đường dẫn tự nhiên.
Do đó, tìm kiếm trên Google ngày càng khác xa cách hiển thị "10 đường dẫn màu xanh", là những kết quả được hiện ra mà không có tác động từ tiền quảng cáo như những ngày đầu của dịch vụ này.
Tiền quảng cáo quan trọng hơn lợi ích người dùng
Giờ đây, Google ưu tiên những kết quả có thể dẫn tới các nền tảng khác của họ hơn, như Google Maps hay YouTube. Gã khổng lồ công nghệ cho rằng người dùng muốn có thông tin ngay lập tức thay vì phải bấm thêm vài lần. Tuy vậy, theo tìm hiểu của Telegraph, công cụ tìm kiếm của Google không phải lúc nào cũng cho thấy nơi bán giá tốt nhất.
"Các kết quả tìm kiếm bị chi phối bởi tiền. Kết quả phù hợp nhất không phải lúc nào cũng nằm ở phía trên. Đây không phải là một sân chơi công bằng", Charlotte Sheridan, giám đốc tại công ty tiếp thị Small Biz Institute chia sẻ.
Ví dụ, khi tìm với từ khóa "khách sạn giá rẻ tại London", 4 kết quả đầu tiên là quảng cáo, và sau đó là một bảng thông tin từ Google Maps cho thấy địa điểm của 4 kết quả đó. Google cho phép các công ty lữ hành đấu giá hiển thị tên và giá phòng của khách sạn ở những kết quả đầu, và chúng gần như đã chiếm hết vị trí phía trên của màn hình.
Google từng gặp rắc rối với những cáo buộc về độc quyền, ưu tiên kết quả trả tiền khi tìm kiếm trên nền tảng. Ảnh: BBC. |
Phải kéo xuống dưới, người dùng mới nhìn thấy 10 đường dẫn tự nhiên khác tới các trang web đặt phòng, và sau đó lại thêm 2 kết quả quảng cáo trước khi có thể bấm sang trang sau. Nếu như không bấm thẳng vào kết quả từ Google mà tìm phòng tương đương tại một nền tảng như Kayak, giá phòng có thể rẻ hơn từ 2-7 bảng Anh. Để đến được kết quả này, người dùng sẽ phải cuộn chuột 2 lần.
Ngoài ra, những thay đổi trong giao diện của Google cũng khiến người dùng ngày càng khó thoát khỏi các trang web chung nền tảng của họ. Những kết quả tìm kiếm thường sẽ hiển thị ngay lập tức thông tin quan trọng nhất, và nhiều khi người dùng chỉ cần đọc các thông tin đó, không cần bấm vào trang web gốc.
Nói cách khác, tiền quảng cáo từ các công ty đã giúp giữ người dùng ở lại trang tìm kiếm của Google lâu hơn, và từ đó những công ty quảng cáo lại càng có động lực để trả tiền và hiển thị trên kết quả Google.
Khi tìm kiếm trên Google, chúng ta không thực sự tìm toàn bộ Internet, mà đang tìm ở hàng nghìn tỷ trang web được Google đánh dấu. Bằng những đoạn mã tự động, mỗi ngày các website mới đều sẽ được "cào" và "đánh dấu", lưu những thông tin quan trọng nhất vào cơ sở dữ liệu của Google.
Kết quả tìm kiếm Google đang tệ đi, có phải mình tôi bị không?
Người dùng Reddit đặt câu hỏi vào năm 2018, và nhận được hàng chục bình luận đồng tình.
Nền tảng này sau đó sẽ dùng một vài thông số, như độ liên quan, thói quen tìm kiếm của người dùng để tính toán ưu tiên hiển thị kết quả. Google không bao giờ tiết lộ chính xác thuật toán của họ hoạt động như thế nào.
"Kết quả tìm kiếm Google đang tệ đi, có phải mình tôi bị không"? Đây là những câu hỏi quen thuộc trên Reddit, Quora. Nhiều người dùng cho rằng họ đã dùng từ khóa rất cụ thể, nhưng những kết quả hiển thị trên đầu vẫn không liên quan.
Theo nghiên cứu năm 2020 của Sistrix, phân tích hàng tỷ kết quả tìm kiếm, có 28% người dùng bấm vào đường dẫn tự nhiên đầu tiên trên Google. Tới vị trí thứ hai thì tỷ lệ bấm đã giảm mạnh. Đó là lý do có hẳn một ngành nghiên cứu gọi là "tối ưu cho máy tìm kiếm" để kết quả được kéo lên cao nhất có thể.
Rắc rối khi Google thống trị mảng tìm kiếm
Giống như mọi lĩnh vực, việc một công ty chiếm đa số thị phần sẽ dẫn tới những lo ngại về độc quyền. Trong trường hợp của Google, công ty này đã đối mặt với nhiều cáo buộc và điều tra về hành vi độc quyền.
Một trong những hành vi bị điều tra kỹ nhất là khi Google gây ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng kinh doanh của các công ty khác. Một ví dụ là họ có thể hiển thị vị trí và giá phòng của một đối tác trả tiền khi người dùng tìm kiếm, qua đó giảm bớt lượng khách hàng được dẫn tới những dịch vụ không trả tiền cho Google.
Tương tự việc tìm kiếm phòng khách sạn, Google cũng đang vướng rắc rối với dịch vụ gợi ý mua sắm. Năm 2017, Google đã bị phạt 2,4 tỷ euro sau khi EU điều tra các cáo buộc về độc quyền kết quả tìm kiếm mua sắm. Công ty này vẫn đang trong quá trình kháng cáo.
Việc thống trị mảng tìm kiếm khiến Google gặp nhiều rắc rối với những cáo buộc độc quyền. Ảnh: New York Times. |
Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định Google đã sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh trong nhiều năm để giữ vị thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm. Tài liệu điều tra của cơ quan này cho thấy những lãnh đạo cấp cao của Google đã lo lắng về việc mất thị phần vào các dịch vụ tìm kiếm chuyên sâu, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Điều khá bất ngờ là những công ty chỉ trích Google nhiều nhất cũng là những đối tác quảng cáo lớn nhất của họ. Expedia và Booking.com, 2 công ty thường xuyên lên tiếng về lo ngại độc quyền, đã chi tới 16 tỷ USD để quảng cáo trên Google vào năm 2019, theo nghiên cứu của Skift Research.
John Cawdery, cựu quản lý trong mảng quảng cáo tại Google, cho rằng các thương hiệu nên nghĩ kỹ hơn về việc bỏ tiền cho công ty này, bởi còn nhiều nền tảng khác để khai thác. Theo Cawdery, các dịch vụ cạnh tranh đang ngày càng cho kết quả tốt hơn so với trước đây, nên việc bỏ tiền cho họ cũng hợp lý hơn.
Với 3,5 tỷ kết quả tìm kiếm mỗi ngày, Google vẫn đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng của người dùng Internet. Những cáo buộc về độc quyền và ưu tiên kết quả trả tiền cũng ngày một nhiều lên. Theo Telegraph, điều đó khiến cho công cụ tìm kiếm này khác xa triết lý "10 đường dẫn màu xanh" mà công ty này từng theo đuổi.