Kỹ sư phần mềm ngay khi ra trường có thể có mức lương 6 chữ số, chưa kể phúc lợi khá. Dựa theo kinh nghiệm, một số người còn có thể được hàng triệu USD/năm. Tuy nhiên, lương mà mỗi người nhận được thường chỉ dựa vào một chữ số duy nhất mà theo CNBC, đó là “cấp bậc”.
Chẳng hạn, tại Google, kỹ sư mới vào ở bậc 3. Apple có 5 bậc, từ ICT2 tới ICT6. Hệ thống của Microsoft lại bắt đầu từ 59 đối với kỹ sư phát triển phần mềm và lên tới 80 với “technical fellow” (một trong những người đứng đầu lĩnh vực được giao).
Dĩ nhiên, lương thưởng tỷ lệ thuận với cấp bậc. Dữ liệu trên levels.fyi chỉ ra kỹ sư phần mềm được trả lương khá hậu hĩnh tại các hãng như Google, Facebook, Amazon, Apple và Microsoft.
Trang này ước tính kỹ sư bậc 3 tại Google có thể nhận lương khoảng 124.000 USD/năm và 43.000 USD cổ phiếu thưởng, tổng cộng 189.000 USD; kỹ sư bậc 7 – thường là cấp cao nhất – có tổng thu nhập 608.000 USD. Tại Facebook, kỹ sư E3 – bậc thấp nhất – cũng được nhận tổng cộng 166.000 USD.
Nhiều kỹ sư phần mềm được trả lương cao ở Google, Facebook. Ảnh: insider. |
Mỗi công ty một khác nhưng theo Osman Ahmed Osman, cựu giám đốc tuyển dụng Quora, thông thường sẽ có 6 cấp. Mỗi cấp có chức danh khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ. Google và Facebook là các ví dụ về sự tương đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng dùng thuật ngữ riêng. Chẳng hạn, cấp bậc tại Apple được gọi là “ICT” (individual contributor tech), cấp bậc tại Salesforce là MTS (member technical staff).
Công ty thường không minh bạch về mức lương giao động của từng cấp bậc, dẫn đến việc thương lượng trở nên khó hơn. Có người được trả hàng trăm ngàn USD, nhưng cũng có những người được trả hàng triệu.
Một thực tế khác là không có nhiều người lên tới bậc cao nhất. Dù phần lớn kỹ sư Google xem bậc 7 là mức trần của sự nghiệp, một số còn lên cao hơn. Theo The New Yorker, Jeff Dean và Sanjay Ghemawat – hai trong số các lập trình viên giỏi nhất tại Google – đạt tới bậc 11. Osman nhận xét hệ thống cấp bậc giống như kim tự tháp, càng lên cao càng ít người.