Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo cơ quan quản lý, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Với quy định này, các doanh nghiệp không có cơ sở kinh doanh cố định ở Việt Nam, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam (nhà cung cấp nước ngoài) như Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… sẽ phải thực hiện trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế với cơ quan quản lý thuế Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này được đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi đăng ký thuế, nhà cung cấp nước ngoài được cấp mã số thuế loại 10 số. Cơ quan quản lý cũng xây dựng các quy định về kê khai, nộp thuế theo hướng có nhiều phương án để nhà cung cấp nước ngoài lựa chọn.
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… có thể kê khai và nộp thuế trực tiếp qua việc đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ảnh: Độc Lập. |
Một là kê khai và nộp thuế trực tiếp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) tại Việt Nam thực hiện.
Với trường hợp nộp trực tiếp, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.
Nếu các Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… chọn việc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai, nộp thuế tại Việt Nam thì bên được ủy quyền sẽ thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.
Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, hồ sơ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan tới việc làm thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn trường hợp các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã tự khai, nộp thuế tại Việt Nam thì có thể thông báo cho tổ chức mua hàng tại Việt Nam biết để không phải khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
Tuy nhiên, trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, hoặc có đăng ký nhưng không khai, nộp thuế thì người mua hàng (nếu là tổ chức) hoặc ngân hàng, trung gian thanh toán (nếu người mua là cá nhân) có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.
Để hỗ trợ ngân hàng, trung gian thanh toán trong các giao dịch khấu trừ, Bộ Tài chính hướng dẫn nếu cá nhân thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bằng thẻ, hoặc các hình thức khác mà không thể khấu trừ, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày mùng 10 hàng tháng gửi thông tin về Tổng cục thuế.
Theo tìm hiểu, hiện tại có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam. Trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Amazon, YouTube, Netflix (Mỹ); iFlix (Malaysia); WeTV, iQiYi, Alibaba (Trung Quốc)... đã phát sinh hàng tỷ USD doanh thu tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này vẫn chưa thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ước tính doanh thu từ quảng cáo của Facebook tại Việt Nam năm 2018 khoảng 1 tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Cơ quan này ước tính nếu truy thu đủ số thuế các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã phát sinh tại Việt Nam, số thu có thể lên tới hàng trăm triệu USD.