Dù chạy hệ điều hành Android, smartphone Galaxy được tích hợp khá nhiều dịch vụ do Samsung tự phát triển như trợ lý ảo Bixby, kho ứng dụng Galaxy...
Theo thống kê của IDC, Samsung bán được 58 triệu smartphone trong quý I. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn, phải dựa vào các mảng khác để bù đắp doanh thu.
Google có thể trả tiền cho Samsung để Google Assistant được ưu tiên trên các smartphone Galaxy. Ảnh: Quốc Huy. |
Theo Bloomberg, Google đang đàm phán trả một khoản tiền cho Samsung để dịch vụ của Google được làm nổi bật trên Galaxy, dòng smartphone với doanh số hơn 300 triệu chiếc trong năm 2019.
Nếu thỏa thuận thành công, Google sẽ có quyền kiểm soát sâu hơn các tính năng trên smartphone Samsung. Điều đó đồng nghĩa một số dịch vụ như trợ lý ảo Bixby sẽ không còn được ưu tiên trên các sản phẩm, thay vào đó là trợ lý ảo Google Assistant.
Cuộc đàm phán giữa Google và Samsung diễn ra trong bối cảnh Google bị nhiều cơ quan điều tra về vấn đề chống độc quyền. Một số ý kiến cho rằng Google đang lợi dụng vị thế nhằm yêu cầu Samsung ưu tiên cho các dịch vụ của mình.
"Tương tự các nhà sản xuất Android khác, Samsung có thể phát triển kho ứng dụng và trợ lý ảo riêng. Đây là một trong những điểm thú vị của Android. Dù thường xuyên thảo luận với đối tác để cải thiện trải nghiệm người dùng, chúng tôi không có kế hoạch thay đổi tính 'mở' ấy", đại diện Google cho biết.
Tương tự, đại diện Samsung nói rằng công ty luôn cam kết phát triển hệ sinh thái và dịch vụ của mình.
"Lúc này, Samsung đang làm việc chặt chẽ với Google để mang đến trải nghiệm di động tốt nhất cho người dùng", phát ngôn viên Samsung chia sẻ.
Trợ lý ảo Samsung Bixby không được người dùng đón nhận dù ra mắt được 3 năm. Ảnh: The Verge. |
Trước Samsung, Google đã trả hàng tỷ USD cho Apple mỗi năm để Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và các sản phẩm của Táo khuyết.
Dù có mối quan hệ căng thẳng trong quá khứ, Google và Samsung lại khá thành công với dòng điện thoại Galaxy chạy Android. Trong khi mã nguồn Android được cung cấp miễn phí, "gã khổng lồ tìm kiếm" yêu cầu nhà sản xuất cài sẵn các dịch vụ của hãng, đổi lại sẽ chia một phần doanh thu quảng cáo từ các ứng dụng cho họ.
Trong khi đó, Samsung lại phát triển một số dịch vụ thay thế Google, bao gồm hệ điều hành Bada OS cạnh tranh với Android. Sự thất bại của Bada khiến nền tảng này bị sáp nhập vào Tizen. Bixby, trợ lý ảo của Samsung cạnh tranh với Google Assistant cũng không thành công sau nhiều năm xuất hiện.