Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gom đất để đấy, nhà đầu tư đang lừa dối chính quyền và dân?

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng các chủ đầu tư đang muốn thu lợi lớn từ đất vàng. Việc thu hồi các dự án bỏ hoang sẽ giúp tăng trách nhiệm chủ đầu tư, tránh đầu cơ đất.

Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tránh đầu cơ đất

Trao đổi với Zing.vn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, hoàn toàn đồng ý và ủng hộ chủ trương này của thành phố.

“Phải khẳng định việc thu hồi là theo quy định của pháp luật. Không nên để tình trạng lãng phí xã hội, lãng phí doanh nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân. Với những chủ thể vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư, lúc đó sẽ có giải pháp giải quyết”, ông Hiểu nói.

Thu hồi đất vàng sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh việc đầu cơ đất, gây bức xúc trong dân.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Ngọ Duy Hiểu

Ông Hiểu cũng nhấn mạnh để một mảnh đất vàng bỏ hoang là một sự lãng phí không chỉ với nhà đầu tư mà còn với xã hội. Khi thu hồi dự án, dự án và giao cho người khác triển khai, mảnh đất vàng sẽ tạo ra giá trị, tạo thêm công ăn việc làm, tạo nên các dự án đầu tư phát triển mới.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội Hà Nội, việc thu hồi đất vàng sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh việc đầu cơ đất, gây bức xúc trong dân. Đặc biệt là những vụ việc sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng rồi quá chậm đưa vào sử dụng, gây nên bức xúc, người dân cũng hoài nghi chính quyền.

“Làm được việc này dần dần sẽ tạo được suy nghĩ rằng ai đủ tiền để đầu tư thì hãy đề xuất với thành phố cung cấp đất cho để làm các dự án. Tránh việc mua đất mà nguồn lực không có, gom đất để đó là điều không nên, gây rất lãng phí xã hội”, ông Hiểu nói thêm.

Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm, cũng ủng hộ việc thu hồi đất vàng.  Theo ông, ở nước ta, đất là sở hữu toàn dân. Nếu giao cho ai sử dụng là có mục đích, chứ không phải tự nhiên giao, rồi giao rồi bỏ đấy.

thu hoi dat vang ha noi anh 1
Một lô đất vàng bỏ hoang nằm gần hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Việt Linh.

“Nếu giao có mục đích rồi, thì phải có thời hạn sử dụng. Nếu nói có mục đích mà chẳng làm gì cả nghĩa là nói dối, nói không đúng. Nếu trường hợp thị trường thay đổi, lỗ vốn, không có tiền để triển khai nữa thì thu hồi cũng là chuyện chính đáng”, ông Liêm nói.

Thu hồi đất khó hay dễ?

Ủng hộ việc thu hồi đất vàng, nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cảnh báo việc thu hồi là không hề dễ dàng. Theo đó, thành phố nếu muốn thu hồi phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi bồi thường thì thành phố lại chưa có cơ chế, hoặc ngân sách eo hẹp.

Nhà đầu tư được giao đất có mục đích gắn với thời hạn sử dụng. Chẳng làm gì cả nghĩa là doanh nghiệp đang nói dối.

TS Phạm Sỹ Liêm

Lý giải về việc đất vàng bỏ hoang, ông Đính cho rằng doanh nghiệp mất chi phí đền bù giải tỏa cao quá, do đó muốn tăng hệ số sử dụng, tăng mật độ lên. Tuy nhiên, khi đó lại vướng quy định khống chế chiều cao, mật độ của Nhà nước.

Đơn cử, tại SHB, bầu Hiển cho biết lô đất vàng ở Lý Thường Kiệt dự kiến dùng để xây trụ sở cho ngân hàng này. Doanh nghiệp muốn xây trụ sở cao 13-15 tầng nhưng lô đất này lại nằm trong khu vực nội thành đặc biệt nên UBND TP Hà Nội có quy định khống chế chiều cao là 8 tầng. Nếu muốn xây cao hơn thì phải có thẩm quyền của Thủ tướng. Mục đích chồng thêm tầng, tối đa hóa khoản tiền đã bỏ ra của SHB gặp khó.

Tương tự, lô đất ở Hàng Bài của Tân Hoàng Minh ban đầu được chấp thuận xây 8 tầng, nhưng vào năm 2016, doanh nghiệp này xin điều chỉnh dự án thành cao 12 tầng. Giống như SHB, đề nghị này bị từ chối.

“Làm theo phương án được cho phép, hiệu quả không cao. Nếu xây dựng như quy định của thành phố, chia giá thành phẩm ra thì đắt khủng khiếp. Nếu cố làm thì không hiệu quả. Do đó, họ phải để đấy chờ đợi để xin phép xây cao thêm. Làm cũng chết và không làm cũng chết. Đó là một cái vòng luẩn quẩn”, ông Đính nói.

thu hoi dat vang ha noi anh 2
Những lô đất vàng bỏ hoang đang gây ra sự lãng phí xã hội lớn. Ảnh: Việt Linh.

Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu lại cho rằng Việc này rất cần thiết phải làm, đã làm thì phải rất công bằng hoàn toàn có thể tìm được những nhà đầu tư mới sẵn sàng bù đắp lại, bồi thường lại cho chủ đầu tư trước.

TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng nếu thu hồi thì phải bồi thường, không phải tịch thu. “Khi thu hồi thì mang ra đấu giá, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Có khi giá cao ngất ngưởng, khác bây giờ”, ông nói.

Đã là đất vàng thì làm gì cũng có thể sinh lợi cao. Anh nào muốn tăng chiều cao, mật độ là muốn thu lợi nhanh.

TS Phạm Sỹ Liêm

Khi được hỏi, liệu các chủ đầu tư khi bỏ nhiều tiền ra đấu giá đất, liệu có lại để đấy xin tăng chiều cao, mật độ lên không, TS. Liêm cho rằng “đã là đất vàng thì làm gì cũng có thể sinh lợi cao. Anh nào muốn tăng chiều cao, mật độ là muốn thu lợi nhanh”.

Phân tích thêm, ông cho rằng không chỉ xây chiều cao, xây chung cư mới có thể kiếm lời từ đất vàng.

“Đất vàng tức là không cứ phải xây cao tầng thì mới có lời. Các lô đất vàng khác ở trong khu vực nội thành không hề cao tầng, nhưng luôn có giá trị cao. Chỗ đó phải đẻ ra tiền thì người ta mới trả giá cao và gọi là đất vàng. Có rất nhiều cách để kiếm lợi nhuận, xây chung cư cao tầng chỉ là cách dễ nhất, nhưng không phải là cách duy nhất”, ông nhấn mạnh.

Ông cho rằng Hà Nội cần cương quyết với quyết định của mình. Các khu vực nội đô cần xem xét mật độ và khống chế chiều cao một cách cẩn trọng. “Không cần chung cư, một trung tâm thương mại, một khách sạn, một khu giải trí cũng có thể sinh lợi tốt ở đất đó rồi”, ông nói.

Trước đó, đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ông Chung cũng yêu cầu thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế, ngay tại các phố trung tâm của Hà Nội không thiếu cảnh các dự án đắp chiếu, bỏ hoang để cỏ mọc um tùm nhiều năm. Nhiều dự án vì vướng vấn đề quy hoạch như khu đất tại Lò Đúc, Hàng Bài của Tân Hoàng Minh, hay khu đất đường Hai Bà Trưng của SHB. Cũng không ít dự án ngủ quên vì doanh nghiệp thiếu vốn như dự án Thiên Niên Kỷ, Nam Đàn Plaza, Tháp Tài chính…

Điểm danh đất vàng 'ngủ quên' tại Hà Nội

Tại Hà Nội, không khó để kiếm những lô đất được quây tôn kín nhiều năm, bên trong cỏ mọc um tùm. Đầu năm, lãnh đạo thành phố chỉ đạo có thể hủy dự án quá 3 năm chưa thực hiện.

Đất vàng ‘ngủ quên’ và sự lãng phí khó giải quyết ở Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng những lô đất vàng bị bỏ hoang giữa trung tâm Hà Nội gây một sự lãng phí lớn. Thành phố muốn thu hồi nhưng chuyện xử lý không dễ.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm