Gánh xôi của chị Mây nằm ngay vỉa hè trước lô đất vàng đang bỏ hoang của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch T&T) tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Hàng Bài (Hà Nội). Từ nhiều năm nay, chị “mượn tạm” đoạn vỉa hè có vị trí đắc địa này để kinh doanh.
Chỉ ngồi từ 5h30 đến 10h hàng ngày, chị Mây cho biết gánh xôi 1 tạ gạo của chị hết veo. Theo đó, 100 kg gạo nếp sẽ nấu được khoảng 150 kg xôi. Mỗi kg xôi trung bình gói được 6 suất, mỗi suất 10.000 đồng. Tính trung bình, doanh thu bán xôi ở "mẩu vỉa hè" của chị Mây vào khoảng 9 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 5 tiếng buổi sáng.
Chị Mây không khỏi xót xa với lô đất phía sau mình vẫn đang bỏ hoang dù nằm ở vị trí vô cùng đắc địa. “Ngồi đây đến bán xôi còn tốt, nếu xây cửa hàng thì bán gì chả lời hả chú”, chị Mây tâm sự.
Chị Mây dọn hàng xôi vỉa hè ngay cạnh lô đất bỏ hoang của bầu Hiển. Ảnh: Hiếu Công. |
Những lô đất vàng ngủ quên
Lô đất vàng của bầu Hiển rộng 2.200 m2 có tới 3 mặt tiền tại phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài và Vọng Đức, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 200 m. Đây được coi là một trong những lô đất trống có giá trị lớn nhất tại thủ đô. Để gom được khu đất, doanh nghiệp thậm chí đã nâng mức giá bồi thường lên 1 tỷ đồng/m2, theo thông tin lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ với báo giới.
Lô đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng này đã nhiều năm im lìm. Bên trong lác đác có một số lán trông xe. Bảo vệ tại đây cho biết đó là chỗ để xe của Ngân hàng SHB, do ông bầu Hiển làm chủ tịch.
Đây chỉ là một trong rất nhiều lô đất vàng đang bị bỏ hoang, hoặc đắp chiếu tại Hà Nội. Tại các quận trung tâm, không khó để kiếm những lô đất được quây tôn kín, yên ắng chờ thời như vậy.
Cách lô đất của bầu Hiển chỉ hơn 100 m, ngang qua trường THCS Trung Vương là lô đất được cho của Tân Hoàng Minh tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng. Lô đất rộng hơn 4.000 m2 này còn có vị trí trung tâm hơn, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 m, đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
Đối diện Tràng Tiền Plaza lại có một khu đất bỏ hoang, rậm rạp. Ảnh: Việt Linh. |
Tân Hoàng Minh từng mất hơn 7 năm (từ năm 2004-2011) mới hoàn thành giải phóng mặt bằng kể từ khi có quyết định thu hồi đất. Thời điểm năm 2011, lô đất này vẫn còn một phần diện tích chưa được giải tỏa. Sau đó người dân và chủ đầu tư đã thống nhất mức bồi thường là 47 tỷ đồng cho 51 m2 đất sử dụng riêng và 20 m2 nhà đất sử dụng chung. Đây được xem là mức bồi thường, hỗ trợ kỷ lục của thành phố Hà Nội vào thời điểm đó.
Lô đất này được đồn rằng đã đổi chủ, nhưng thông tin chính thức về vụ chuyển nhượng chưa được công bố. Hiện lô đất vẫn trong tình trạng "ngủ quên" nhiều năm giữa trung tâm Hà Nội, được quây kín bởi các hình ảnh dự án của Tân Hoàng Minh.
Tại quận Hai Bà Trưng, Nhà máy rượu Hà Nội và Nhà máy dệt kim Đông Xuân nằm cạnh nhau, sau khi chuyển ra khỏi nội thành thì còn lại một khu đất vàng lớn có tới 3 mặt tiền: Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm. Lô đất này rộng tới 8.000 m2 cũng trong tình trạng bỏ hoang. Tân Hoàng Minh cũng là ông chủ của lô đất này.
Lô đất bị bỏ hoang với dự án tháp Tài chính Quốc tế (IFT). Ảnh: Việt Linh. |
Những lô đất đắc địa quây tôn còn thấy được ở cạnh cầu vượt Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám, cạnh siêu thị Big C. Tháp Tài chính Quốc tế (IFT), một biểu tượng mới của thủ đô, từng được lên kế hoạch mọc lên trên lô đất này. Đến nay, tháp thì chưa thấy, còn cỏ hoang thì đã nhiều năm tuổi.
Trên khắp Hà Nội còn có các dự án như vậy như Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm), Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng)…
Sự lãng phí khổng lồ
Gần gánh xôi của chị Mây là ki-ốt nhỏ bán hàng tạp hóa của chị Lan, nằm cạnh lô đất bỏ hoang của Tân Hoàng Minh (phố Hàng Bài). Ki-ốt rộng chỉ khoảng 5-6 m2 cả ngày luôn tấp nập kẻ mua người bán.
Chị Lan từ chối tiết lộ doanh thu của cửa hàng, nhưng chị bảo phải 5 người phục vụ luôn chân luôn tay suốt cả ngày. 5 người bán hàng cho một cửa hàng chỉ khoảng 6 m2 cả ngày không hết việc. Mà ki-ốt này còn rộng hơn cửa hàng bên cạnh, nằm đầu ngõ 26 Hàng Bài, chỉ có khoảng chừng 4 m2.
Những cửa hàng siêu nhỏ cạnh lô đất vàng của Tân Hoàng Minh. Ảnh: Hiếu Công. |
Hỏi vui chị Lan rằng nếu được Tân Hoàng Minh cho thuê lại một phần đất để mở cửa hàng cho đỡ phí lô đất bỏ hoang, chị Lan cười và đồng ý ngay. “Họ chả cần mấy đồng tiền lẻ của chúng tôi đâu. Họ nhiều tiền thì họ cứ để đấy, chả cần xây. Họ có tiếc mấy m2 đất như chúng tôi đâu”, chị Lan cười.
Nói với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận những lô đất vàng bỏ hoang, hoặc những công trình đang xây dựng dở mà đắp chiếu là một sự lãng phí rất lớn.
Nếu dùng một phép tính giả định, gửi số tiền 2.200 tỷ đồng mà bầu Hiển chi cho lô đất tại Lý Thường Kiệt tại chính ngân hàng của ông, với lãi suất 7,5%/năm, ông có thể thu về 165 tỷ đồng/năm.
Tương tự, với lô đất của Tân Hoàng Minh tại Hàng Bài, nếu mang số tiền để thâu tóm khu đất, khoảng 2.000 tỷ đồng (giá bồi thường trung bình khoảng 500 triệu đồng/m2) gửi ngân hàng, mỗi năm cũng có thể thu về 150 tỷ đồng. Lũy kế 7 năm bị bỏ hoang, tổng số tiền mang gửi cả gốc và lãi đã lên đến 3.303 tỷ đồng (lãi suất 7,5%/năm).
Nếu mang những khu đất này xây dựng trung tâm thương mại, tương đương Tràng Tiền Plaza (có diện tích khoảng 2.000 m2 đất), thì cũng thu được số tiền rất lớn. Ước tính, Tràng Tiền Plaza có diện tích mặt bằng cho thuê là 18.000 m2. Nếu công suất thuê đạt 80% và giá thuê hiện tại là 3,5 triệu đồng/m2/tháng, mỗi năm Tràng Tiền Plaza cũng có doanh thu là 605 tỷ đồng, gấp 4 lần gửi ngân hàng.
Đó là chưa tính đến phương án xây dựng căn hộ cao cấp để bán. Khi đó, các lô đất vàng thực sự là những “con gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư.
Những cửa hàng siêu nhỏ không hiếm gặp tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công. |
"Đó là một sự lãng phí không dễ gì khắc phục. Trong khi nhu cầu về mặt bằng tại khu vực trung tâm luôn thiếu hụt thì có những khu đất vàng bỏ hoang thật khó hiểu. Có thể với chủ đầu tư họ không thấy lãng phí, họ không thiếu tiền, nhưng đó là một sự lãng phí của xã hội”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận xét.
Tại sao doanh nghiệp để đất vàng ngủ quên?
Gần ki-ốt bàn hàng của chị Lan là điểm trông xe của anh Nam trên phố Hai Bà Trưng. Với vài mét vỉa hè, sau khi đấu thầu và được UBND quận Hoàn Kiếm chấp nhận, anh Nam cùng vài người bạn hàng ngày gắn bó với điểm trông xe.
Cách không xa những lô đất vàng bỏ hoang, điểm trông xe của anh Nam mỗi ngày giữ được khoảng 400-500 xe máy, những ngày cuối tuần có thể cao hơn. Nói về những lô đất vàng bỏ hoang, trong khi anh phải chắt chiu từng đoạn vỉa hè giữ xe, anh cười bảo “người ta thích thì bỏ đấy thôi”.
“Quyền của người ta” cũng là câu trả lời mà chị Mây chia sẻ. Chị còn lo nếu khu đất được xây dựng, hàng xôi của chị phải chuyển sang chỗ khác, sẽ khó bán vì kém đắc địa hơn.
Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp, không phải họ “không muốn xây” mà vấn đề là họ “không được xây theo cách mà mình kỳ vọng”.
Tại SHB, bầu Hiển cho biết lô đất vàng ở Lý Thường Kiệt dự kiến dùng để xây trụ sở cho ngân hàng này. Theo kế hoạch, đáng lẽ trụ sở mới khởi công cuối năm 2016 nhưng do vướng mắc về mặt thủ tục, SHB muốn xây trụ sở cao 13-15 tầng.
Một trong những lý do khiến dự án Nam Đàn Plaza giậm chân là do thiếu vốn. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, lô đất này lại nằm trong khu vực nội thành đặc biệt nên UBND TP Hà Nội có quy định khống chế chiều cao là 8 tầng. Nếu muốn xây cao hơn thì phải có thẩm quyền của Thủ tướng. Như vậy, mục đích chồng thêm tầng, tối đa hóa khoản tiền đã bỏ ra của SHB gặp khó. Trong lúc chờ đợi, lô đất đành ở tình trạng "ngủ quên".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại lô đất ở Hàng Bài của Tân Hoàng Minh. Lô của Tân Hoàng Minh ban đầu được chấp thuận xây 8 tầng, nhưng vào năm 2016, doanh nghiệp này xin điều chỉnh dự án thành cao 12 tầng. Giống như SHB, đề nghị này bị từ chối.
Nhà máy rượu Hà Nội rời đi để lại một khu đất vàng rất lớn. Ảnh: Hiếu Công. |
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng doanh nghiệp bỏ ra một số tiền lớn để thâu tóm đất, chắc chắn phải muốn khai thác triệt để, bù lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu làm đúng quy định, với sự khống chế chiều cao và mật độ theo quy hoạch, doanh nghiệp sẽ phải bán với giá nhà rất đắt (nếu xây chung cư), gây khó khăn cho kinh doanh. “Chồng thêm tầng là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả ở đất vàng”, ông Đính nói.
Tất nhiên, không phải dự án nào ở Hà Nội đất vàng bị bỏ trống cũng vì vấn đề quy hoạch, số nhiều vẫn là do thiếu vốn. Điển hình như dự án Thiên Niên Kỷ, Nam Đàn Plaza, Tháp Tài chính…
Thành phố có quyết tâm thu hồi?
Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ông Chung cũng yêu cầu thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu Hà Nội thực hiện được việc này thì các dự án đất vàng “ngủ quên” sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo việc thu hồi đất vàng là rất khó.
Một phần khu đất vàng của Dệt Kim Đông Xuân và Rượu Hà Nội được dùng xây trường học. Ảnh: Hiếu Công. |
“Khi doanh nghiệp bỏ tiền lớn ra mua đất, kể cả mua qua đấu giá, họ phải tận dụng sao cho sinh lời nhiều nhất. Tuy nhiên, muốn sinh lời thì họ phải xin xây cao thêm tầng, khi đó lại không được phép, và họ lại bỏ hoang để chờ đợi. Bỏ hoang lại khó thu hồi. Đó là một vòng luẩn quẩn khó giải quyết”, ông Đính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Đính ủng hộ quyết tâm của Hà Nội trong việc thu hồi, để tránh sử dụng lãng phí các khu đất vàng. Ngoài ra bộ mặt đô thị sẽ được hoàn thiện, không bị nhếch nhác.