Đi ôtô hạng sang trả tiền theo giá xe ôm
Gói cước mới của Uber vừa tung ra dịch vụ mới mang tên UberX với mức giá siêu rẻ. Theo đó, mức cước tại Hà Nội chỉ 5.000 đồng/km, tại TP HCM là 8.500 đồng/km. So sánh mức giá nêu trên giữa UberX và taxi truyền thống hiện nay thì mức chênh lệch lần lượt là 40% và 25%. Mức giá này thậm chí còn rẻ hơn cả xe ôm mùa cao điểm lễ Tết tại Hà Nội và TP HCM.
Đại diện Uber tại Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ khi có nhận định cho rằng gói cước của dịch vụ UberX có giá cước thấp hơn các hãng taxi khác không phải là sự cạnh tranh không lành mạnh. Để chứng minh cho nhận định của mình, đại diện Uber Việt Nam dẫn chứng, cước dịch vụ taxi quy đổi trung bình cho 1 km ở Thái Lan là 4.500 đồng, Philippines là 5.600 đồng, Indonesia là 7.200 đồng, Singapore là 10.000 đồng/km... Trong khi ở Việt Nam, cước taxi trung bình lên đến 12.000-17.000 đồng/km.
Uber Việt Nam lý giải mức giá taxi tại Việt Nam là do đa số xe vận tải hành khách tại Việt Nam chỉ được tận dụng 15%-20% hiệu suất nên chi phí cố định trên đơn vị km sẽ ở mức cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp phải giữ mức giá cao để bảo đảm lợi nhuận.
Lập luận của Uber Việt Nam bị phản bác
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc hãng taxi Ba Sao (Hà Nội), các hãng taxi ở Việt Nam duy trì mức giá cước cao bởi giá đầu vào quá cao. Lớn nhất là chi phí đầu tư phương tiện. Đơn cử, ở các nước trong khu vực, mức giá phổ biến như xe i10 của hãng Hyundai nếu tính ra tiền Việt chỉ khoảng 300 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, khi xe này về Việt Nam, cộng đủ thứ thuế thì mức giá đã đội lên ở ngưỡng 500-600 triệu đồng/chiếc. Với chi phí đầu tư ban đầu lớn như vậy thì doanh nghiệp phải cân đối mức thu để duy trì hoạt động. Trong đó, giá cước cũng sẽ cao hơn so với các nước khác trong khu vực. Ngoài chi phí đầu vào, tiền xăng cũng là vấn đề ảnh hưởng lớn đến giá thành. Theo tính toán, tính cả thời gian chạy rỗng thì trung bình tiền xăng đã ngốn đến 4.000-5.000 đồng/km.
Lực lượng chức năng kiểm tra tài xế sử dụng dịch vụ Uber tại Việt Nam. |
“Với một hãng taxi số lượng xe ít, đầu tư thấp thì mức giá mà UberX đưa ra là đã “lõm” thu rồi chứ không nói đến hãng của chúng tôi với gần 1.000 phương tiện. Chúng tôi đang kêu lên Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp cạnh tranh lành mạnh”, ông Huy nói.
Về mức cước của Uber, ông Đinh Văn Trường, Tổng giám đốc hãng taxi Hương Lúa khẳng định, nếu các hãng taxi cũng áp dụng mức giá này để cạnh tranh trở lại thì không thể tồn tại được.
“Nếu hoạt động đúng luật định cho taxi thì chi phí đầu vào rất cao. Trong đó phần chi bao gồm khấu hao tài sản, nhiên liệu, chưa kể thuế má, tần số… Cạnh tranh thì phải công bằng, Uber hoạt động chẳng khác gì taxi nhưng không chịu các chế tài như taxi. Các doanh nghiệp taxi chỉ cần đối xử công bằng, taxi như thế nào, Uber phải như thế hoặc ngược lại. Việc xuất hiện của Uber đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của hàng trăm lao động trong hãng và hàng ngàn lao động ở các hãng taxi khác”, ông Trường nói.
Khởi kiện nếu doanh nghiệp chứng minh được vi phạm
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định, Hiệp hội phải bảo vệ các thành viên, tuy nhiên, rất khó để can thiệp về vấn đề giá của Uber Việt Nam.
“Vấn đề liên quan đến Uber thì Hiệp hội đã kiến nghị từ lâu rồi. Ban đầu rất căng thẳng, các doanh nghiệp đề nghị là không cho phép Uber hoạt động ở Việt Nam. Sau đó Chính phủ đã cho phép hoạt động nhưng phải ký kết hợp đồng với tài xế lái xe taxi. Còn nếu liên kết với lái xe ngoài thì phải xử lý”, ông Thanh khẳng định.
Theo ông Thanh, cơ quan quản lý thực sự chưa đầu tư nghiên cứu sâu về Uber. Về phía người tiêu dùng, đương nhiên được lợi là họ sử dụng. Điều đáng nói là thời gian qua, người dùng chưa có phải hồi nào thiếu tích cực về dịch vụ Uber tại Việt Nam. Còn các doanh nghiệp Việt, nếu chứng minh được Uber phá giá thì khởi kiện.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng: “Để chứng minh được thì không phải đơn giản”. Cùng đó, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Uber Việt Nam phải chấp hành đúng pháp luật của Việt Nam trong kinh doanh.
Còn về phía các doanh nghiệp kinh doanh taxi Việt Nam, ông Thanh cho rằng, cần phải rà soát lại để cắt giảm chi phí, giá thành. “Quan trọng hơn là giờ nên tập trung để đối phó với “taxi dù” bởi số lượng này quá lớn và làm méo mó hình ảnh vận tải taxi ở Việt Nam. Còn Uber thì mới chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn”, ông Thanh khuyến cáo.