Kẽ hở này giúp họ có được cái gọi là "hộ chiếu vàng Malta" mà chỉ phải lưu trú ở nước này chưa đầy 3 tuần, theo rò rỉ từ một công ty môi giới hộ chiếu, Guardian cho biết ngày 22/4.
Hàng nghìn email, tài liệu từ công ty tư vấn cư trú và quốc tịch Henley & Partners đã hé lộ "cánh cửa" chưa từng thấy về cơ chế của cái gọi là chương trình "hộ chiếu vàng", trong đó các nước bán quốc tịch cho các đại gia nước ngoài.
Tiết lộ này đã lần đầu cho thấy cách thức một số người mua hộ chiếu Malta thông qua chương trình đầu tư chính phủ, giúp họ có thể giả bộ đang "cư trú" ở đất nước này trong suốt một năm bằng cách thuê căn hộ sau đó để trống.
Hai tuần để sở hữu tấm “hộ chiếu vàng"
Chương trình này có tên gọi chính thức là Nhà đầu tư Cá nhân, được thiết kế để thu hút các nhà đầu tư giàu có và làm dồi dào ngân quỹ quốc gia.
Cách đây 8 năm, Malta đã công bố kế hoạch "bán" hộ chiếu khiến Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng. Giới chức trách EU lo ngại rằng "người mua" có thể tự do đi lại trong EU và khối Schengen cũng như có thể đến nhiều nước mà không cần xin thị thực trước.
Vào tháng 1/2014, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã có bài phát biểu phản bác những đề xuất này và nhấn mạnh các thành viên EU chỉ nên cung cấp hộ chiếu cho những cá nhân có "mối liên kết thực sự" với quốc gia của họ.
Sau hai tuần, vấn đề đã phần nào được giải quyết khi chính phủ Malta đưa ra tuyên bố chung thông báo bất kỳ ai "mua" quốc tịch Malta sẽ cần phải cư trú tại quốc gia này trong vòng một năm, đồng thời chứng minh tính xác thực của mối liên hệ với ngôi nhà mới của họ.
Tuy nhiên, chương trình hộ chiếu vàng của Malta không xác định “nơi cư trú”. Các quan chức chính phủ cũng lảng tránh khi được hỏi về tỷ lệ giữa những người nộp đơn trong thời gian 12 tháng và những người sẽ có mặt thực tế.
Malta là một quốc đảo xinh đẹp nằm ở Địa Trung Hải. Ảnh: Guardian. |
Lỗ hổng đã cho phép một số khách hàng, những người trả hơn 1 triệu euro theo chương trình, xác nhận thành công rằng họ có "liên kết xác thực" với Malta. Những gì họ cần làm chỉ là dành vài tuần đi nghỉ ở đó và thực hiện một vài hoạt động qua loa, chẳng hạn như cho thuê du thuyền hoặc quyên góp cho một tổ chức từ thiện địa phương.
Guardian đã xem xét 250 thư ngỏ mà các khách hàng gửi cho Henley, trong đó giải thích với chính phủ về dự định họ ở Malta. Các email nội bộ cho thấy khách hàng liên tục hỏi họ có thể dành ít thời gian hơn tại đây hay không.
Trong trường hợp của một khách hàng Trung Đông năm 2014, nhân viên đại diện thậm chí đã hỏi người quản lý của họ rằng liệu “có đến Malta trong khoảng 7-14 ngày (tức là khoảng thời gian tối thiểu) để lấy sinh trắc học và đăng ký và nhận thẻ (cư trú)”.
"Nếu không thể đến thăm lâu hơn, mở tài khoản ngân hàng, quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương và trở thành thành viên của câu lạc bộ địa phương sẽ giúp chứng minh mối liên kết với đất nước”, người quản lý trả lời.
Lời khuyên này cho thấy thay vì 12 tháng, dường như chỉ cần hai tuần là đủ để sở hữu tấm "hộ chiếu vàng" tại đây.
“Người nộp đơn không nhất thiết phải có mặt tại quốc gia đó,” một khách hàng được khuyên. “Tuy nhiên, để tạo ra một ‘liên kết xác thực', (chính phủ Malta) sẽ đánh giá cao với thời gian ít nhất là 14 ngày”.
Trong tất cả 250 bức thư, cam kết trung bình về thời gian ở Malta của người nộp đơn xin hộ chiếu là 16 ngày.
Hai phòng ngủ cho 12 người
Nhằm thể hiện cam kết với ngôi nhà mới, những người nộp đơn xin "hộ chiếu vàng" của Malta sẽ được yêu cầu đầu tư 1,15 triệu euro vào quốc gia này, bao gồm một khoản mua bất động sản trị giá ít nhất 350.000 euro hoặc thuê nhà 5 năm với giá 80.000 euro.
Hộ chiếu của Malta. Ảnh: Loving Malta. |
Một số căn nhà được thuê nhỏ hơn đáng kể so với quy mô thực tế mà gia đình của người nộp đơn yêu cầu nếu họ dự định sống tại đó. Trong một trường hợp, công dân Trung Quốc thậm chí đã thuê căn hộ hai phòng ngủ với giá 1.500 euro/tháng dù nộp đơn xin nhập quốc tịch cho 12 người, trong đó có 6 trẻ em.
Một doanh nhân Nam Phi muốn nhập quốc tịch Malta đã từ chối trả cho Henley một khoản phí quản lý căn hộ với lý do rằng sẽ không có ai đến thăm nó.
“Căn hộ không được sử dụng, sẽ không ai đến đó trong một năm”, anh phàn nàn trong một bức thư gửi công ty.
Những tiết lộ về lỗ hổng trong việc quản lý nhập cư của Malta có khả năng gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như rủi ro về bảo mật, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và nguy cơ để lọt cho tội phạm nước ngoài cư trú, đi lại tự do trong lãnh thổ EU.
Ủy ban Liên minh Châu Âu gần đây đã cáo buộc Malta "bán" quyền công dân, cho phép những cá nhân có ít hoặc không có liên hệ với quốc gia này tiếp cận vào EU.
Tuy nhiên, chính phủ Malta bác bỏ bất kỳ cáo buộc cho rằng yêu cầu cư trú của nước này là "giả mạo".
Nước này lập luận rằng các "liên kết xác thực" không được định nghĩa trong luật của EU và chính phủ Malta "đặt ra các quy tắc cũng như đưa ra quyết định cuối cùng đối với tất cả các đơn xin nhập quốc tịch".