Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc nhìn khác về Black Friday của người Việt ở Mỹ

Một số người Việt ở Mỹ cho biết, họ sợ cảnh chen lấn, giẫm đạp nhau nên tránh mua sắm hàng giảm giá dịp Black Friday.

 

Anh Duy Anh (đã sống ở Mỹ 2 năm) chia sẻ với Zing.vn, cũng như một số bạn bè khác, hôm nay anh đến Trung tâm thương mại Destiny USA,  New York để mua sắm dịp Black Friday. ​Dự định mua một số quần áo, lúc Duy Anh đến nơi là 12h ngày 27/11 (giờ Mỹ). Khi đó cửa hàng rất đông. Mọi người chen lấn, giành giật nhau để chọn được những món đồ mình ưng ý.

Nơi tập trung đông người mua sắm nhất là các điểm bán hàng điện tử, đặc biệt là tivi. Tại nhiều cửa hàng, người mua đã xếp hàng dài chờ sẵn trong đêm, để mong được là những người đầu tiên mua hàng. Mức giảm giá rất đa dạng; trong đó, đồ điện tử thường giảm 50%. Một số cửa hàng quần áo giảm 40%, số khác có thể giảm tới 80%.

Một cửa hàng thời trang vắng khách mua sắm ngay trong ngày Black Friday. Ảnh: Khánh Xuân.

Duy Anh cũng cho biết, những bạn người Việt của anh ở Mỹ chủ yếu đi săn quần áo giảm giá. Mọi người thử và mua luôn nếu ưng. Còn đồ điện tử họ mua online, để tiết kiệm thời gian và tránh cảnh chen lấn, xô đẩy.

"Tôi định mua tivi nhưng thấy đông quá nên chần chừ. Sau đó, tôi đến cửa hàng hỏi mua thì các loại tivi đã được bán hết", thanh niên người Việt chia sẻ.

Anh cho rằng, thực tế nhiều người dân Mỹ nghèo, hoặc thực dụng nên họ rất quan tâm đến Black Friday và đổ xô đi mua đồ. Năm ngoái, Duy Anh ​ đến cửa hàng từ lúc 12h đêm. "Có mặt trong đoàn người chen nhau khi mở cửa thật kinh khủng", anh tâm sự. Cũng vậy mà năm nay, Duy Anh chỉ mua những thứ cần thiết, không dám chen lấn, xếp hàng nữa.

Còn chị Nguyễn Hoa đã sống ở Mỹ 18 năm. Thế nhưng, người phụ nữ này không hứng thú với Black Friday vì "chen nhau rất mệt mỏi​ và một số người Việt mới sang Mỹ hoặc khách du lịch có thể hào hứng với việc này". ​Ở thành phố Boston, phụ nữ này đã quá quen thuộc với sự kiện Black Friday và cho rằng, không nên giành nhau một món hàng chỉ giảm giá vài chục phần trăm.

"Tôi không có nhu cầu mua sắm gì nhiều nên ở nhà cho khỏe. Các mặt hàng giảm giá trong ngày này lại chủ yếu là hàng điện tử, mà đồ này thì không phải là thứ thay đổi hàng năm”, chị Hoa chia sẻ.

Theo chị, Internet có thể giúp mọi người giảm quá trình đi lại, tiết kiệm thời gian với mua sắm online và không cần đợi Black Friday.

Người Việt ở Mỹ mua sắm trong ngày Thứ sáu đen chủ yếu tìm các mặt hàng gia dụng, điện tử. Ảnh: Quốc Tuấn.

Khánh Xuân mới đến Mỹ 1 năm cũng chia sẻ, gia đình chị không hứng thú với Black Friday vì ​sợ cảnh chen lấn, giẫm đạp. “Những mặt hàng không phải là nhu cầu thiết yếu nhưng muốn mua thì tôi sẽ canh online trong các đợt giảm giá khác. Chồng tôi làm nghề kinh doanh ôtô cũ, nên anh ấy quan tâm đến xe và đi tìm mua xe giá rẻ. Các cửa hàng ôtô cũng có chương trình bán xe cũ rẻ hơn ngày thường. Nhưng để mua được chiếc xe giá giảm vài phần trăm thì phải đàm phán rất mệt”, Khánh Xuân cho biết.

Khánh Xuân cũng thông tin thêm, hôm nay trời mưa rất to nên nhiều người ngại ra đường. ​Trừ các siêu thị khá đông, còn lại đường phố vắng vẻ. Các cửa hàng trên phố cũng không đông người mua sắm.

Nguyễn Đỗ Hà Giang, du học sinh ở DC (Washington) cho biết, Giang cũng như các bạn không quá hào hứng với việc đi mua sắm ngày Black Friday, vì chủ yếu mua hàng online

Theo quan sát của Giang, các shop trên phố cũng triển khai các chương trình giảm giá từ 20-30%, cá biệt có 50% nhưng không có cảnh xếp hàng, chen lấn. Người Việt tham gia mua sắm ngày này tại Mỹ chỉ hào hứng và chủ tâm mua đồ gia dụng, điện tử.

“Ở Washington, trung tâm thương mại ít và tập trung ở ngoại ô. Mua sắm ở trung tâm thương mại cũng không phải thói quen của du học sinh hay người trẻ nơi này. Tôi chỉ mua duy nhất một đôi giày hiệu Zara, vì đó là thứ tôi đang thiếu”, Giang nói.

Khổ vì mua hàng giảm giá ngày Black Friday ở Sài Gòn

Trong ngày Thứ sáu đen, nhiều thương hiệu lớn tại TP HCM giảm giá lên đến 50-90%. Không ít khách phải chui cửa cuốn, xếp hàng dài hết cả con hẻm để chờ mua đồ.

Đỗ Quyên - Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm