Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỡ vướng nhưng không hợp thức hóa sai phạm về PCCC

"Chúng ta linh hoạt trong quá trình thiết kế quy chuẩn bảo đảm tính khả thi nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, không hợp thức hóa sai phạm PCCC", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.

Cảnh sát đục tường tiếp cận hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương hồi tháng 9/2022. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây chủ trì cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là đối với các công trình xây dựng.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn còn diễn biến phức tạp; công tác quản lý PCCC còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. "Phải chỉ ra đâu là điểm nóng do sự cố, đâu là điểm nóng do công tác quản lý và đưa ra các đề xuất khả thi để giải quyết khó khăn", ông Trần Hồng Hà yêu cầu.

Quy chuẩn chưa phù hợp trong nhiều điều kiện cụ thể, đặc thù

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng thời gian qua, các vụ cháy nổ vẫn xảy ra trên mọi địa bàn (dân sinh, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ), gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Do vậy, cần thiết tiếp tục tăng cường công tác quản lý về PCCC.

Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD, Phó thủ tướng đặt câu hỏi về mức độ phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng, mức độ công nghệ vật liệu, thiết bị PCCC, năng lực của tổ chức thẩm duyệt… Ông cho rằng quy chuẩn này có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc đều đúng nhưng trong điều kiện cụ thể, đặc thù thì chưa phù hợp. Đây là vấn đề cần xem xét để gắn với thực tiễn tốt hơn.

"Chúng ta linh hoạt trong quá trình thiết kế quy chuẩn bảo đảm tính khả thi nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, không hợp thức hóa sai phạm", Phó thủ tướng nói và yêu cầu các bộ, ngành rà soát ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, thông tin, phổ biến cho các chủ thể, doanh nghiệp có liên quan.

go vuong quy dinh PCCC anh 1

Phó thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Ông Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan liên quan sớm ban hành quy định có tính pháp lý làm căn cứ thực hiện quy hoạch, quy chuẩn nghiêm ngặt đối với những loại hình dịch vụ, hoạt động kinh doanh có nguy cơ rất cao về cháy nổ như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy nổ, karaoke…

Để giảm áp lực trong hoạt động thẩm duyệt về PCCC, Phó thủ tướng cho rằng các cơ quan quản lý cần ban hành quy định điều kiện để đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường đào tạo nhân lực về PCCC; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC về thiết bị, vật liệu, công trình… của các nước tiên tiến.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu bộ, ngành chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC đối với các công trình hiện hữu, xây dựng mới bảo đảm nghiêm ngặt, phù hợp, an toàn.

Không để doanh nghiệp bị "sốc" chính sách

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vi phạm về PCCC của các công trình hiện hữu, đang hoạt động, trong đó có những vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản, nhưng không dễ khắc phục, giải quyết ngay.

Để tạo điều kiện cho các công trình này được tiếp tục hoạt động, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng cần tiếp tục rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; loại và quy mô công trình... sau đó hướng dẫn xử lý trên quan điểm không hồi tố, nghiên cứu các giải pháp tăng cường, bổ sung để an toàn hơn hiện trạng.

Đối với các công trình xây mới, được góp ý hoặc thẩm duyệt thiết kế PCCC sau thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, về cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu thực tế khi siết lại công tác quản lý PCCC sẽ bộc lộ nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, trong đó nhiều vi phạm của chủ đầu tư, doanh nghiệp ở tình trạng "sự đã rồi".

Thậm chí có công trình không tuân thủ bất kỳ quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng doanh nghiệp vẫn kiến nghị được hoạt động mà không có biện pháp khắc phục.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đề xuất giảm loại, nhóm công trình xây dựng phải thực hiện thẩm duyệt PCCC; tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục, hướng dẫn cho cơ quan cảnh sát PCCC địa phương; sửa đổi quy định PCCC liên quan đến nhà ở có sử dụng cho mục đích kinh doanh;…

Đồng thời, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam kiến nghị tăng cường xã hội hoá hoạt động kiểm định, thẩm duyệt thiết kế về PCCC đồng thời có giải pháp không để doanh nghiệp bị "sốc" chính sách.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Tính toán lại khoảng cách an toàn PCCC trong xây dựng ở đô thị lớn

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết sẽ đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp để đưa ra quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với thực tế các thành phố lớn.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm