Hơn một tháng sau vụ cháy quán karaoke An Phú làm 32 người chết, hai công an TP Thuận An bị khởi tố do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2022, Bộ Công an nhận định tình hình cháy, nổ tại khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, quán karaoke, quán bar... diễn biến phức tạp. Một số vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.
Chỉ ra nguyên nhân, cơ quan chức năng nhận định sự cố thiết bị điện chiếm tỷ lệ hàng đầu. Trong khi đó, ý thức quản lý thiết bị điện tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất chưa cao, còn có tình trạng tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kết hợp sản xuất, kinh doanh trái phép.
Cảnh sát PCCC & CNCH đã hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người và trực tiếp tổ chức cứu được 701 người trong năm vừa qua. Ảnh minh họa: A.T. |
Nhiều chủ đầu tư không chấp hành quy định về PCCC với 6.392 công trình chưa được nghiệm thu tại 52 địa phương. Đồng thời, cả nước còn 5.209 công trình không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001, chủ yếu là nhà tập thể, chung cư cũ, công trình dân dụng, công nghiệp...
“Công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH có nơi, có lúc bị buông lỏng. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm qua loa, chiếu lệ; chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc để răn đe”, Bộ Công an nêu rõ và cho biết trong năm 2021, cơ quan này đã kiểm điểm và xử lý 51 tập thể và 127 cá nhân trong lực lượng công an được giao phụ trách địa bàn xảy ra vi phạm về PCCC.
Thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ hoàn thiện quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ tập trung đông người như karaoke, vũ trường, quán bar... Yêu cầu cấp giấy phép kinh doanh tại các công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh có liên quan đến vật liệu dễ bắt cháy. Đồng thời, nhà ở chuyển đổi sang mục đích khác phải xin phép cải tạo sửa chữa; nhà ở kết hợp kinh doanh hoặc chuyển đổi mục đích phải được thẩm duyệt an toàn cháy mới được cấp phép kinh doanh.
Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết sẽ điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy nổ, khởi tố, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định.
“Tổ chức rút kinh nghiệm các vụ cháy, kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khắc phục những thiết sót, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH”, Bộ Công an nêu rõ trong báo cáo.
Từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, 1.748 vụ cháy xảy ra trên cả nước làm chết 105 người, bị thương 95 người, tài sản thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ, số vụ cháy giảm 251%, số người chết tăng 22% và giảm 29% người bị thương. Đáng chú ý, tài sản thiệt hại do cháy tăng tới 108%. Khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm hơn 46% số vụ cháy. Về nguyên nhân, sự cố điện chiếm trên 50% tổng số vụ.
Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 2.713 vụ; hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp tổ chức cứu được 701 người và tìm được 753 thi thể nạn nhân.