Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỗ rừng trôi dạt làm hỏng hai nhịp cầu bê tông

Lũ lớn trong cơn bão số 9 cuốn gỗ rừng từ thượng nguồn trôi dạt về dày đặc trên sông. Việc này khiến hai nhịp cầu Nước Bua, huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, hư hỏng.

Đến trưa 7/11, hàng chục người dân ở huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) cùng xe cẩu, máy đào vẫn tiếp tục trục vớt gỗ, cưa xẻ bên dưới chân cầu Nước Bua, xã Sơn Bua.

Nhóm công nhân Cục quản lý đường bộ 3 cũng tham gia trục vớt gỗ trên sông vừa khơi thông dòng chảy, đảm bảo thoát lũ vừa bảo vệ cây cầu Nước Bua.

Hai nhịp cầu bị võng, sụt lún

Mưa lũ lớn trong cơn bão số 9 cuốn nhiều cây cổ thụ từ đầu nguồn trôi dạt về dày đặc ở xung quanh khu vực cầu Nước Bua. Nhiều cây gỗ rừng còn nguyên gốc rễ có đường kính từ 30 đến 40 cm, dài hơn 8 m về nằm ngổn ngang ở các cồn cát khu vực này.

Go day dac sau mua lu anh 1

Sau bão số 9, mưa lũ cuốn trôi gỗ rừng dạt về dày đặc dưới chân cầu Nước Bua, xã Sơn Bua, huyện vùng cao Sơn Tây. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Nguyễn Viết Chưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, cho hay lũ cuốn cây gỗ, củi dày đặc dưới chân cầu Nước Bua gây cản trở dòng thoát lũ. Nước chảy xiết tác động gây sụt lún, võng hai nhịp cầu số 5 và số 6 của cây cầu này.

"Trước tình hình này, chúng tôi đã cử lực lượng dân quân tự vệ rào chắn barie nghiêm cấm xe trọng tải lớn đi qua lại cầu Nước Bua nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Địa phương cũng phối hợp với Cục quản lý đường bộ 3 sớm khơi thông dòng chảy để bảo vệ an toàn cho cây cầu này trong những đợt mưa lũ sắp tới", ông Chưởng nói.

Theo người dân địa phương, lần đầu tiên họ chứng kiến lũ cuốn trôi gỗ rừng dạt về dày đặc trên sông Rin nhiều như vậy. Ông Đinh Văn Lành (ngụ xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) cho biết những ngày qua, người dân nơi đây trục vớt hàng chục m3 gỗ tốt về làm bàn ghế, tủ và các cánh cửa...

"Ảnh hưởng liên tiếp những trận bão, bãi gỗ dày đặc gây cản trở dòng lũ lớn tràn về có nguy cơ gây sập cây cầu Nước Bua. Hiện hai nhịp cầu bị hỏng, người dân đi lại qua cây cầu này nơm nớp lo sợ", ông Lành nói.

Go day dac sau mua lu anh 2

Người dân huy động máy đào, xe cẩu trục vớt gỗ dưới chân cầu Nước Bua sau mưa lũ. Ảnh: Minh Hoàng.

Gỗ rừng trôi về từ huyện Nam Trà My?

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, cho biết gỗ rừng trôi xuống dày đặc dưới chân cầu Nước Bua, huyện Sơn Tây chủ yếu là cây cối ngã đổ do sạt lở núi và bão số 9 càn quét ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam (giáp tỉnh Quảng Ngãi).

"Số cây lớn bị ngã đổ ven suối ở huyện Nam Trà My bị lũ lớn cuốn trôi về trên sông Rin ở xã Sơn Bua, huyện vùng cao Sơn Tây. Trong số này, một số khúc gỗ bị khai thác trái phép ở thượng nguồn cũng bị lũ cuốn trôi dạt xuống đây", ông Đại thông tin thêm.

Hiện, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã đến hiện trường kiểm tra, phân loại và huy động xe tải vận chuyển khoảng 6 m3 gỗ tốt tập kết về trụ sở UBND xã Sơn Bua. Số gỗ này sẽ được lập hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân, bán đấu giá đem sung công quỹ Nhà nước. Trong khi đó, những khúc gỗ dưới 3 m, địa phương tạo điều kiện cho người dân gia công, đóng làm vật dụng gia đình và sử dụng làm chất đốt.

Sau mưa lũ, gỗ rừng dày đặc trên sông ở Quảng Ngãi

Lũ lớn trong cơn bão số 9 đã cuốn gỗ rừng từ thượng nguồn trôi dạt về dày đặc trên sông Nước Bua, huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

'Hết bão đến lũ, chúng tôi kiệt sức rồi'

Mưa lớn kéo dài khiến nước lũ trên các sông dâng nhanh gây ngập hàng nghìn nhà dân Quảng Ngãi. Hết bão đến lũ khiến người dân địa phương này điêu đứng.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm