Đại hội XIII xác định Việt Nam sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Sự thay đổi này tác động thế nào tới nền kinh tế nói chung và nhà nông nói riêng?
_____
Host: Minh Phương
Khách mời: TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn
_____
Theo báo cáo “Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn tháng 11 và 11 tháng; nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 11 tháng tăng 19% và đã vượt kế hoạch năm 2024; trong khi thặng dư thương mại đạt gần 16,5 tỷ USD và tăng 52,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại một nghịch lý. Dù tạo ra một nền sản xuất hàng hóa lớn và hướng về thị trường xuất khẩu một cách mạnh mẽ như trên, khi nhắc đến nông nghiệp, phần lớn nông dân vẫn bị gán với những tính từ như “manh mún”, “lạc hậu”, “nhỏ lẻ”...
Thực tế này đến từ việc nông nghiệp Việt Nam được sản xuất trên quy mô đất đai thuộc top nhỏ nhất thế giới nên khó cơ giới hóa, hiện đại hóa; hệ thống thương mại hỗ trợ sản xuất là hàng triệu thương nhân nhỏ lẻ đồng hành các nông hộ nhỏ lẻ tương đương; phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đều nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động riêng lẻ, thiếu liên kết...
Với Việt Nam, ngành nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ, mà đã trở thành lợi thế và động lực để phát triển đất nước. “Việc xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia có lẽ chưa từng xảy ra với cả ngành công nghiệp hay dịch vụ. Song song đó, không nhiều nước tự tin khẳng định sở hữu lợi thế quốc gia về nông nghiệp. Trong khu vực Đông Nam Á, tôi đánh giá chỉ Thái Lan mới có thể so sánh năng lực về nông nghiệp với Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy lợi thế quốc gia này, Nghị quyết số 19-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành xác định ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nhắc tới kinh tế nông nghiệp là nói đến chuỗi giá trị, từ vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc...) đến sản xuất hiện đại (cơ giới hóa, tự động hóa, sinh thái hóa...) với số lượng lớn, đầu tư công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất và nâng giá trị, chế biến sâu, logistics, thị trường...
Điều này đồng nghĩa đã đến lúc cả nền kinh tế, hệ thống chính trị và toàn thể xã hội phối hợp cùng nông nghiệp. Thay vì sản xuất theo chiều rộng, cạnh tranh bằng sản lượng nhiều và giá thành thấp, ngành nông nghiệp cần bước vào thời kỳ cạnh tranh bằng sản xuất hàng hóa lớn và khoa học công nghệ.
Người nông dân chắc chắn là chủ thể chính trên hành trình chuyển đổi dài hạn này. Tại podcast “Gỡ rào cản để nhà nông bắt nhịp tư duy kinh tế nông nghiệp” do Tạp chí Tri thức - Znews phối hợp Ngân hàng HDBank thực hiện, TS. Đặng Kim Sơn đưa ra những “cái khó” của người nông dân bên cạnh các giải pháp để Việt Nam hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận