Go-Jek không tiết lộ nguồn gốc số vốn này. Trước đó, có tin đồn Amazon.com Inc là một trong các công ty đàm phán tham gia vòng gọi vốn của Go-Jek. Tuy nhiên, không rõ tập đoàn Mỹ có đầu tư vào Go-Jek hay không.
Bloomberg mô tả đây là một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất tại châu Á kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào hồi tháng 1 tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), khiến các hoạt động kinh tế Trung Quốc tê liệt và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.
Sau khi vụ bê bối của WeWork ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của SoftBank Group hồi năm ngoái, giới đầu tư bắt đầu cảnh giác hơn với mức định giá "trên trời" của nhiều công ty có yếu tố công nghệ.
SoftBank đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Grab, đối thủ trực tiếp của Go-Jek tại Đông Nam Á. Cả Grab và Go-Jek đều tập trung phát triển để trở thành "siêu ứng dụng", cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho khách hàng bên cạnh gọi xe.
Tài xế Go-Jek trên đường phố Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP. |
Bloomberg nhận định với nguồn vốn mới, Go-Jek sẽ có lợi thế lớn hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Grab. Gần đây, có tin 2 start-up hàng đầu Đông Nam Á đàm phán sáp nhập dù Go-Jek bác bỏ thông tin này.
Công ty Indonesia sẽ dễ dàng đàm phán hơn nếu quyết định bán tài sản ở một số thị trường hoặc sáp nhập vào Grab. Theo Bloomberg, cả Grab và Go-Jek vẫn đang kinh doanh lỗ do tập trung mở rộng thị phần trong các lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến.
Do đó, một số nhà đầu tư hi vọng 2 công ty sẽ sáp nhập. Dù vậy, nhiều khả năng nhà chức trách ở Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác sẽ phản đối một thỏa thuận ảnh hưởng đến cạnh tranh.
Đại diện Go-Jek cho biết sẽ dùng số vốn mới để tiếp tục mở rộng thị trường bất chấp những biến động thời gian qua. Theo CB Insights, trong lần gần đây nhất được định giá, Go-Jek đạt giá trị vốn hóa khoảng 10 tỷ USD.