Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỡ bỏ gánh nặng 'Tôi không ổn'

Cuốn sách "Tôi ổn - Bạn ổn" là nỗ lực của bác sĩ tâm thần Thomas A. Harris nhằm đại chúng hóa thuyết Phân tích Tương giao, sao cho mọi người đều hưởng lợi từ học thuyết này.

"Tôi ổn - Bạn ổn" là vị thế sống lành mạnh cần hướng đến. Ảnh: Freepik.

Những cụm từ “không ổn” hay “bất ổn” xuất hiện nhiều quanh ta. Nhưng thế nào là “ổn” và “không ổn” thì lại mang tính chủ quan của mỗi người. Liệu chúng ta nhìn nhận bản thân đã đúng cách? Và làm sao để chúng ta xây dựng một cuộc sống “ổn” thật sự?

“Tôi cảm thấy rất ổn khi ở một mình và không tương tác với một ai cả. Nhưng người khác lại nghĩ là tôi không ổn. Vậy tôi có đang ổn hay không, nhờ bác sĩ phân tích?”. Đó là thắc mắc của chị Thúy, một bạn đọc tham gia chương trình trò chuyện "Hướng đến vị thế sống Tôi ổn - Bạn ổn" diễn ra tại đường sách TP.HCM hôm 16/10.

Chúng ta có đang thật sự “ổn”?

Trả lời cho câu hỏi của chị Thúy, bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý trị liệu Nguyễn Minh Tiến nhiều lần khẳng định: "ta không thể ổn nếu ta không ở trong tương giao cùng với ai khác".

Đây là kết luận dựa trên Thuyết Phân tích Tương Giao (Transactional Analysis), ra đời vào năm 1957 thông qua nghiên cứu và thực hành của tiến sĩ tâm thần học Eric Berne. Học thuyết được áp dụng phổ biến trong các chương trình trị liệu trên thế giới.

Còn tại Việt Nam, thuật ngữ “Phân tích Tương giao” được cố TS tâm lý Tô Thị Ánh giới thiệu đầu tiên năm 2017. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đánh giá đây là cách chuyển ngữ tốt nhất cho đến nay. Ông cũng là một trong những người đầu tiên áp dụng và phổ biến phương pháp này tại Việt Nam.

Toi on ban on anh 1

Buổi trò chuyện với sự tham dự của nhà báo Nguyễn Hậu, bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý trị liệu Nguyễn Minh Tiến và giảng viên tâm lý học Huỳnh Hiếu Thuận. Ảnh: First News.

Tương giao hay tương tác có hàm ý là những tác động hoặc trao đổi thông tin với người khác, nói cách khác là khi hai người cùng truyền thông tin qua lại với nhau. Trên cơ sở đó, bác sĩ Tiến giải thích thêm: “Trong tâm lý học, đôi khi ta nghĩ ta không ổn nhưng thực chất lại là ổn trong tương giao với ai khác. Cũng vậy, ta không thể ổn nếu ta không ở trong tương giao cùng ai khác. Lý thuyết này không nhằm mê hoặc con người quên đi những tổn thương mà là để nhìn ra cái ổn ngay cả khi ta thấy không hề ổn".

Cuộc đối thoại của những cái tôi

TS Tâm thần học Berne tin rằng bên trong mỗi cá nhân là sự tồn tại phức hợp của nhiều thực thể riêng biệt, với từng khuôn mẫu hành vi, lời nói, hành động và quan điểm khác nhau về cuộc sống và về mối quan hệ với những người khác.

Những thực thể này được gọi là những “trạng thái cái tôi” (ego state) - khái niệm cốt lõi trong Phân tích Tương giao. Chúng bao gồm: Cái Tôi Cha Mẹ (Parents - P), Cái Tôi Người Lớn (Adult - A) và Cái Tôi Trẻ Em (Children - C), gọi tắt là PAC. Cái Tôi P, A hoặc C sẽ luôn trong trạng thái hòa quyện trong người mỗi chúng ta. Tại từng thời điểm, một trong những thực thể này sẽ nắm quyền kiểm soát và chi phối cảm xúc, hành động của mỗi người.

Trong cuốn sách mới được xuất bản với tựa đề Tôi ổn - Bạn ổn của bác sĩ tâm thần Thomas A. Harris, ông đã liệt kê ra bốn vị thế sống bao gồm:

“Tôi không ổn - Bạn ổn”: Vị thế sống tiêu cực đầu đời của số đông. Người sống ở vị thế này nhìn nhận bản thân kém cỏi, không có giá trị và phải liên tục tìm kiếm tương tác kích thích và sự công nhận từ người khác.

“Tôi không ổn - Bạn không ổn”: Xuất hiện ở những đứa trẻ bị bỏ rơi, không được chăm sóc. Trong vị thế này, Cái Tôi Người Lớn ngừng phát triển và cá nhân rơi vào trạng thái thu rút và tuyệt vọng.

“Tôi ổn - Bạn không ổn”: Harris gọi đây là vị thế của kẻ phạm tội, thường xuất hiện ở những đứa trẻ bị bạo hành nghiêm trọng. Người chấp nhận vị thế này không thể khách quan về bản thân và luôn đổ lỗi cho người khác. Họ “mù luân lý” và dễ sa vào các hành vi phạm tội.

“Tôi ổn - Bạn ổn”: Đây là vị thế được chọn bởi Cái Tôi Người Lớn lành mạnh, được giải phóng, là vị thế duy nhất đảm bảo cho hạnh phúc con người.

Hướng tới vị thế “Tôi ổn - Bạn ổn” cũng chính là mục đích của tác phẩm cũng như mọi cuộc trị liệu tâm lý. “Tùy vào hoàn cảnh mà chúng ta sẽ quyết định xem nên sử dụng Cái Tôi nào để tương tác với người khác. Chẳng hạn như khi vui chơi, giải trí, ta cần kích hoạt Cái Tôi C, hoặc khi chăm nom người khác là thời điểm lý tưởng để Cái Tôi P xuất hiện. Vì thế, không phải lúc nào để Cái Tôi A nắm quyền cũng là điều tốt", giảng viên tâm lý học Huỳnh Hiếu Thuận, đồng thời là dịch giả của cuốn sách giải thích thêm.

Toi on ban on anh 2

Cuốn sách Tôi ổn - Bạn ổn của bác sĩ tâm thần Thomas A. Harris do First News xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: F.N.

Từ chữa lành vết thương cho đến tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh

Hạnh phúc, theo một cách hiểu chung, luôn đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng có hiểu biết. Lý thuyết Phân tích Tương giao là không chỉ là một công cụ giúp chúng ta xác định lại nguyên nhân những tổn thương trong quá khứ, mà còn hướng dẫn ta điều chỉnh lại cái tôi của bản thân trong giao tiếp với người khác, nhất là trong nuôi dạy trẻ.

Tại buổi nói chuyện, không chỉ những người trẻ với các vấn đề tâm lý, những người đang nghiên cứu tâm lý, mà nhiều bậc phụ huynh cũng đến nghe cùng con.

Theo ông Ngô Minh Uy - chuyên viên tham vấn tâm lý - đây là một lý thuyết hữu ích trong công việc tư vấn tâm lý cũng như trong cuộc sống hàng ngày. “Tôi thấy rất vui khi có một buổi nói chuyện công khai về tâm lý trị liệu. Đây là một học thuyết được dùng rất nhiều. Phương pháp này được áp dụng rất nhiều trong việc nuôi dạy con cái, nhất là trong 6 năm đầu đời, trẻ con có xu hướng nhập tâm vào cái tôi của cha mẹ. Vì vậy cha mẹ cần lưu tâm đến cách mình cư xử, cần quân bình hơn để con cái trưởng thành tốt hơn. Còn nếu cha mẹ đàn áp, nói chung sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến con”, ông Ngô Minh Uy chia sẻ kinh nghiệm riêng.

Bên cạnh đó là những chia sẻ gần gũi, thực tế từ khán giả, cho thấy khả năng ứng dụng của học thuyết này trong trị liệu tâm lý và đời sống nhằm giúp các cá nhân gỡ bỏ gánh nặng “Tôi không ổn” từ tuổi thơ, hướng mọi người đến vị thế sống lành mạnh và tối ưu nhất - vị thế “Tôi ổn - Bạn ổn”.

Cuốn sách Tôi ổn - Bạn ổn là một nỗ lực của bác sĩ tâm thần Thomas A. Harris nhằm đại chúng hóa lượng kiến thức chuyên ngành của thuyết Phân tích Tương giao, sao cho mọi người đều có thể hưởng lợi từ học thuyết này.

Thông qua Tôi ổn - Bạn ổn, Thomas Harris giúp mỗi người đọc thấu hiểu phần nhân cách dễ bị tổn thương của mình, thứ có nguồn gốc từ những trải nghiệm tiêu cực đầu đời. Ông cũng chỉ cho cách vượt lên trên quá khứ để sống với thực tại mới với lòng tự tin, niềm vui trong trẻo, và khả năng kết nối thân mật với người khác lẫn hạnh phúc đích thực.

Tâm lý con người trong cuộc sống hiện đại

Xã hội càng phát triển, con người càng gặp nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, hành vi, cách ứng xử của con người.

Cuốn sách tâm lý học giúp tự chữa lành

Trong cuốn “Tôi ổn - Bạn ổn”, bác sĩ tâm thần Thomas Harris lý giải nguồn gốc của những hành vi tiêu cực, đồng thời giúp hàng triệu người chưa bao giờ thấy mình ổn trở nên ổn hơn.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm