Tâm lý học xã hội là ngành khoa học quan trọng hiện nay. Ảnh: NeuroTray. |
Cuốn Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện là công trình nghiên cứu đồ sộ của GS.TS. Knud S. Larsen và PGS.TS Lê Văn Hảo. Ấn phẩm ra đời nhằm đóng góp những kiến thức căn bản, góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc sống hiện đại mang tới cho mỗi chúng ta. Tác phẩm được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản.
Ngày nay, tâm lý học xã hội là một ngành khoa học tương đối mới mẻ nhưng có vai trò quan trọng đối với cộng đồng. Nó đóng góp những tri thức sâu sắc về tác động lâu dài của ảnh hưởng xã hội, các mối quan hệ và quá trình tư duy đối với tâm lý, hành vi hay cách ứng xử của một người.
Ví dụ, hành vi của chúng ta trước mỗi tình huống nảy sinh ra sao? Các quyết định được đưa ra dựa hoàn toàn vào tình huống đó hay có sự ảnh hưởng từ cách tư duy, suy nghĩ của mỗi chúng ta về tình huống đó?
Sách Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: Thành Đông. |
Nhìn rộng hơn, tâm lý học xã hội là ngành khoa học chuyên nghiên cứu tác động của các mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau, từ cách một người nghĩ về người khác tới sự ảnh hưởng của họ tới người khác và cả cách mà chúng ta chịu ảnh hưởng của bên ngoài. Trong nhiều năm qua, các nhà tâm lý học xã hội thu thập, tích lũy, nghiên cứu hàng trăm nghìn công trình khác nhau.
Họ nhìn nhận vấn đề dựa trên tình hình khách quan (chiến tranh hay hòa bình, có xuất hiện đại dịch, thảm họa gì hay không). Rồi nhìn nhận chúng dựa trên góc độ cá nhân trong các tình huống cụ thể. Như vậy, chúng ta sẽ có được cái nhìn bao quát về cách một người ứng phó với hoàn cảnh - hay nói cách khác, hoàn cảnh ảnh hưởng thế nào tới mỗi cá nhân.
Từ cách tiếp cận tổng thể, cuốn sách là sự khái quát về chuyên ngành tâm lý học, sự nhìn nhận về cái tôi từ góc độ văn hóa và xã hội, sự hấp dẫn và các mối quan hệ từ gắn bó đầu đời đến tình yêu lứa đôi, đến cách con người nhận thức về xã hội như thế nào…
Như vậy, ảnh hưởng xã có thể coi là một trong những yếu tố quyết định tới hành vi và thường tập trung vào các vấn đề mang nhiều áp lực. Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng trong tư duy xã hội gồm có thái độ, niềm tin của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với hành vi.
Thực tế, tư duy xã hội có thể được mỗi người xác định thông qua quá trình nhận thức bản thân (cái tôi cá nhân, bản ngã) và cách chúng ta nhận thức về xã hội, về người khác. Từ đó, tâm lý học xã hội hiện đại ngày càng tập trung nhiều vào việc cố gắng khám phá hành vi và lòng vị tha.
Mặt khác, một số nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội cũng tập trung những yếu tố gây ra sự hấp dẫn giữa các cá nhân, ví dụ tầm quan trọng của sự tương đồng về xuất thân hay nguồn gốc.
Như vậy, tâm lý học xã hội đáp ứng một nhu cầu cơ bản của con người là hiểu và lý giải hành vi. Từ đó giúp cho cuộc sống thoải mái, tích cực và nhân văn hơn. Và tư duy xã hội - ở một mức độ rất lớn - quyết định mối quan hệ của chúng ta với những con người khác nhau cũng như hành vi của chúng ta đối với các nhóm khác nhau.