Lu Lin, nhà tâm lý học ở Vũ Hán, tâm dịch virus corona, đã vô cùng xúc động khi nhận được cuộc điện thoại từ một y tá địa phương vào cuối tháng trước. Người gọi đã khóc nức nở khi gọi đến đường dây nóng hỗ trợ tâm lý do cô Lin và các đồng nghiệp tình nguyện thành lập. Ảnh: China Daily. |
Nữ y tá kể rằng ngày hôm trước, 3 bệnh nhân nhiễm virus corona trong khu vực cô phụ trách đã chết. Cô nói hàng ngày, cô phải mặc quần áo bảo hộ ít nhất 10 tiếng và nó khiến cô khó cử động. Khu vực cách ly của cô bị ngắt kết nối với thế giới bên ngoài. Các thi thể nạn nhân chưa có ai chuyển đi. Và điều tệ hơn là vài đồng nghiệp của cô đã bị nhiễm bệnh. Ảnh: Xinhua. |
Các nhà tâm lý học cho biết mọi người đã bị ảnh hưởng tâm lý khi số lượng các ca nhiễm bệnh và chết vì dịch tăng lên ở toàn Trung Quốc kể từ cuối tháng 1. Họ có thể đã phải trải qua cảm giác đau khổ tột độ, bị chấn động hay gặp các vấn đề về tâm thần nghiêm trọng khác, theo China Daily. Ảnh: Nikkei. |
Trong đó, có các nhân viên y tế tuyến đầu, những người phải chịu căng thẳng về thể chất và tinh thần một cách khủng khiếp. Những bệnh nhân run rẩy sợ hãi, những người nghi nhiễm bị cách ly, và thậm chí, cả những người phải đối mặt với sự chỉ trích công khai của cộng đồng. Ảnh: Reuters. |
Bác sĩ Wang Yong với gương mặt hằn lên dấu tích của chiếc khẩu trang vừa tháo ra sau ca làm việc ở khu cách ly ở bệnh viện tại Vũ Hán. Những dấu vết như vậy là điều được bắt gặp thường xuyên trên ở những bác sĩ đang làm việc hết mình ở tâm dịch. Ảnh: Xinhua. |
Nhiều nhà tâm lý học Trung Quốc cả trong và ngoài nước đã nhận thức được những tình huống khó khăn này và vào cuộc trợ giúp kịp thời. Họ dành sự quan tâm đặc biệt cho các nhân viên y tế tiền tuyến, những người phải chạy đua với thời gian để chiến đấu với bệnh tật và cái chết. Ngoài các nhân viên y tế ở Vũ Hán là hơn 11.900 y bác sĩ từ khắp Trung Quốc và các khu vực lân cận đổ về hôm 9/2. Ảnh: China Daily. |
Liu Hongye, bác sĩ tâm thần của Bệnh viện Đồng Tế thuộc Đại học Đồng Tế (Thượng Hải), cho biết các bác sĩ và y tá kiệt sức đang làm việc nhiều giờ hơn và không được nghỉ ngơi để hồi sức. Một số đã cảm thấy bế tắc và bất lực vì thiếu nguồn cung vật dụng y tế và quần áo bảo hộ. Ảnh: Xinhua. |
“Họ (các nhân viên y tế) đã ở trong những bộ quần áo như vậy, cho thấy sự chuyên nghiệp và nỗ lực hết mình để cứu người. Thế nhưng, suy cho cùng, họ cũng chỉ là một nhóm những người bình thường như tôi và các bạn”, bác sĩ Hongye nói. Ảnh: China Daily. |
Zhang Wenhong, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan, trước đây là Bệnh viện Đa khoa Chữ thập đỏ Trung Quốc (Thượng Hải), phụ trách nhóm chuyên gia ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong thành phố, cho biết phải can thiệp tâm lý ngay lập tức cho nhân viên y tế tuyến đầu và bệnh nhân. Ảnh: Reuters. |
Vào ngày 27/1, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ban hành một hướng dẫn, yêu cầu các tỉnh và thành phố tổ chức tư vấn và can thiệp tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Getty. |
Lin Zi, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tâm lý Thượng Hải, cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thành lập một hệ thống để giải quyết khủng hoảng tâm lý, phối hợp với các cơ quan y tế cộng đồng và các bác sĩ chuyên ngành là vô cùng quan trọng. Ảnh: Getty. |
Ngoài ra, sự phối hợp của chính quyền và người dân cũng rất quan trọng, theo ông Lin. Ông đã lập ra nhóm khoảng 30 người, gồm 13 chuyên gia nước ngoài, để hỗ trợ những người cần tư vấn tâm lý qua mạng. Ảnh: AP. |
Ge Hui, tình nguyện viên phụ trách đường dây nóng được thiết lập bởi nhà tâm lý học Lin Zi, tập trung trả lời một cuộc gọi tìm kiếm tư vấn. Ảnh: China Daily. |
Trước khi hướng dẫn của NHC được ban hành, nhiều nhà tâm lý học đã hỗ trợ tư vấn miễn phí. Vào ngày 25/1, ngày Tết Nguyên đán, khoảng 400 nhà tâm lý học đã tư vấn qua đường dây nóng điện thoại, WeChat và các địa chỉ mạng khác. Ảnh: China Daily. |
Yu Lingna, nhà tâm lý học Trung Quốc ở Nhật Bản, đã kêu gọi 70 đồng nghiệp hỗ trợ WeChat cho khoảng 300 người, chủ yếu là các bác sĩ, y tá và bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus corona ở các thành phố bị phong tỏa khi dịch bệnh bùng phát. “Nhờ có Internet, chúng tôi có thể trợ giúp suốt ngày đêm và không cần đi đến một địa điểm cụ thể”, Yu nói. Ảnh: China Daily. |
Bên ngoài phòng tư vấn tâm lý tại Bệnh viện số 3 thành phố Vũ Hán, có một bức tường để các y bác sĩ có thể viết lên những lời chúc tốt đẹp. Các nhà tâm lý cũng đang tìm cách chia sẻ các video và âm nhạc để giúp mọi người giải tỏa căng thẳng giữa tâm dịch. Ảnh: China Daily. |