Các quan chức ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, kiểm tra tin nhắn bằng ChatGPT tại tòa thị chính hôm 20/4. Ảnh: Kyodo. |
Thông cáo báo chí trên trang web của chính quyền Yokosuka cho biết tất cả nhân viên trong văn phòng thành phố có thể sử dụng ChatGPT để “tóm tắt câu, kiểm tra lỗi chính tả và nghĩ ý tưởng”, CNN đưa tin ngày 21/4.
Cuộc khủng hoảng dân số trên toàn quốc là một yếu tố khiến thành phố này cân nhắc triển khai sử dụng ChatGPT.
“Khi dân số ngày càng giảm, số lượng nhân viên cũng có hạn. Tuy nhiên có rất nhiều thách thức về mặt quản lý”, Takayuki Samukawa, đại diện của bộ phận quản lý kỹ thuật số thành phố Yokosuka, nói với Japan Times.
Dân số Nhật Bản đã giảm trong nhiều năm. Gần đây, lãnh đạo nước này cảnh báo Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Thành phố Yokosuka cũng không phải ngoại lệ. Theo trang web của chính phủ, thành phố hiện có 376.171 người và dân số dự kiến tiếp tục giảm.
Do đó, Yokosuka đã thúc đẩy việc sử dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả và thiết lập quy trình làm việc tốt hơn trong các hoạt động của chính phủ.
Khi công cụ này thực hiện các thao tác máy móc, “nhân viên có thể tập trung vào công việc mà chỉ con người mới có thể làm được, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận mang lại hạnh phúc cho công dân”, thông cáo cho biết thêm.
Phía cuối thông cáo là dòng chữ: “Văn bản này do ChatGPT soạn thảo và nhân viên của chúng tôi đã đọc lại”.
Tuy nhiên, không phải chính phủ nào cũng chào đón ChatGPT. Đã có nhiều lo ngại về dữ liệu cá nhân, khiến các nhà quản lý của Italy ban lệnh cấm tạm thời đối với chatbot này vào tháng 3.
Một số công ty lớn, bao gồm cả JPMorgan Chase, cũng hạn chế việc sử dụng ChatGPT do lo ngại về việc nhân viên sử dụng phần mềm của bên thứ ba.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản
Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.
Độc giả có thể đọc thêm tại đây.