Trên đường đi công vụ vào tối 8/9, ông Simon Walker chợt nghe tin dữ: Nữ hoàng Elizabeth II đã băng hà. Ông cảm thấy cả một thời đại đã kết thúc cùng với sự ra đi của nữ hoàng.
“Cũng như mọi người khác ở Anh, tôi cảm thấy nỗi buồn rất lớn. Nữ hoàng đã là nữ hoàng từ trước cả khi tôi ra đời và đó cũng là thực tế đối với 8 trên 10 người ở Anh hiện nay”, ông Walker nói với Zing chiều 9/9 (giờ Hà Nội).
Ông Simon Walker. Ảnh: UK Government. |
Ông Walker, Giám đốc Cơ quan Phòng vệ thương mại Anh, từng là cựu thư ký truyền thông của cố nữ hoàng trong năm 2000-2002. Ở vị trí này, ông từng tham gia lên kế hoạch tổ chức Đại lễ Vàng kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2002.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng ông Walker vẫn nhớ rõ những kỷ niệm với Nữ hoàng Elizabeth II. Được làm việc với nữ hoàng là một đặc ân, ông nói.
“Kể cả khi có khó khăn, một trong những điều phi thường nhất của nữ hoàng là việc bà ấy đôi khi sẽ là người duy nhất trong phòng giữ được sự bình tĩnh”, ông Walker chia sẻ với đài RNZ. Nữ hoàng Anh sẽ còn được nhớ đến rất lâu, ông nói.
Hoảng loạn trong lần đầu gặp nữ hoàng
- Ông từng là thư ký truyền thông của nữ hoàng Anh, giai đoạn 2000-2002. Lần đầu gặp nữ hoàng, ông có cảm xúc thế nào?
- Ấn tượng đầu tiên của tôi với nữ hoàng là khi tôi được phỏng vấn cho chính vị trí thư ký truyền thông.
Tôi nhớ là nữ hoàng đã rất cố gắng để giúp tôi được thoải mái trong khi tâm trí tôi đang hoảng loạn. Đó là cảm xúc mà bất cứ ai cũng sẽ có khi đứng trước nữ hoàng và đương nhiên nỗ lực của bà ấy đã không thành công. Tôi vẫn thấy khá lo lắng.
Tôi còn nhớ rằng trước khi trao đổi, nữ hoàng có hỏi tôi rằng liệu tôi có phiền không nếu đứng để phỏng vấn, vì bà vừa phải ngồi liên tục 3 tiếng để làm mẫu cho họa sĩ vẽ tranh. Tôi rất nhớ kỷ niệm ấy.
Tôi cũng nhớ là nữ hoàng biết rất rõ về con người và xuất thân “tứ xứ” của tôi. Tôi vốn sinh ra ở Nam Phi, sau đó lại sống nhiều năm ở New Zealand - hai quốc gia cùng thuộc khối Thịnh vượng chung Anh.
Đó là ký ức của tôi về cuộc gặp đầu tiên với nữ hoàng Anh. Tôi bị ấn tượng vì bà là con người nồng hậu, cảm thông và rất vui tính.
Nữ hoàng Elizabeth II cùng Hoàng tế Philip vẫy tay chào đám đông từ ban công Điện Buckingham sau lễ đăng quang năm 1953. Ảnh: Hulton Archive. |
- Đó là kỷ niệm về cuộc gặp đầu tiên của ông với nữ hoàng. Vậy ông cảm thấy thế nào khi làm việc với bà?
- Tôi cảm thấy bà ấy là một người phụ nữ có trí tuệ phi thường và có sự nhận thức rõ ràng về cộng đồng người dân Anh. Nữ hoàng hiểu cách người dân nghĩ, cũng như điều gì có thể lôi cuốn họ. Bà xem công việc của mình là trọng trách đối với đất nước.
Thái độ ấy đã giúp truyền cảm hứng cho bất cứ ai làm việc với bà. Tôi cho rằng mọi người làm việc cho nữ hoàng đều cảm giác như được tiếp thêm động lực từ một nhà lãnh đạo vĩ đại và xuất chúng, đồng thời cũng là con người hòa nhã và ân cần.
Nhân vật của sự đoàn kết
- Vậy trong hai năm làm thư ký truyền thông cho nữ hoàng, ông đã có những dấu ấn nào khác về người phụ nữ ấy?
Nữ hoàng đã giúp tôi được thoải mái trong khi tâm trí tôi đang hoảng loạn.
Ông Simon Walker
- Đối với tôi, thời điểm đáng nhớ nhất là khi tôi giúp lên kế hoạch Đại lễ Vàng kỷ niệm 50 năm trị vì của nữ hoàng Anh, tức là vào 20 năm trước.
Nữ hoàng khi ấy rất đỗi mong muốn lễ kỷ niệm này cần đa dạng, có sự tham gia của toàn bộ cộng đồng người dân nước Anh, bất kể tôn giáo, sắc tộc hay xuất thân.
Từ đó, chúng tôi lên kế hoạch tổ chức buổi nhạc hội ở Điện Buckingham và mời người dân Vương quốc Anh tới tham dự. Nữ hoàng đã rất sẵn sàng làm điều mà chưa bao giờ có ai làm trước đó, đó là việc mời số lượng lớn người tới tham gia.
Cuối cùng, tôi nhớ là có 25.000 người đã đặt chân vào nhà riêng của nữ hoàng. Hành động này của bà mang tính biểu tượng rất lớn vì nó tạo ra cảm giác cộng đồng chung.
Nữ hoàng Elizabeth II thực sự là nhân vật đại diện cho sự đoàn kết tại một đất nước vẫn thường hay chia rẽ. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ rất nhớ hình ảnh của bà.
Gia đình hoàng gia tại Điện Buckingham vào năm 1972. Từ trái sang phải: Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Philip, Nữ hoàng Anh, Hoàng tử Edward và Hoàng tử Charles. Ảnh: Hulton Archive. |
- Ông có cảm xúc ra sao khi nghe tin nữ hoàng đã băng hà?
- Cũng như mọi người khác ở Anh, tôi cảm thấy nỗi buồn rất lớn. Nữ hoàng đã là nữ hoàng từ trước cả khi tôi ra đời và đó cũng là thực tế đối với 8 trên 10 người ở Anh hiện nay.
Nữ hoàng Elizabeth II thực sự là nhân vật đại diện cho sự đoàn kết tại một đất nước vẫn thường hay chia rẽ.
Ông Simon Walker
Như những gì Thủ tướng Liz Truss đã nói hôm qua, nữ hoàng thật sự là tảng đá làm nền tảng xây dựng nước Anh ngày nay. Tôi nghĩ mọi người đều có cảm giác như sự kết thúc của một thời đại và đó đúng là một dịp rất buồn.
Nhưng đồng thời chúng ta cũng cần biết ơn một thực tế là bà ấy đã sống tới 96 tuổi, một điều rất phi thường. Bà ấy đã là nữ hoàng trong 70 năm qua.
Vì thế, ngoài việc cảm thấy buồn trước sự ra đi của nữ hoàng, tôi cho rằng ta cũng nên ăn mừng khoảng thời gian tốt đẹp mà bà ấy đã đem lại, đồng thời ngóng trông thời đại mà Vua Charles III, con trai cố nữ hoàng, sẽ khai phá.
Chúng ta hãy tích cực về viễn cảnh trước mắt trong lúc tiếc thương sự ra đi của một người phụ nữ xuất chúng.
Nữ hoàng Elizabeth II và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Điện Buckingham. Chuyến thăm cấp nhà nước của ông gây tranh cãi dữ dội với hàng nghìn người biểu tình ở London. Ảnh: AP. |
Giữ trọn lời hứa năm 21 tuổi
- Ông đánh giá ra sao về sự trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II - người vốn không được cho là sẽ nối ngôi? Nước Anh đã thay đổi như thế nào dưới sự trị vì của bà?
- Việc bà trở thành nữ hoàng khá bất ngờ. Bác của bà, Vua Edward VIII, đã thoái vị và sau đó bố của bà qua đời ở tuổi 52 tương đối trẻ. Công chúa Elizabeth đã trở thành nữ hoàng khi chỉ mới 25 tuổi.
Nhưng bà ấy đã tạo ra chỗ đứng cho chính mình bằng nhiều cách, như việc bà từ trước đã suy nghĩ xem mình sẽ hành động ra sao nếu thật sự trở thành nữ hoàng.
Sự ra đi của nữ hoàng quả thực là cái kết của cả một thời đại.
Ông Simon Walker
Trong ngày sinh nhật 21 tuổi, Nữ hoàng Elizabeth II, khi ấy còn là công chúa, đã có bài phát biểu khẳng định rằng cả đời bà, dù ngắn hay dài, đều sẽ dành cho phụng sự người dân.
Nữ hoàng đã thực hiện lời hứa ấy với 70 năm cống hiến cho người dân của nước Anh, của khối Thịnh vượng chung và cộng đồng quốc tế.
Trong khoảng thời gian đó, mọi thứ đã trải qua thay đổi rất lớn. Nữ hoàng Elizabeth II là con người thận trọng và bà không tin vào những sự thay đổi đột ngột.
Dù vậy, bà đã thích ứng rất tốt trước hoàn cảnh đang ngày một đổi khác, cũng như trước cái cách mà nước Anh dần trở nên rất đa dạng, với hơn 2/3 người dân ở London, như tôi, không sinh ra tại đây mà xuất thân từ khắp nơi trên thế giới.
Đó là điều mà bà ấy luôn thích ứng theo những cách tốt đẹp nhất để đưa mọi người gần sát lại với nhau. Nữ hoàng Elizabeth II là một nhân vật đại diện cho sự đoàn kết.
Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ tang của Hoàng thân Philip. Ảnh: AFP. |
- Có ý kiến cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II là vị quân vương chưa từng phạm một sai lầm nào trong thời gian trị vì 70 năm. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Nữ hoàng là người rất khiêm nhường và tôi không cho rằng bà ấy sẽ tự nhận mình chưa bao giờ phạm sai lầm. Nhưng trong suốt chiều dài giai đoạn trị vì của nữ hoàng, bà đã nhất quán thể hiện khả năng lãnh đạo cũng như sự tử tế với con người.
Nữ hoàng đã thể hiện khả năng lãnh đạo phi thường và gần như không có khiếm khuyết. Sự ra đi của bà quả thực là cái kết của cả một thời đại và nữ hoàng sẽ được nhớ tới rất lâu.
Chúng ta hãy hy vọng rằng Vua Charles III sẽ là một vị vua tốt. Ông ấy cần lấp đầy một khoảng trống rất lớn vì thân mẫu của ông là vị quân vương phi thường trong lịch sử nước Anh.