Tài khoản Twitter của tờ Washington Post (Mỹ) đăng ảnh chân dung đen trắng của nữ hoàng lúc bà đang mỉm cười.
“Trong thời gian trị vì của mình, Nữ hoàng Elizabeth là một nhân vật kiên định và đáng trông cậy ở Anh, cũng như trên trường thế giới khi giúp lãnh đạo đất nước trải qua một thời kỳ thay đổi sâu sắc về quyền lực địa chính trị và bản sắc dân tộc”, tờ báo này cho biết.
Hình ảnh của nữ hoàng Anh được đăng tải trên tờ Washington Post. Ảnh: Washington Post. |
Trang nhất của New York Times (Mỹ) cho biết nữ hoàng Anh đã “thể hiện sự ổn định trong thời điểm nước Anh có nhiều thay đổi đáng kể”. Một bức ảnh của Nữ hoàng Elizabeth với vẻ trầm ngâm cũng xuất hiện trên trang nhất của tờ báo này.
Tờ báo này nhận định những năm cầm quyền của bà “là một khoảng thời gian đầy biến động”. Bà tìm cách xây dựng và bảo vệ hoàng gia như một pháo đài trường tồn hiếm có giữa một thế giới chứng kiến nhiều giá trị đang thay đổi, tờ báo cho biết thêm.
Tờ Globe and Mail (Canada) giới thiệu một mục kỷ niệm đặc biệt có tựa đề "Tưởng nhớ nữ hoàng của chúng ta”, trong đó đề cập đến vai trò của bà trong việc củng cố “mối quan hệ đặc biệt” của các quốc gia và suy đoán về tương lai của chế độ quân chủ với Vua Charles là người đứng đầu.
Trang nhất của tờ New York Times sau sự ra đi của nữ hoàng Anh. Ảnh: New York Times. |
The Australian (Australia) đã đăng với một bức ảnh nữ hoàng đang vẫy tay, cùng với dòng chữ "Vĩnh biệt, nữ hoàng cao quý của chúng ta". Trong một bài báo bên dưới, tờ báo này cho biết tin tức về cái sự ra đi của bà đã mang đến "nỗi buồn sâu sắc" ở Australia và khắp khối Thịnh vượng chung.
Phó Tổng biên tập Tony Wright của Sydney Morning Herald đã kêu gọi độc giả chào đón Vua Charles III.
Bên cạnh đó, các bản tin tức buổi sáng và báo chí Nhật Bản cũng thông báo về sự ra đi của nữ hoàng Anh.
Tờ Asahi Shimbun đã điểm lại những nỗ lực của nữ hoàng trong việc hàn gắn vết thương trong Thế chiến II, ghi nhận mối quan hệ “sâu sắc” giữa hoàng gia Anh và hoàng tộc Nhật Bản. Cựu Nhật hoàng Akihito đã đến thăm Vương quốc Anh khi còn là thái tử vào năm 1953, một năm sau khi nữ hoàng lên ngôi.
“Bà ấy quan tâm đến sự hòa giải giữa hai quốc gia sau chiến tranh và tạo dựng một mối quan hệ thân thiết kéo dài gần 70 năm”, tờ báo này cho biết.
Marc Roche, phóng viên thường trú của tờ Le Monde ở London, nhận định nữ hoàng Anh còn hơn cả một vị quân vương.
“Bà ấy cũng là một biểu tượng. Dưới sự trị vì của bà, Vương quốc Anh chứng kiến niềm vui thành công và nỗi đau thất bại, chứng tỏ rằng chế độ quân chủ có thể là sợi dây kết nối giữa trật tự cũ và trật tự mới chưa được hình thành", ông viết trên tờ nhật báo Pháp.