Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giống Mourinho, Solskjaer, Ten Hag cũng là nạn nhân ở MU

Erik ten Hag đang trải qua vòng đời HLV rất giống những người cũ của Manchester United như Louis van Gaal, Jose Mourinho hay Ole Gunnar Solskjaer.

MU tồn tại quá nhiều vấn đề.

Một thập niên qua, vòng đời của các HLV dẫn dắt MU sẽ là: Mang đến những hy vọng và đôi khi cả danh hiệu ở mùa giải đầu tiên. Sau đó họ vật lộn với những vấn đề cố hữu và giật lùi ở mùa giải tiếp theo. Khi thành tích trên sân cỏ bất ổn, những tin đồn về việc các HLV mất kiểm soát phòng thay đồ được rò rỉ trên truyền thông. Điểm đến cuối cùng của các chiến lược gia này là trát sa thải từ ban lãnh đạo "Quỷ đỏ".

Quyết định tranh cãi

Ten Hag dường như cảm thấy bất an. Quyết định cấm cửa với 4 cơ quan truyền thông lớn của MU mới đây chỉ khiến người ta thêm tin rằng những rò rỉ vừa qua là có thật. Ban lãnh đạo MU lý giải việc cấm cửa với Sky Sports, Mirror, ESPNManchester Evening News xuất phát từ việc họ đã không liên lạc với CLB mà tung tin trước về tình hình đội bóng. 4 đơn vị này tiết lộ hơn một nửa cầu thủ MU không còn ủng hộ Ten Hag về phương pháp tập luyện và cách quản trị đội bóng.

Quyết định này gây tranh cãi bởi ngay cả Mourinho hay Van Gaal, trong thời điểm giận dữ nhất với truyền thông Anh, cũng không làm như Ten Hag hiện tại. Ban lãnh đạo MU có lẽ học theo Sir Alex Ferguson, người cũng từng tẩy chay những nhà báo hay đơn vị truyền thông ông không thích. Nổi tiếng nhất có lẽ là việc Sir Alex tẩy chay BBC từ năm 2006. Trước và sau đó, chiến lược gia người Scotland cũng cấm cửa và dọa nạt nhiều phóng viên của các tờ báo hàng đầu Anh quốc.

Sam Wallace, người hai lần bị Sir Alex cấm tham dự các buổi họp báo của MU, cho rằng HLV người Scotland khi đó đơn giản chỉ muốn phô bày quyền lực. Ferguson cấm báo chí vì ông biết mình có thể dễ dàng thoát khỏi hậu quả của việc đó. Ông là người có quyền lực tuyệt đối ở sân Old Trafford và không ai dám thách thức ghế của chiến lược gia này.

Ten Hag không có được uy quyền đó như Sir Alex. Ngay cả Mourinho, Van Gaal hay Solskjaer cũng hiểu quyền lực thật sự của họ trong cuộc chiến với phòng thay đồ Manchester United. Mourinho hơn một lần ám chỉ rằng ông không nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo đội bóng khi đương đầu với Paul Pogba hay Anthony Martial.

Solskjaer sau khi bị sa thải cũng tiết lộ rằng trong giai đoạn cuối huấn luyện "Quỷ đỏ", có nhiều cầu thủ chơi dưới sức. Gary Neville từng nói rằng ông phát ngán với việc các cầu thủ MU luôn rò rỉ tin tức bất lợi cho HLV khi có mâu thuẫn nào đó xảy ra.

Những tin đồn về việc Ten Hag mất sự ủng hộ từ các cầu thủ được phát tán trên truyền thông chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau khi MU thua 0-1 trên sân Newcastle ở vòng 14 Ngoại hạng Anh. Tại cuộc đối đầu trên sân St. James' Park đó, Ten Hag tranh cãi với Martial, chứng kiến Marcus Rashford thi đấu một cách hời hợt và vô trách nhiệm.

Ten Hag anh 1

Rashford bị nghi ngờ về thái độ thi đấu.

Rashford và Martial nằm trong số những cầu thủ có thâm niên nhất ở MU hiện tại. Không có gì bất ngờ nếu những cầu thủ này bắt đầu cảm thấy bất mãn với chiến lược gia người Hà Lan, y hệt cách họ từng phản ứng với Mourinho hay Solskjaer. Ten Hag đơn giản chỉ là nạn nhân, và đang nỗ lực vùng vẫy để thoát khỏi vòng lặp quen thuộc mà các HLV MU rơi vào.

Sự hỗn loạn khó kết thúc

Kỷ luật và nề nếp là thứ Ten Hag nhiều lần đề cập đến kể từ khi bắt đầu dẫn dắt "Quỷ đỏ". Với phương châm đó, cựu thuyền trưởng Ajax được ủng hộ trong cuộc chiến với Cristiano Ronaldo hay Jadon Sancho. Nhưng sự ủng hộ mà HLV người Hà Lan nhận được còn cộng hưởng từ những kết quả khả quan trên sân cỏ. Khi thành tích bóng đá đi xuống, mọi thứ tệ hơn với Ten Hag.

Vấn đề được đặt ra với MU lúc này không chỉ là tìm ra những kẻ tuồn tin, hay cấm cửa các đơn vị truyền thông đưa tin bất lợi cho HLV và đội bóng. Khi một vấn đề được lặp đi lặp lại với nhiều HLV khác nhau, lỗi chắc chắn nằm ở ban lãnh đạo đội bóng. Nhà Glazer và đội ngũ quản lý cấp cao ở Old Trafford đã làm ngơ quá lâu với những vấn đề về kỷ luật của "Quỷ đỏ".

Nemanja Matic nói rằng khi anh thi đấu ở MU, rất nhiều cầu thủ có thói quen tập luyện trễ (điển hình như Pogba hay Sancho), điều khác hoàn toàn so với thời tiền vệ này khoác áo Chelsea. Thái độ kiểu đó thật khó để chấp nhận ở bất cứ CLB chuyên nghiệp nào trên thế giới, chứ chưa nói đến một đội bóng lớn như MU.

Vấn đề của MU hiển nhiên nằm ở nhà Glazer, nằm ở văn hóa bóng đá đã đứt gãy trong suốt một thập niên qua, kể từ thời điểm Sir Alex giải nghệ. Tham vọng lập lại kỷ cương và nề nếp cho MU của Ten Hag là cần thiết, nhưng ông chưa ở một vị thế có thể thách thức tất cả. Nếu phòng thay đồ MU thật sự nể phục và e ngại cựu thuyền trưởng Ajax, đã không có tin một nửa đội hình "Quỷ đỏ" bất mãn với HLV người Hà Lan.

Sự hỗn loạn hiện tại ở MU khó kết thúc, ngay cả khi 4 đơn vị truyền thông đưa tin bất lợi cho CLB đã bị cấm. Tin tức rồi sẽ được lan truyền theo cách này hay cách khác. Bóng đá và xã hội hiện đại không còn giống như 10 hay 20 năm trước, thời điểm Sir Alex còn ở đỉnh cao quyền lực. Ten Hag phải đối phó với những vấn đề ở MU theo một cách khác, nếu không muốn bị sa thải sớm.

Nếu thua Chelsea, Ten Hag có bay ghế? Nhà báo Jamie Jackson của Guardian cho rằng BLĐ Man Utd vẫn tin tưởng Erik ten Hag, bất chấp kết quả trận gặp Chelsea ra sao.

Bellingham là hoàng tử mới của bóng đá châu Âu

Nhiều người từng sốc khi chứng kiến Birmingham treo vĩnh viễn số áo của Jude Bellingham ở tuổi 17. Ba năm sau, công chúng phần nào hiểu được quyết định đó.

MU đối mặt cuộc nổi loạn tồi tệ nhất

Erik ten Hag cần giải quyết cuộc khủng hoảng phòng thay đồ nghiêm trọng nhất kể từ khi ông đến làm việc tại Old Trafford.

Những cuốn sách đáng đọc về Ngoại hạng Anh

Mục Thể thao xin giới thiệu tủ sách về Ngoại hạng Anh, cung cấp cho độc giả thông tin về những biểu tượng của giải đấu, các chức vô địch, và những khoảnh khắc đáng nhớ của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm