Người ở Tràng An lâu đời, khi phải nói về phương ngữ vùng mình thì hiếm hoi dùng chữ “tiếng”, cho dù họ vẫn dùng “tiếng miền Trung”, “tiếng miền Nam” hoặc “tiếng Sài Gòn”. Cách nói quen thuộc nhất vẫn là “giọng Hà Nội”.
Từ điển tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học giải thích. “Tiếng là cái mà tai có thể nghe được. Là lời bàn tán chê khen, sự đánh giá trong dư luận xã hội nói chung”. Còn “giọng” là “Cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thị tình cảm thái độ nhất định”.
Nôm na thì “giọng” mang một sắc thái tâm lý sâu xa, chủ quan cụ thể trữ tình hơn “tiếng”. Có phải vậy chăng mà những phố cổ quanh hồ Gươm, vừa không dài vừa đan xen quấn quýt nên đều mang giọng “biểu thị tình cảm thái độ” hao hao như nhau.
Sắc sảo kiêu bạc, đôi khi mặn tục vỉa hè, rất đặc trưng cho một kiểu thị dân. Bởi đa phần bọn họ đều đảm đang tần buôn tảo bán, hoặc không thì cũng sinh trưởng từ một gia đình có truyền thống kinh doanh.
Các bà các cô thâm niên ngồi chợ Đồng Xuân, Hàng Bè, Hàng Da, lúc gặp khách hàng ngô nghê mặc cả “dở hơi” vào những buổi tinh mơ mở hàng thì nhất loạt đều có kiểu nói “mát” như mắng. “Hàng thế này mà em trả như thế, vậy bảo chồng thuê tắc xi về quê mua nhé”.
Câu chữ đại loại thường đáo để, đanh đanh điêu luyện hay vô cùng. Hoặc chỉ cần sáng sớm thử đi dưỡng sinh một vòng Bờ Hồ thì biết. Hai thiếu phụ sồn sồn beo béo, cách ăn mặc đồ thể thao rồi cách vung tay, phong khí đặc sệt tiểu thương chợ Đồng Xuân.
Lúc đi tập thể dục ngược chiều ngang qua nhau thì một chị tỏ vẻ sởi lởi hỏi thăm “Này, tối qua muộn thế mà hai ông bà vẫn ka ra ô kê dữ dội nhỉ”. Chị kia đệm một câu khá tục, đáp. “Ôi giời, chấp làm gì. Cãi nhau với thằng say như vay không trả”. Kèm sau tiếp là một loạt những lời mát mẻ, lồng lộng thổi suốt cả bốn họ đằng nhà chồng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels. |
Tất nhiên, giọng phố của Hà Nội, ngoại trừ thấp thoáng những dung tục thị dân, thì âm điệu chủ yếu vẫn là nhân văn đằm thắm mạch lạc tinh tế. Có phải vậy chăng mà gần đây, nhiều người tranh cãi đòi giọng phát thanh viên của đài truyền hình trung ương nên là giọng chuẩn thủ đô.
Đúng sai hay dở thì chưa biết, chỉ biết “giọng Hà Nội” đương nhiên quyến rũ khó tả. Hoặc mỏng manh như lời tỏ tình của một cặp đôi đang yêu, ngọt ngào hôn nhau ở góc phố vắng. Hoặc buồn bã xúc động như tiếng sấu rụng đêm hè. Hoặc bảng lảng thiêng liêng trầm kính như tiếng chuông chùa hay tiếng chuông nhà thờ vào lúc tang tảng sớm.
Giọng của phố còn thì Hà Nội còn. Một nghìn năm trước đã vậy và cả nghìn năm sau vẫn vậy.