Mạng tin Yomiuri ngày 21/8 đã phản ánh thực trạng đáng lo ngại này trên xứ sở của Nho giáo.
Nhận thức được điều này, nhà chức trách Trung Quốc đang khích lệ người dân quan tâm nhiều hơn đến chữ Hán.
Trẻ em Trung Quốc đang dần xa lạ với chữ Hán của cha ông. |
“88, 3Q” là từ lóng mà các nữ sinh trung học ở Trung Quốc ưa dùng khi nhắn tin hoặc viết thư điện tử cho nhau. Nó có nghĩa là “bye bye, thank you!”
Trong khi ngôn ngữ ngoại lai và các từ tỉnh lược, cụ thể là cụm từ chỉ toàn chữ số và tiếng Anh được sử dụng tràn lan thì số lượng chữ Hán “đọc được mà không viết được” đang tăng lên.
Từ tháng 7/2013, kênh truyền hình tỉnh Hà Nam thậm chí còn khai trương một chương trình mang tên “Anh hùng chữ Hán” trong đó các em học sinh tiểu học và trung học sẽ tham gia tỉ thí cách viết chữ Hán.
Trong chương trình, một em nhỏ không trả lời được và phải gọi điện cho bố mẹ để được trợ giúp. Tuy nhiên, một chuyện thú ví đã nảy sinh, đó là một từ chữ Hán thường dùng như “thoát cữu” (trật khớp/sai khớp) mà nhiều người lớn liên tục trả lời sai. Điều này cho thấy “năng lực viết” của người Trung Quốc hiện đại bị giảm đi đáng kể.
Trước tình hình này, truyền thông Trung Quốc đang thúc đẩy phong trào học chữ Hán trong dân. Tân Hoa xã có đoạn nêu: “Chữ Hán là cốt lõi của văn hoá Trung Quốc. Chúng ta phải lưu truyền cho mai sau.”
Vào tháng 8/2013, Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng bắt đầu phát sóng chương trình tìm kiếm nhà vô địch chữ Hán trong giới học sinh. Một giảng viên đại học ở nước này cho biết: “Chính phủ đang đặt ra tiêu chuẩn, theo đó yêu cầu phải mở kỳ thi sát hạch chữ Hán đối với học sinh.”
Từ khi lên sóng, “Anh hùng chữ Hán” lọt vào tốp các chương trình ăn khách nhất ở Trung Quốc. Ứng dụng trò chơi phỏng theo chương trình này cũng nhận được khoảng 800.000 lượt tải về. Phong trào học chữ Hán thực sự bùng nổ.
Các hiệu sách mở hẳn một góc học chữ Hán dành riêng cho bạn đọc trong khi lượng người đăng ký các lớp học thư pháp tăng mạnh.
Chính phủ Trung Quốc xác định 6.500 chữ Hán được dùng hàng ngày trong báo chí và văn bản, gấp 3 lần chữ Hán thường dùng trong tiếng Nhật. Do chữ đồng âm khác nghĩa khá nhiều nên nguy cơ nhầm lẫn thường xuyên xảy ra.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2011, từ lúc còn nhỏ các bạn trẻ nước này đã quen với việc lựa chọn bộ chuyển mã bằng máy tính và điện thoại di động nên đã xuất hiện một thực tế là “năng lực viết của người dân đang giảm sút.”
Giáo sư Bành Phi thuộc Đại học Ngoại ngữ Kyoto, người am hiểu văn hoá chữ Hán Nhật-Trung cho biết: “Mối lo ngại của Trung Quốc về nguy cơ sụt giảm năng lực đọc và viết chữ Hán là rất lớn. Nhiều khả năng ngành giáo dục nước này sẽ phải đặt ra một chiến lược dài hơi nhằm giải quyết triệt để vấn đề trên”.