Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Hy Lạp lẩn tránh tình yêu vì khủng hoảng kinh tế

Trong khủng hoảng kinh tế, tình yêu không còn là một trong những ưu tiên hàng đầu ở Hy Lạp. Thậm chí nhiều thanh niên không dám yêu, kết hôn và sinh con

Tình yêu trở thành một thứ xa xỉ trong khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp. Ảnh:
Tình yêu trở thành một thứ xa xỉ trong khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp. Ảnh: :BBC

Người dân Hy Lạp vẫn ăn, uống, tán tỉnh, hẹn hò, nhưng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, xã hội bắt đầu thay đổi, theo BBC.

Deejay Tommy, nhân viên tại quầy bar Opus, ngoại ô Glyfada, phía nam thành phố Athens, miêu tả tình cảnh thất nghiệp của thanh niên Hy Lạp: “Mọi thứ bớt lãng mạn. Cuộc khủng hoảng khiến tình yêu rơi xuống vị trí thứ hai. Con người phải lo lắng nhiều vấn đề khác. Tôi thấy buồn khi thấy nhiều phụ nữ muốn tìm những người đàn ông giàu, có thể chu cấp tiền cho họ”.

Trong câu lạc bộ Bouzoukia gần bờ biển, đám đông nhấm nháp từng ly vodka, nghe ca sĩ hát tình ca và nhẩm theo những ca từ buồn bã.

Katerina Fotopoulou, một phụ nữ 30 tuổi, nói: “Chúng tôi cố gắng tiết kiệm tiền để đến đây vài tháng một lần. Hiện tại chúng tôi không đủ tiền để đến nhiều hơn. Đương nhiên, chúng tôi từng vạch kế hoạch cho tương lai nhưng không thể thực hiện chúng”.

Một người lớn đang buộc phải sống cuộc đời của một thiếu niên là cách mà Katerina ví von về tình cảnh của cô.

So với người dân ở các nước châu Âu khác, người Hy Lạp theo đuổi lối sống khá truyền thống. Các cô gái thường cảm thấy ngại ngùng khi dẫn bạn trai về nhà để gặp phụ huynh. Vì thế, khủng hoảng tài chính trở thành một vấn đề khi các cặp tình nhân không thể thuê hoặc mua một chỗ ở riêng.

“Hiện tại các mối quan hệ khá phức tạp. Thậm chí nhiều người không nghĩ đến chuyện kết hôn và sinh con”, Katerina nói.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hy Lạp, dân số nước này đang giảm với tốc độ tăng dần. Từ lần đầu tiên Hy Lạp nhận viện trợ tài chính từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng. Vào năm 2010, cả nước có 114.766 trẻ sơ sinh. Đến năm 2013, số lượng trẻ mới chào đời chỉ còn 94.134.

Các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp
Khủng hoảng kinh tế và chính sách khắc khổ của chính phủ là nguyên nhân khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Hy Lạp trong vài năm gần đây. Ảnh: The Australian

Leonidas Papadopoulos, một bác sĩ sản khoa, cho biết số ca sẩy thai tại bệnh viện phụ sản Leto tăng gấp đôi trong năm 2014.

“Có lẽ căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu của các vụ sảy thai. Tôi không có bằng chứng cụ thể, nhưng mọi người có thể thấy sự căng thẳng và lo sợ về tương lai trong mắt nhau”, Leonidas nhận định.

Vị bác sĩ kể lại câu chuyện về một bệnh nhân mang thai nhờ thụ tinh ống nghiệm. Cô gặp Leonidas, bật khóc vì mất việc và yêu cầu phá thai.

“Sau đó, dân số sẽ giảm một nửa. Xã hội không còn những người trẻ - đối tượng làm việc để chính phủ trả lương hưu cho người cao tuổi. Các vấn đề xã hội đang nảy sinh ngay trước mắt chúng ta”, vị bác sĩ nói.

Cuộc sống hai mặt

Hàng loạt bà mẹ trẻ ở Hy Lạp kiếm tiền bằng nghề mại dâm để khắc phục cuộc sống khó khăn. Bà chủ của một nhà thổ hợp pháp ở thành phố Larissa cho biết trong 5 năm qua, số phụ nữ đã lập gia đình nhờ bà bố trí việc làm đã tăng gấp đôi.

“Họ cầu xin tôi nhưng một nhà thổ hợp pháp không thể nhận phụ nữ có chồng. Đó là hành vi bất hợp pháp. Vì vậy, họ trở thành gái mại dâm đứng đường”, bà nói.

Dân Venezuela đổ xô đi buôn lậu cá vì khủng hoảng kinh tế

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, người dân ở vùng trung tâm thảo nguyên đấu tranh để sống sót bằng cách buôn lậu cá sang Colombia qua các tuyến đường thủy nguy hiểm.

Georgia, một bác sĩ, cũng tham gia vào ngành công nghiệp tình dục để kiếm thêm tiền cho gia đình. Hiện tại, phòng khám tư của cô điều trị 3 bệnh nhân mỗi tuần. Vì thế, chỉ khi hành nghề mại dâm cô mới kiếm đủ tiền để thuê nhà và thanh toán viện phí cho cha, mẹ.

“Tôi sống một cuộc đời hai mặt và chỉ tôi biết điều đó. Tôi đã nộp đơn xin việc vào một cơ sở y tế ở nước ngoài và đang chờ đợi”, cô tâm sự.

Elini Lazarou, một nhà báo, cho biết cô đang hy vọng sự thay đổi sẽ xuất hiện trong chính trị hoặc kinh tế. Trong thời kỳ khủng hoảng, cô không có ý định sinh con.

Thông điệp
Thông điệp "Tình yêu hoặc không gì cả" trên một bức tường ở thành phố Athens trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ảnh: BBC

“Trong thời kỳ khủng hoảng, tình yêu đóng vai trò như liều thuốc giảm đau. Nhờ nó, người ta có thể tạm quên những vấn đề họ đang phải đối mặt. Tình yêu là nơi để họ tìm kiếm sức mạnh, năng lượng và sự lạc quan”, cô nói.

Trên một bức tường ở trung tâm thành phố Athens, ai đó đã viết thông điệp “Tình yêu hoặc không gì cả”. Đây là một lời thách thức đối với người dân Hy Lạp trong bối cảnh cuộc sống của họ đang lụi tàn vì khủng hoảng kinh tế.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm