Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí tiền, dân Hàn sợ cưới

Lời thề nguyện ngày đám cưới đang trở nên hiếm hoi dần ở Hàn Quốc do áp lực tài chính ngày một đè nặng lên vai những cặp đôi.

Cùng với việc tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 15 tới 29 tăng tới mức kỷ lục, thì mức giá 100 triệu won (99.000 USD) cho một đám cưới ở mức trung bình đang khiến nhiều thanh niên ở Hàn Quốc quyết định trì hoãn kết hôn và sinh con. 

Theo một thống kê vào năm 2013, độ tuổi kết hôn trung bình ở nam giới và phụ nữ Hàn Quốc lần lượt là 32,2 và 29,6, nhiều hơn hai tuổi so với thanh niên trong một thập kỷ trước đó.

Thực tế ảm đạm này dẫn tới sự hình thành của "sampo-jok", những người nói không với ba thứ - hẹn hò, hôn nhân và con cái - vì khó khăn tài chính. Đối với những người đã chọn sự trói buộc bất chấp các trở ngại về tài chính, một đám cưới nhỏ và tiết kiệm đã trở thành lựa chọn tất yếu. 

Kim Go Eun, một nhân viên xã hội 29 tuổi, quyết định không chụp ảnh cưới ở studio. Thay vào đó, cô nhờ các em chụp ảnh hai vợ chồng tại những chốn thân quen. 

"Tôi muốn chụp các bức ảnh đặc biệt hơn là những khung hình lung linh nhưng chẳng có gì khác biệt. Nếu không thuê công ty tổ chức đám cưới, bạn sẽ rất vất vả. Nhưng tôi thích chụp ảnh tại những chốn thân quen và nó cũng giúp tôi tiết kiệm tiền cho tuần trăng mật", Yonhap dẫn lời Kim nói.  

abc
Những bức ảnh lung linh nhưng khuôn mẫu là một phần của đám cưới tại Hàn Quốc. Ảnh: Ti-amo Korea Wedding Photography

Đám cưới tiết kiệm

Chỉ cần một cú nhấp chuột trên Naver, cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc, khách hàng có thể tìm thấy hàng trăm doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan tới đám cưới, từ trang điểm tới studio. 

Tuy nhiên, chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang làm thay đổi quan niệm của người dân Hàn Quốc về đám cưới. Họ có xu hướng chọn những địa điểm công cộng, thay vì các "hội trường đám cưới", để tổ chức hôn lễ.

Mặc dù được xây dựng theo phong cách riêng và phục vụ mọi công đoạn, cùng mức giá rẻ hơn nhiều so với các khách sạn hạng sang, những hội trường đám cưới vẫn mất dần vị thế trong mắt các khách hàng trẻ tuổi bởi sự đông đúc và chật chội.

Xu hướng ấy khiến các ban quản lý các công trình công cộng như thư viện, tòa thị chính hay thậm chí văn phòng tổng thống quyết định "làm thêm" vào cuối tuần nhằm phục vụ các cặp đôi có sở thích đặc biệt. 

Hội trường Nhân dân Seoul, tọa lạc tại tầng hầm của tòa thị chính, là nơi nhiều đám cưới đã diễn ra. Các cặp uyên ương phải đặt trước 6 tháng nếu muốn thuê không gian với giá 66.000 won tại đây. 

"Các cặp đôi phải cạnh tranh rất căng thẳng nếu muốn có chỗ để tổ chức một đám cưới nhỏ nhưng ý nghĩa", Woo Sarang, nhân viên của Quỹ Nghệ thuật và Văn hóa Seoul, giải thích. 

Mặc dù chật hẹp, nhưng một trong những lợi thế lớn nhất của các tòa nhà công cộng kiểu tòa thị chính là thời gian. Các đôi uyên ương có thể dành từ hai tới ba tiếng để làm đám cưới tại đây, thay vì chỉ một giờ như nếu lễ thành hôn diễn ra hội trường. 

Nhằm khuyến khích những đám cưới đơn giản và tiết kiệm, tổ chức của Woo khuyến khích các cặp đôi giới hạn ngân sách cho đám cưới vào khoảng 5 tới 6 triệu won và dừng lượng khách mời ở con số 100 hoặc 120.

"Họ có thể dành tiền tiết kiệm cho tuần trăng mật hoặc ngôi nhà trong tương lai, bởi giá bất động sản hiện tại đang ở mức khá cao", Woo nói. 

Một khảo sát của Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc cho thấy, việc tìm một địa điểm dành cho cuộc sống vợ chồng khiến các cặp đôi mới cưới cảm thấy rất áp lực. 

Thanh niên Hàn Quốc chi trung bình khoảng 272 triệu won cho ngôi nhà hoặc 154 triệu won cho ""jeonse", một loại hình dịch vụ cho thuê nhà với hợp đồng trong hai năm. 

Không chỉ các cặp đôi mà bản thân những người làm việc trong ngành công nghiệp đám cưới cũng cuốn theo xu thế tiết kiệm. Cho Wan Joo, quản lý một cửa hàng ảnh viện áo cưới ở Seoul hơn 20 năm qua, đã thành lập một tổ chức có nhiệm vụ hạn chế chi phí cho đám cưới bằng cách kết nối trực tiếp với các khách hàng.

"Hầu hết khách hàng của tôi đều cảm thấy hài lòng vì họ có thể tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm những bước không cần thiết, chẳng hạn như mua hanbok", Cho đề cập tới một loại trang phục truyền thống của Hàn Quốc mà cô dâu và chú rể phải mặc trong lễ kết hôn. 

Cho cũng nói phần lớn các khách hàng của cô sử dụng khoản tiền tiết kiệm để mua hoặc thuê nhà. Một cặp đôi sử dụng phần tiền thừa để thuê một du thuyền cho họ và cha mẹ hai bên trong tuần trăng mật, cô nói.

abc
Mặc hanbok là một phần không thể thiếu của người dân Hàn Quốc trong đám cưới. Ảnh: Blogspot

Đám cưới của cha, mẹ 

Nhưng chủ trương tiết kiệm chi phí đám cưới lại khiến các cặp uyên ương xung khắc với phụ huynh.

"Đám cưới ở Hàn Quốc dường như chỉ phục vụ các bậc phụ huynh, thay vì vì lợi ích của cô dâu, chú rể", Cho nói. Theo Cho, nhiều phụ huynh coi đám cưới như một cách để kiếm tiền. 

"Họ muốn mời hàng trăm vị khách tới lễ cưới của con cái. Do đó họ sẽ rất thất vọng nếu bọn trẻ chỉ muốn một đám cưới khiêm tốn", cô nói. 

Kim, người không thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh cưới, đồng ý với Cho. 

"Chúng tôi không phải nhân vật chính trong đám cưới của chúng tôi. Về cơ bản, đó là sự kiện để các bậc phụ huynh có thể mời bạn bè."

Trong khi các cặp đôi trẻ phải nỗ lực hết sức để cân bằng áp lực kinh tế và kỳ vọng từ cha mẹ, những người ngoài cuộc lại hy vọng xu hướng đám cưới theo tối giản sẽ tăng trong tương lai. 

"Thanh niên ngày nay lớn lên với tư tưởng nổi loạn. Họ sẽ làm những việc họ muốn. Dù sao thì đây cũng là lựa chọn tốt nhất trong tình hình hiện nay", Cho nhận định.

An Hy

Bạn có thể quan tâm