Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ bị ám ảnh tâm lý vì các mối quan hệ xã giao

Trong hành trình trưởng thành, việc học cách tạo dựng các mối quan hệ có thể khiến giới trẻ rơi vào cảm giác FOMO - Cảm giác sợ vuột mất cơ hội.

gen Z FOMO anh 1

Ảnh minh họa từ bộ phim A Simple Favor. Nguồn: NYT.

Có một kiểu bạn bè xã giao mà chúng ta có thể thăng chức lên bạn thân hoặc giáng chức xuống kẻ thù là đồng nghiệp. Kể từ những công việc đầu tiên, mình đã hiếm khi giao du với đồng nghiệp ngoài chỗ làm. Nếu có ra ngoài chơi, mình cũng chỉ thường đi với nhóm nhỏ nhưng số lần cũng chỉ đếm được trên một bàn tay. Hầu hết cuộc đi chơi sau giờ làm đều là đi bar hay uống rượu nên mình luôn cảm thấy lạc lõng trong những cuộc hội ngộ.

Bất cứ khi nào bắt đầu một công việc mới, mình cũng cố gắng lấy hết can đảm để tham gia một buổi đi chơi cho biết. Nhưng rồi đi một lần xong mình cảm thấy như đang sống trong một hành tinh khác. Uống rượu, đi bar không phải là chuyên môn của mình, những câu chuyện phiếm mình cũng chẳng hiểu được. Dần dần, mình viện đủ lý do để không tụ tập những cuộc chơi sau giờ làm.

Mình là một đứa khá khéo trong việc xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, nhưng không bao giờ muốn những mối quan hệ này xâm phạm vào đời tư cá nhân của mình. Ở chỗ làm, đôi khi mình là đứa nói nhiều nhất, thân được với nhiều người nhất, nhưng mình luôn cảm giác có một bức tường ngăn cách giữa mình và đồng nghiệp. Bởi họ có thể là bạn thân, nhưng sau lớp mặt nạ đó có thể là kẻ thù.

Mình đã trải qua giai đoạn trong sáng nghĩ rằng ai thân thiết với mình cũng muốn nghĩ tốt cho mình trước khi nhận ra chân tướng và bộ mặt thật của những "đồng nghiệp thân". Ở tuổi hai mươi mốt, mình đã lần đầu tiên trải qua khủng hoảng khi biết rằng người mình coi là thân nhất cho làm lại đang làm việc xấu sau lưng mình để đẩy mình xuống khi mọi người nỗ lực giúp mình đi lên. Kể từ đó, mình sợ thân thiết với bất kỳ ai ở công sở.

Mình nhận ra rằng giai đoạn đầu của hành trình tập lớn thường khiến các bạn trẻ phải trải qua cảm giác FOMO - Fear of Missing Out (Cảm giác sợ vuột mất cơ hội). Đây là lúc các bạn trẻ sợ rằng mình sẽ lỡ một cuộc vui khi không tham gia vào hoạt động nào đó hay tuột mất cơ hội chỉ vì từ chối một cuộc gặp. Giai đoạn thứ hai của hành trình bước ra ngoài làm quen thế giới là "Thiêu thân" - khi các bạn trẻ lao ra để làm quen, xây dựng mối quan hệ và coi cả thế giới là bạn thân của mình. Giai đoạn thứ ba của hành trình này là cảm giác Burnout (Kiệt sức) khi phải phân bổ năng lượng của bản thân cho những mối quan hệ không xứng đáng và tốn kém thời gian vào những cuộc gặp gỡ vô bổ.

Để rồi đến giai đoạn gần cuối của hành trình xém lớn là chúng mình từ chối tất cả những mối quan hệ xã giao để tập trung vào bản thân và những người mình thực sự thân thiết. Mình chỉ cho rằng đây là giai đoạn gần cuối vì bản thân mình cũng chẳng biết tâm lý gen Z sẽ thay đổi như nào.

Mình từng nghĩ mình mang tội khi liên tục từ chối các mối quan hệ xã giao. Nhưng sau thời gian giao du với những mối quan hệ kiểu này, mình nhận ra ai mới là người thân của mình. Từ đó mình học cách quay về dành thời gian vun vén các mối quan hệ thực sự và quan trọng trong cuộc đời.

Luôn có một lý do nào đó khiến những người này chỉ dừng lại ở mức xã giao. Cho dù có là vì họ không cùng tần số, họ quá toxic hay họ tiêu tốn quá nhiều thời gian của mình, mình cũng chẳng còn gì tiếc nuối để không nói lời từ chối cho những cuộc hẹn, hay nói luôn lời biệt ly cho những người không xứng đáng để mình quan tâm. Mình biết mình đã trưởng thành khi vượt qua cảm giác FOMO trong các mối quan hệ.

Hoàng Phương Linh/Bloom Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY