Hai giờ sau khi gửi email bản tin bất động sản về những ngôi nhà sang trọng cho hàng nghìn khách hàng siêu giàu vào sáng 4/3, Shawn Elliott - làm việc tại công ty môi giới Nest Seekers International - nhận được ba yêu cầu. Tuy nhiên, đó không phải yêu cầu từ những người mua tiềm năng, mà là những người bán.
Các cuộc gọi đến từ New York và Miami - hai điểm nóng phổ biến với những người Nga giàu có - là dấu hiệu cho thấy các căn nhà và bất động sản bên bờ biển đang được bán thốc bán tháo khi người giàu Nga trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt quốc tế.
"Những người như vậy có trợ lý gọi tới”, ông Elliott đề cập tới khách hàng người Nga. Họ sẽ hỏi “‘nếu tôi muốn bán, bạn có thể bán nhanh tới mức nào?’. Đây có lẽ là khởi đầu của một cuộc đua”, ông nói.
Giới thượng lưu Nga là đối tượng bị Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách áp lệnh trừng phạt sau khi Moscow bắt đầu tấn công Ukraine.
Những người lo lắng mình là mục tiêu tiếp theo đang tìm cách rời du thuyền, tiêu hủy tài sản để sẵn sàng “đón nhận làn sóng trừng phạt” ở phía trước, theo CNN.
Đột ngột hoảng loạn
Tuần vừa qua, tỷ phú người Nga Roman Abramovich - người chưa bị trừng phạt - tuyên bố bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea vì “lợi ích của câu lạc bộ, người hâm mộ, nhân viên, cũng như các nhà tài trợ và đối tác của câu lạc bộ". Ông cho biết số tiền thu được từ việc mua bán sẽ chuyển đến quỹ giúp đỡ "các nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine".
Tỷ phú Nga Mikhail Fridman và Oleg Deripaska đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. EU công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Fridman vào tuần trước và ông Deripaska đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018.
"Đây là thời điểm rất đáng lo ngại nếu bạn là tỷ phú Nga", cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Max Bergmann nói. "Các luật sư bận rộn, cố gắng tìm cách loại các nhà tài phiệt khỏi hội đồng quản trị của những công ty khác nhau và thoái vốn tài sản ở Mỹ”.
"Chúng tôi nhận được một cuộc điều tra mới mỗi giờ", Erich Ferrari - luật sư đại diện cho các công ty và cá nhân nước ngoài trong điều chỉnh các lệnh trừng phạt - nói. "Đó là cuộc gọi đến từ những cá nhân có tên trong danh sách trừng phạt, hoặc công ty của họ bị trừng phạt".
Dù chưa có tên trong danh sách trừng phạt, tỷ phú Roman Abramovich đã quyết định bán câu lạc bộ Chelsea. Ảnh: AFP. |
Các tổ chức tài chính ở những khu vực pháp lý không áp lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đang theo sát Mỹ và EU, đóng băng các tài khoản do người Nga nắm giữ, ông Ferrari cho biết.
Nhà Trắng công bố các biện pháp trừng phạt hoàn toàn hôm 3/3 đối với tám người thuộc giới tinh hoa Nga, cùng với các thành viên gia đình và cộng sự của họ. Tất cả sẽ bị phong tỏa khỏi hệ thống tài chính Mỹ, có nghĩa là tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị đóng băng và họ không có quyền sử dụng tài sản.
"Điều này gây ra một sự hoảng loạn đột ngột bởi họ không lường trước được việc đó", ông Bergmann lưu ý. "Tôi nghĩ họ đã rất ngạc nhiên khi (Tổng thống Nga) Vladimir Putin quyết định hành động".
Ông Bergmann giải thích họ có thể khởi kiện để ngăn chặn các lệnh trừng phạt, nhưng trước mắt, các tỷ phú người Nga đang bán tháo hoặc di dời tài sản.
“Các nhà tài phiệt lo lắng và di chuyển du thuyền tới nơi không thể bị dẫn độ”, ông Bergmann nói. “Chúng ta đã chứng kiến họ chuyển du thuyền tới Montenegro, nơi không có hiệp ước dẫn độ”.
Hôm 2/3, các quan chức Pháp bắt giữ một du thuyền chuẩn bị rời cảng mà họ cho là có liên quan đến Igor Sechin - nhà điều hành dầu mỏ của Nga và là cộng sự thân cận của ông Putin. Nhưng công ty quản lý con tàu phủ nhận ông Sechin là chủ sở hữu.
Tại New York, người đứng đầu quận Manhattan, Mark Levine, kêu gọi chính quyền áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với người Nga và tịch thu tài sản của họ.
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi Mỹ trừng phạt những nhà tài phiệt có liên hệ với ông Putin. Đây là điều kiện tiên quyết để thu giữ những ngôi nhà siêu sang mà nhiều người đang nắm giữ ở Manhattan. Chúng tôi cần (chính quyền) hành động ngay bây giờ", ông viết trên mạng xã hội.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Hôm 2/3, Bộ Tư pháp Mỹ công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm mới có tên KleptoCapture.
Lực lượng đặc nhiệm sẽ hợp tác với các công tố viên và chuyên gia trong lĩnh vực trừng phạt, rửa tiền và an ninh quốc gia để điều tra hoạt động tội phạm của những người Nga siêu giàu - những người chính phủ Mỹ tin rằng đang hỗ trợ cho ông Putin.
“Có thể mất khá nhiều thời gian để cơ quan tố tụng và pháp lý thực thi các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân cực kỳ giàu có, những người không chỉ có nhiều tiền mà còn có cả mối quan hệ”, Edward Fishman - cựu quan chức chuyên về các lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ Ngoại giao Nga - cho biết. “Bằng cách tập hợp lực lượng đặc nhiệm cấp cao này, tôi nghĩ rằng họ sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt này một cách khá quyết liệt”.
Du thuyền Lady M Yacht trị giá 70 triệu USD của tỷ phú Nga Alexey Alexandrovits Mordaschov bị tịch thu ở Italy. Ảnh: BBC. |
Lo sớm bị trừng phạt
Nhiều nhà tài phiệt sử dụng các công ty vỏ bọc để che chắn quyền sở hữu của họ, khiến cơ quan chức năng phải "bóc từng lớp" công ty trước khi phát hiện ra chủ sở hữu thực sự.
“Những gì các nhà tài phiệt đã làm khiến cơ quan thực thi pháp luật không có thời gian để theo đuổi tới cùng", ông Bergmann nói. "Và những gì ông Biden nói là 'không, không và không, chúng tôi sẽ dành thời gian, cống hiến tài sản và nguồn lực để tìm ra mọi thứ".
Các chuyên gia cảnh báo lệnh trừng phạt có thể gây ra biến động trong nội bộ nước Nga.
Có một lĩnh vực mà người Nga đầu tư mạnh ở Mỹ: Họ đổ hàng triệu USD vào bất động sản ở New York, Miami và những nơi khác.
Ông Elliott cho biết những người Nga giàu có rất hiểu biết và thông minh, và ông dự đoán họ sẽ bán ngay bất động sản: "Họ đặt thấp hơn giá thị trường ít nhất 20% vì cuối cùng, 80% vẫn là điều gì đó tốt hơn là không có gì".
Thời gian là điều cốt yếu đối với một số người Nga hiện chưa có tên trong danh sách trừng phạt. Họ lo lắng mình sẽ là mục tiêu tiếp theo.
"Cho đến hiện tại, thanh lý tài sản vẫn chưa phải là hành động bất hợp pháp", ông Elliott nói.