Sáng 10/7 tại Trung tâm Cứu hộ Gấu ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tổ chức Động vật Châu Á (Animal Asia) đã giới thiệu hai cuốn sách “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” và “Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu“.
Hai cuốn sách gồm: “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” và Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu”. Đây là những cuốn sách do chính các chuyên gia của Tổ chức dày công biên soạn.
Hai cuốn sách được kỳ vọng sẽ là những cuốn sổ tay hữu ích cho những người yêu động vật đặc biệt là loài gấu.
|
Sách “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” là cuốn sổ tay được chia thành 14 chương cung cấp chuỗi thông tin tổng quan toàn diện về chăm sóc và làm giàu (đa dạng môi trường sống) cho gấu, phương thức quản lý riêng dành cho gấu con và gấu nhỡ, bên cạnh đó còn có một chương bàn về chăm sóc thú y cơ bản. Tất cả các vấn đề liên quan đến chăm sóc và nuôi dưỡng gấu được trình bày một cách chi tiết, súc tích, có ví dụ cụ thể trực quan và sinh động.
Sách “Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu“ tiếp nối và hiện thực hóa việc trồng những cây thuốc đã được giới thiệu trước đó trong cuốn sách “Các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” được Tổ chức Động vật Châu Á và Trung ương Hội Đông Y giới thiệu năm 2013. Sách bao gồm các thông tin kỹ thuật như đặc điểm điều kiện sinh trưởng của các loài cây thảo dược, kỹ thuật gieo hạt trồng và chăm sóc cây, cách phòng bệnh an toàn cho cây và cách thu hoạch sử dụng, cách nhân giống… được trình bày một cách chi tiết và cẩn thận.
Tổ chức Động vật Châu Á đang lên kế hoạch tặng miễn phí hai cuốn sách nói trên tới những địa chỉ phù hợp. Đây là một trong những nỗ lực mà đơn vị này đang triển khai nhằm hiện thực hóa hai sứ mệnh mà Tổ chức đã cam kết với các cơ quan Nhà nước, đó là xây dựng lộ trình và các kế hoạch cần thiết để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bảo tồn số lượng gấu còn lại trong tự nhiên vào năm 2023, và chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y vào năm 2020.