Adams Cassinga, nhà báo điều tra đồng thời là nhà hoạt động môi trường đã sáng lập tổ chức bảo tồn Conserv Congo, nhận được bức thư về thỏa thuận giữa Viện Bảo tồn Thiên nhiên Congo (ICNN) và một công ty Trung Quốc từ một nguồn giấu tên.
Bức thư đề ngày 8/6 có chữ ký của Bộ trưởng Môi trường Congo Amy Ambatobe Nyongolo và được gửi tới Liu Min Heng, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Thương mại Quốc tế Tianjing Junheng. Công ty này yêu cầu nhập khẩu tổng cộng 72 cá thể các loài khỉ đột núi, vượn Bonobo, tinh tinh, lợn biển và hươu đùi vằn từ Cộng hòa Dân chủ Congo tới sở thú Taiyuan và sở thú Anji Zhongnan, Trung Quốc.
Hươu đùi vằn là loài động vật bản địa tại các rừng mưa Trung Phi. Ảnh: AP. |
Sau khi Cassinga đăng bức thư lên mạng, gần 3.000 người đã ký đơn kiến nghị chấm dứt việc nhập khẩu động vật.
“Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi đọc bức thư. Tất cả những loài động vật này đều có nguy cơ tuyệt chủng. Các tổ chức địa phương và quốc tế đang nỗ lực bảo tồn, nhưng sau đó, người này từ đâu tới, quyết định đưa chúng đến Trung Quốc mà không được chấp thuận”, Cassinga bất bình.
“Hầu hết chúng ta đều chưa từng nhìn thấy những loài vật quý hiếm. Ví dụ như tôi chưa từng nhìn thấy lợn biển ở Congo. Vườn thú của chúng tôi không có gấu trúc. Tại sao động vật quý hiếm của chúng tôi lại phải xuất hiện ở sở thú của họ?”
Bắt sống và vận chuyển
Cộng hòa Dân chủ Congo không có bất kỳ chương trình nhân giống nào, do đó, thỏa thuận này giữa chính phủ và công ty nước ngoài đồng nghĩa với việc các cá thể động vật bị bắt sống từ môi trường hoang dã. Hiện khoảng 200 cá thể khỉ đột núi đang sống tại Congo. Vượn Bonobo là loài động vật đặc biệt chỉ có ở nước này.
Vượn Bonobo là loài động vật chỉ có ở Congo. Ảnh: Reuters. |
Will Travers, chủ tịch quỹ từ thiện vì động vật hoang dã Born Free, cho biết: “Chúng tôi thực sự thất vọng và lo ngại cho tình trạng của những cá thể này nếu chúng bị bắt và chuyển đi. Việc bắt sống từ môi trường hoang dã sẽ gây nguy hiểm cho động vật. Theo ý kiến chuyên gia, kể cả nếu chúng sống sót qua quá trình bắt và vận chuyển, sở thú rõ ràng không có khả năng đáp ứng nhu cầu phức tạp của những loài này”.
Việc bắt sống linh trưởng trong tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ đàn linh trưởng và thậm chí có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ví dụ như việc giết hại các cá thể cùng đàn.
“Với tiềm lực đầu tư lớn, Trung Quốc có trách nhiệm đảm bảo hoạt động của nước này trên thế giới không làm hại tới cuộc sống hoang dã vốn đã khó khăn của động vật”, Travers nhận định.
“Tôi ước gì người Trung Quốc tham gia bảo tồn động vật hoang dã. Nhưng, thay vào đó, họ lại đang phá hủy chúng”, Cassinga chia sẻ.
Thiên nhiên hay kinh tế?
Theo nguồn tin Cassinga nhận được, thỏa thuận giữa chính phủ và công ty Trung Quốc quy định lứa con của các cá thể này phải được đưa trở về Congo. Tuy nhiên, ông tỏ ra nghi ngờ với tính thực tế của kế hoạch.
“Việc này không khả thi vì chính phủ có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu nguồn lực. Không ai biết được rằng chính phủ Congo đã được hứa những gì khi đồng ý hy sinh các loài động vật”, Cassinga nói.
Travers thừa nhận đầu tư từ Trung Quốc rất hấp dẫn đối với nền kinh tế quốc gia Trung Phi đang chật vật, nhưng chính phủ không thể hy sinh hệ động thực vật độc đáo để đổi lấy lợi ích. Theo ông, các loài động vật không nên bị đổi chác vì tiền trong bất cứ trường hợp nào.
Amy Ambatobe Nyongolo, bộ trưởng môi trường Congo. Ảnh: Environews-rdc
. |
Hiện tại, chính phủ Congo khẳng định không hề có thỏa thuận đó. Bộ trưởng Amy Ambatobe nói rằng ông đã chuyển yêu cầu này cho các chuyên gia bảo tồn.
“Tôi không hề đồng ý vận chuyển các loài động vật này. Điều tôi làm là viết thư tới Viện ICCN để xem vụ trao đổi này có khả thi hay không”, ông nói. “Với tư cách bộ trưởng, tôi không thể nói có hay không, nên tôi đã gửi bức thư đó”.
Tuy nhiên, ICCN khẳng định không liên quan đến yêu cầu xuất khẩu động vật, kêu gọi chính phủ tôn trọng Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Tổ chức Born Free và 15 nhóm xã hội dân sự đã gửi thư đến cơ quan CITES, bày tỏ quan ngại và kêu gọi hành động ngăn chặn tình trạng gian lận xuất khẩu có thể xảy ra. Các tổ chức khẳng định việc di dời các loài linh trưởng lớn từ môi trường sống tự nhiên là bất hợp pháp.
Đồng thời, tổ chức Born Free cho hay một công ty cùng tên từng vướng vào bê bối nhập 8 cá thể tinh tinh vào Trung Quốc từ Guinea cách đây 7 năm. Động thái này đã khiến Guinea phải chịu cấm vận thương mại.
Hiện phóng viên Guardian chưa thể liên lạc với Tập đoàn Thương mại Quốc tế Tianjing Junheng.