Dữ liệu thị trường cho thấy, giá vàng thế giới tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, leo lên mức cao nhất trong vòng gần 10 năm qua, 1.860 USD/ounce. Diễn biến này sẽ kéo dài bao lâu? Hãy nhìn vào cuộc chiến căng thẳng giữa các ông trùm khai thác từ Trung Quốc và Nga tại mỏ vàng ở châu Phi để nhận định điều này.
Cuộc đối đầu khiến ông trùm năng lượng giàu có của Nga buộc phải chấp nhận dốc hầu bao trước đối thủ từ Trung Quốc. Diễn biến qua lại đôi bên được Forbes mô tả như kịch bản phim Hollywood, trong đó bối cảnh là Sàn giao dịch chứng khoán Australia và đích nhắm là một công ty khai thác vàng phát trên ở mãi miền bắc xa xôi của vùng Ghana được coi là một trong những địa điểm dồi dào quặng vàng nhất thế giới.
Tỷ phú Alexey Mordashov, chủ tịch của Severstal quyết tâm lấn sân ngành khai thác vàng trong bối cảnh vàng tăng giá nóng trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg. |
Và vai diễn chính chính thuộc về tỷ phú Alexey Mordashov, cổ đông lớn của Severstal, đơn vị kinh doanh năng lượng và thép hàng đầu của Nga. Ông trùm Mordashov sở hữu khối tài sản ròng ước tính tới 19,1 tỷ USD, theo Forbes.
Dù sản xuất thép là nền tảng đem lại sự giàu có cho Mordashov, ông vẫn nhanh chóng chuyển hướng theo thị hiếu khát vàng trên khắp thế giới. Mordashov đã thành lập một cơ sở kinh doanh và khai thác vàng có tên Nordgold. Đơn vị này đặt trụ sở tại London và kiểm soát 3 mỏ khai thác và 10 dự án thăm dò trên khắp thế giới, trong số đó có cơ ngơi bạc tỷ ở Burkina Faso và Guinea ở châu Phi, cùng các cơ sở khác ở Nga và Canada.
Đến đầu năm 2017, Nordgold từng được niêm yết trên thị trường chứng khoán London nhưng Mordashov nhanh chóng tư nhân hóa doanh nghiệp này. Tỷ phú thép nhận định giá trị của công ty khó có thể theo kịp với đà tăng chóng mặt của giá vàng trong khi sản lượng của hãng đã lên tới hàng triệu ounce mỗi năm.
Hồi đầu năm, Nordgold đã có động thái rục rịch về việc thâu tóm Cardinal Resources, một công ty khai thác thuộc quản lý của Australia. Công ty khai thác này vừa phát hiện và kiểm soát mỏ vàng Namdini đắt giá ở Ghana.
Tỷ phú Alexey Mordashov có ưu thé trước đối thủ Trung Quốc nhờ sự thông qua của chính quyền Ghana. Ảnh: Getty |
Nhờ thỏa thuận với một trong những công ty khai thác hàng đầu của Nam Phi, Goldfields, hãng Nordgold của tỷ phú người Nga nhanh chóng giành được 19,9% cổ phần của Cardinal Resources. Bên cạnh đó, ông trùm thép Nga còn mạnh dạn đề xuất mức giá 33,3 cent để thâu tóm số cổ phần còn lại của hãng.
Tuy nhiên, đây là động thái đe dọa mối quan hệ bền chặt và lâu năm của Cardinal Resources với nhà sản xuất vàng lớn thứ hai của Trung Quốc, Shandong Gold. Điều này khiến tập đoàn vàng Trung Quốc không vừa lòng, nhanh chóng đáp trả bằng mức giá mua lại cổ phần hấp dẫn hơn, 42 cent/cổ phiếu.
Tuy nhiên, tỷ phú Mordashov cũng không chịu kém cạnh khi đề nghị mức giá kịch tính hơn, 46 cent/cổ phiếu. Cuộc chiến bám đuổi căng thẳng giữa nhà tài phiệt Nga và Trung Quốc khiến giá cổ phiếu Cardinal vào đầu ngày 20/7 tăng vọt lên 49 cent.
Mỏ vàng mà người Nga và Trung Quốc đang theo đuổi không có quy mô hay giá trị đặc biệt lớn, nhưng nó nằm ở một trong những khu vực vàng giàu có nhất thế giới, một địa điểm kề sát Burkina Faso. Tại đây, Nordgold đã kiểm soát 2 mỏ khác.
Theo báo cáo thăm dò mỏ vàng Namdini vừa được khám phá chứa ít nhất 5,1 triệu ounce vàng, đủ để duy trì sản xuất trong 15 năm với tốc độ 360.000 ounce/năm, tương quan với chi phí 895 USD/ounce. Chi phí này thấp hơn mức trung bình 900 USD/ounce. Trong khi giá vàng liên tục vượt qua mức giá 1.800 USD/ounce thời gian qua. Với tổng chi phí xây dựng khoảng 390 triệu USD, việc khai thác vàng ở Namdini sẽ hoàn vốn chỉ sau chưa đầy 12 tháng.
Cuộc chiến tranh chấp cổ phần Cardinal giữa các nhà tài phiệt của hai cường quốc cho thấy giới siêu giàu trên thế giới đang tin rằng sự bùng nổ giá vàng sẽ còn tiếp diễn, dự kiến vượt qua mốc kỷ lục 1.911 USD/ounce hồi năm 2011.
Dù tương quan tiềm lực giữa hai công ty Nordgold và Shandong có vẻ cân bằng, tỷ phú người Nga vẫn nắm ưu thế mạnh mẽ. Theo Forbes, chính phủ Ghana đã phê duyệt Nordgold là chủ sở hữu mới của Cardinal.
Trong khi đó, Shandong vẫn cần chờ sự chấp thuận từ chính quyền Úc do giao dịch được thực hiện theo quy tắc đấu thầu của Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài nước này. Tuy nhiên, cơ quan Úc vốn có cái nhìn nặng nề về hoạt động đầu tư của Trung Quốc trên nước Australia từ trước.