Giới siêu giàu kiếm bộn tiền trong khủng hoảng
Số tiền này đủ để giải quyết 4 lần nạn đói toàn cầu và dường như khủng hoảng kinh tế chỉ khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Theo báo cáo của Oxfam, 100 người giàu nhất thế giới “kiếm” được tổng cộng 240 tỷ USD trong năm 2012 – đủ để giải quyết triệt để nạn đói nghèo trên toàn cầu tới 4 lần. Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lại tiếp tục khiến giới siêu giàu trở nên giàu có hơn nữa.
“1% những người giàu nhất đã tăng thu nhập của họ lên tới 60% trong vòng 20 năm qua, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế thậm chí còn tăng tốc cho quá trình này thay vì làm chậm nó”. Oxfam còn cho biết con số này ở nhớm 0,01% những người giàu nhất còn lớn hơn rất nhiều.
Ví dụ, theo báo cáo, thị trường hàng xa xỉ đã liên tục tăng trưởng ở mức hai con số kể từ khi khủng hoảng nổ ra. Và trong khi những người giàu nhất kiếm được 240 tỷ USD, những người nghèo nhất thế giới chỉ sống với mức 1,25 USD mỗi ngày.
Oxfam là một tổ chức từ thiện quốc tế hàng đầu, báo cáo mới của tổ chức này chỉ ra rằng chính sự tập trung của cải đến mức cực đoan vào giới siêu giàu đã cản trở quá trình xóa đói giảm nghèo của cả thế giới. Báo cáo này được đưa ra ngay trước khi Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước “chấm dứt tình trạng siêu giàu vào năm 2025, và hạn chế sự gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo trong nội tại mỗi quốc gia”.
Mạnh mẽ hơn, Oxfam chỉ trích rằng giới siêu giàu là “phi đạo đức, không đem lại hiệu quả kinh tế, gây chia rẽ xã hội và tàn phá môi trường”.
Tổ chức này cũng đề xuất các giải pháp để kiểm soát tình hình như:
- Đóng cửa các thiên đường thuế, tăng thêm 189 tỷ USD thuế bổ sung.
- Đảo ngược các hình thức đánh thuế lũy thoái.
- Đưa ra mức thuế tối thiểu cho các công ty đa quốc gia.
- Tăng lương tỷ lệ thuận với lợi nhuận vốn.
- Tăng cường đầu tư về các dịch vụ giải trí công cộng miễn phí.
Đây là một vấn đề toàn cầu – Oxfam cho biết: “ Sự bất bình đẳng ở Vương quốc Anh đã leo lên mức cao nhất kể từ thời Charles Dickens. Còn tại Trung Quốc, 10% người giàu nhất chiếm lấy 60% tổng thu nhập. Mức chênh lệch giàu nghèo ở đất nước tỷ dân hiện nay bằng với Nam Phi – quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới mà thậm chí còn cao hơn cả thời kỳ phân biệt chủng tộc đen tối. Tại Mỹ, thu nhập của 1% những người giàu nhất so với phần còn lại đã tăng gấp đôi – từ 10 đến 20%. Thậm chí, nhóm 0,01% còn gia tăng tới 4 lần – đạt mức cao nhất từ trước đến nay.”
“Chúng ta không thể tiếp tục giả vờ rằng tạo ra của cải cho một số ít người sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người khác, trong khi sự thật phải là ngược lại”. Giám đốc điều hành Oxfam quốc tế Jeremy Hobbs nói. Ông giải thích rằng việc tập trung của cái trong tay một số ít người khiến cho những người khác khó tham gia vào các hoạt động kinh tế: “Từ các thiên đường thuế đến những nơi có luật lao động nghèo nàn, những người giàu đang gian lận để thu lợi cho họ”.
Báo cáo của Oxfam cũng nhấn mạnh rằng chính trị cũng đang bị điều khiển bởi giới siêu giàu, dẫn đến “làm lợi cho một số ít người giàu, thay vì đa số người nghèo, ngay cả ở các nền dân chủ. Do đó, đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải hành động để đem lại lợi ích cho toàn thể nhân loại chứ không phải là một số ít những người giàu có nhất.”
Theo đó, Diễn đàn kinh tế thế giới kéo dài bốn ngày sẽ được tổ chức tại Davos bắt đầu từ thứ tư tới. Cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo tài chính thế giới sẽ tập trung vào phục hồi kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro và những xung đột tại Syria hay Mali.
Vũ Vũ
Theo RT/ Infonet