Đoàn đàm phán Hàn - Triều bắt tay nhau sau khi kết thúc cuộc họp ngày 25/8. Ảnh: AFP |
Vụ đấu pháo ở biên giới 2 nước vào tuần qua được xem là lần đụng độ quân sự nghiêm trọng nhất, từ sau khi Triều Tiên pháo kích vào đảo biên giới của Hàn Quốc hồi năm 2010. Các chuyên gia nhận định thỏa thuận vừa đạt được hôm 25/8 là điều chứng tỏ quyết tâm của hai nước trong việc thu hẹp bất đồng và xây dựng khuôn khổ mới cho quan hệ liên Triều.
"Tin tức tốt lành"
Ông Kim Yong Hyun, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc, cho rằng cuộc đàm phán cấp cao vừa qua giữa hai miền thực chất là một hội nghị thượng đỉnh gián tiếp giữa lãnh đạo hai bên.
"Người đàm phán đều là những trợ lý thân tín nhất của Tổng thống Park Geun Hye và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Họ có thể chuyển tải rõ ràng thông điệp của cấp trên", ông nói với Yonhap.
Theo giáo sư Kim Yong Hyun, thỏa thuận sẽ là một yếu tố then chốt để bà Park giải quyết các vấn đề giữa hai miền trong nửa cuối nhiệm kỳ. Ông Kim Jong Un cũng có thể coi đây là điểm khởi đầu cho một chính sách mới đối với miền Nam.
Ông John Delury, phó giáo sư Đại học Yonsei, Seoul, nhận định "cả hai bên đều đã thỏa hiệp trong bàn đàm phán. Hàn Quốc không nhận được lời xin lỗi rõ ràng. Tuy nhiên, Triều Tiên đã tuyên bố lấy làm tiếc vì sự cố. Seoul có thể xem đây như một lời xin lỗi".
Theo ông Delury, kết quả quan trọng từ cuộc hội đàm là việc duy trì kênh đối thoại ngoại giao và cải thiện quan hệ. "Điều này có thể khó thực hiện, nhưng thỏa thuận bước ngoặt vừa qua đã đặt nền móng cho nó", ông nói với Reuters.
"Cuộc khủng hoảng đã qua. Cả hai bên đều đã chịu lùi bước trước sức ép đối phương. Từ giờ, bầu không khí sẽ chuyển từ căng thẳng sang đối thoại", ông Yang Moo Jin (Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc) trả lời Bloomberg.
Theo ông Yang, dù không được xin lỗi chính thức "nhưng bà Park đã nhận lại lời hứa về tổ chức đoàn tụ thân nhân cũng như cam kết tăng cường các trao đổi dân sự". Giáo sư Yang lạc quan rằng "nếu hai chính phủ đang từng bước xây dựng lòng tin, chúng ta có thể kỳ vọng vào một hội nghị thượng đỉnh lần 3 (sau năm 2000 và 2007)".
Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Donald Gregg nhận định cuộc đàm phán đã mang lại "tin tức tốt lành". "Đây là lần đầu tiên hai bên giao lưu dân sự sau thời gian dài. Điều này có thể mở ra chương mới trong quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc".
"Thả mồi câu?"
Một cuộc diễn tập bắn đạn thật của đơn vị pháo binh Triều Tiên năm 2009. Ảnh minh họa:KNS |
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thỏa thuận có thể chỉ là một bước đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Trong lúc đó, Bình Nhưỡng có thể âm thầm chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa nhằm đánh dấu 70 năm thành lập đảng Lao động.
"Triều Tiên đang thả mồi câu với Hàn Quốc bằng cuộc đàm phán. Khi lễ kỷ niệm đến gần, ông Kim Jong Un rất cần đánh dấu nó bằng một sự kiện hoành tráng", nhà nghiên cứu Sung Yooon Lee tại Đại học Tufts (Mỹ), nói.
Ông Jang Yong Seok, nghiên cứu viên Đại học Quốc gia Seoul, cũng chỉ ra rằng thỏa thuận tổ chức đoàn tụ là một bước tiến bộ, nhưng "vấn đề cốt lõi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên thì không được nhắc đến".
Trước diễn biến tích cực ở bán đảo Triều Tiên ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: "Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình thông qua hành động của Triều Tiên. Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được và hy vọng nó sẽ dẫn tới xoa dịu căng thẳng trên bán đảo".
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh do Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình. Quan hệ liên Triều gần như đóng băng sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc chìm vào đầu năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Bình Nhưỡng luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan từ phía Seoul.