Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều ít biết về hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới

Các tàu ngầm của Hải quân Triều Tiên đa phần lạc hậu, năng lực tác chiến giới hạn ở ven bờ. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của hạm đội lớn nhất thế giới lại đến từ các tàu ngầm mini.

a
Triều Tiên sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới. Ảnh: Business Insider

Theo quan chức quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã điều động 50 tàu ngầm tập trận trong quá trình đại diện cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành đàm phán. Theo Business Insider, số lượng tàu Bình Nhưỡng điều động cho một cuộc tập trận gấp 3,5 lần tổng số tàu ngầm của Hàn Quốc. Tổng số tàu ngầm trong biên chế Hải quân Triều Tiên lên đến 78 chiếc, nhiều hơn Mỹ với 72 tàu.

Xét về số lượng, Triều Tiên là quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới. Theo BBC, hải quân nước này có 40 tàu ngầm mini lớp Sang-O tải trọng 330 tấn, 10 tàu ngầm mini lớp Yono, lượng giãn nước 110 tấn, 22 tàu lớp Romeo sản xuất tại Trung Quốc.

Trong hạm đội tàu ngầm nước này, Romeo (Type-033) là loại tàu ngầm lớn nhất với lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn. Romeo được chế tạo dựa trên công nghệ tàu ngầm U-boat của Đức vào những năm 1950. Lớp tàu ngầm này rất ồn và lạc hậu. Vũ khí chính trên tàu là 8 ống phóng ngư lôi 533 mm với phạm vi tác chiến giới hạn ở cự ly 6 km, theo Nava-technology.

Loại tàu ngầm chiếm số lượng nhiều nhất của Triều Tiên là Sang-O, đây là lớp tàu mini do nước này chế tạo. Nó có lượng giãn nước khoảng 330 tấn. Vũ khí chính trên tàu gồm hai ống phóng ngư lôi 533 mm. Phương tiện chiến tranh dưới nước nhỏ nhất của Bình Nhưỡng là lớp tàu Yono. Nó có lượng giãn nước khi lặn chỉ 130 tấn. Vũ khí chủ lực là hai ống phóng ngư lôi 533 mm.

Năng lực tác chiến yếu
a
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một lần tới thị sát tàu ngầm lớp Romeo. Ảnh: Nationalpostcom

Hải quân Triều Tiên có hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có năng lực tác chiến mạnh. Về mặt lý thuyết, Bình Nhưỡng có thể sử dụng các tàu ngầm Romeo cho nhiệm vụ phong tỏa bờ biển. Tuy nhiên, Hàn Quốc có lực lượng săn ngầm rất hiện đại. Lúc đó những chiếc tàu ngầm loại cũ, ồn ào như Romeo/Type 033 sẽ dễ dàng bị phát hiện và thành miếng mồi ngon cho các lực lượng săn ngầm.

Mặt khác, Triều Tiên thiếu năng lực tác chiến tổng thể, lực lượng tàu mặt nước lạc hậu, sức mạnh hỏa lực kém. Các tàu ngầm nước này sẽ trở nên đơn độc nếu tác chiến xa bờ. Do đó, hạm đội tàu lớn nhất thế giới chỉ có thể phát huy sức mạnh khi tác chiến ven bờ để dựa vào hiệu ứng số đông.

Ngược lại, Hải quân Hàn quốc (ROKN) sở hữu một hạm đội tàu ngầm hiện đại. Đó là những tàu ngầm lớp KSS-1 Chang Bogo và KSS-2 Sohn Won-Il được đóng dựa trên công nghệ của Type-209/1400 và Type 214 của Đức. Theo Nava-technology, đây là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân đáng sợ nhất thế giới.

Trong khi tàu ngầm Triều Tiên chỉ có khả năng tác chiến đầy đủ trong tầm gần nhờ các ngư lôi cổ điển, tàu ngầm của Hàn Quốc được trang bị tên lửa chống tàu UGM-84C Harpoon, có khả năng tiêu diệt các chiến hạm đối phương từ cự ly 120-130 km. Bên cạnh đó, các tàu này còn sở hữu ngư lôi dẫn đường hạng nặng tiên tiến do Đức chế tạo. Các hệ thống điện tử, sonar trên tàu Hàn Quốc cũng vượt trội.

Giữa đội tàu ngầm của Hàn Quốc và Triều Tiên rõ ràng tồn tại một khoảng cách lớn về công nghệ và năng lực tác chiến. Lợi thế lớn nhất của Triều Tiên là hiệu ứng số đông, nhưng chỉ có thể phát huy trong điều kiện tác chiến gần bờ.

Chiến tranh Hàn - Triều khó nổ ra

Giới phân tích Hàn Quốc nhận định, cuộc đấu pháo mới khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, nhưng khả năng hai nước tiến hành chiến tranh quy mô lớn khó xảy ra.

Hiểm họa từ tàu ngầm mini

Nếu đánh giá ở góc độ công nghệ, hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên kém xa so với Hàn Quốc. Bên cạnh 14 tàu ngầm hiện đại, Hàn Quốc còn sở hữu lực lượng tàu chiến mặt nước với năng lực săn ngầm hàng đầu khu vực châu Á. Các tàu chiến của Bình Nhưỡng khó lòng vượt qua lưới tác chiến chống ngầm tối tân của Seoul.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực tế và nguy hiểm hàng đầu của hạm đội tàu ngầm Triều Tiên lại đến từ lực lượng tàu ngầm mini bí mật của nước này. Việc phát hiện những chiếc tàu nhỏ dưới mặt nước không phải vấn đề đơn giản. Sự cố chìm tàu hộ tống Cheonan năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng đã nói lên sự nguy hiểm đó.

Chính phủ Hàn Quốc cáo buộc tàu ngầm Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến nước này. Sự cố Cheonan là một hồi chuông cảnh báo mối nguy hiểm tiềm tàng từ đội tàu ngầm mini của Triều Tiên. Theo Global Security, năm 1996, một tàu ngầm mini lớp Sang-O của Bình Nhưỡng đã bí mật tiếp cận bờ biển Hàn Quốc để triển khai biệt kích mà nước này không biết. Sự việc chỉ bại lộ khi con tàu mắc cạn nên không thể quay ra biển.

Koh Swee Lean Collin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore nhận xét, Triều Tiên đang sử dụng chiến lược phi đối xứng nhằm đối phó với Hải quân Hàn Quốc tiên tiến hơn rất nhiều và tàu ngầm mini là một thành phần quan trọng trong chiến lược này.

5 vũ khí Triều Tiên có thể khiến Hàn Quốc lo sợ

Vũ khí hạt nhân, kho tên lửa đạn đạo đồ sộ hay lực lượng pháo binh hùng hậu là những vũ khí của Triều Tiên có thể uy hiếp Hàn Quốc.

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ đi tới đâu?

Triều Tiên sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nhằm buộc Hàn Quốc quay lại bàn đàm phán. Đây là điều mà các biện pháp ngoại giao không thể thực hiện.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm